San sẻ đau thương
Trong rất nhiều mất mát bởi lũ chồng lũ, nỗi đau mất người thân trở nên quá sức với nhiều gia đình. Sự chia sẻ, trợ giúp của chính quyền địa phương, cộng đồng phần nào làm nguôi ngoai nỗi đau buồn.
Đợt lũ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 đã làm 7 người trong tỉnh thiệt mạng, 3 người bị thương.
Những người đi tìm kiếm em Thủy trở về trong mệt mỏi và thất vọng.
Tang thương
Chúng tôi đến thăm gia đình ngư dân Võ Xược (SN 1965), ở thôn Tân Thành 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, người đã tử vong trên cửa biển Tam Quan do mưa to, sóng lớn đánh chìm tàu vào khoảng 8 giờ sáng 30.11 vừa qua. Gần 1 tuần trôi qua, rất nhiều bà con chòm xóm, bạn bè gần xa vẫn tới thăm viếng, chia sẻ cùng gia đình. Không khí tang thương, ảm đạm bao trùm cả xóm nhỏ Hảo Thiện, nơi ở của gia đình ngư dân xấu số.
Trong căn nhà nhỏ, vợ anh Xược, chị Huỳnh Thị Lê (46 tuổi) cùng 2 con gái và 1 con trai đầu chít khăn tang, gương mặt nặng trĩu. Chị Lê nghẹn ngào: “Hai con gái lớn chưa yên bề gia thất lại không nghề nghiệp ổn định, con trai út mới học lớp 10. Riêng tôi, các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán khớp háng thoái hóa 60%, nếu không thay thế, sẽ rất nguy hiểm. Gần chục năm nay, vì kinh tế gia đình khó khăn, tôi vẫn cắn răng chịu đựng những cơn đau”.
Ông Bùi Tất Lợi, Trưởng thôn Tân Thành 1, cho biết: “Nhiều năm qua, anh Xược chỉ đi bạn gần bờ để có thời gian chăm sóc gia đình. Nay, anh đột ngột mất đi, mẹ con chị Lê rơi vào cảnh bế tắc. Buồn hơn là nghe chuyện con trai út, cháu Võ Tiến Đạt, nằng nặc xin nghỉ học để thay ba đi biển, kiếm tiền chữa bệnh cho má nhưng chị Lê chưa cam lòng”.
Trong khi đó, đến chiều 5.12, đoàn người tìm kiếm em Trần Thị Lệ Thủy (SN 2001), ở khối 1A, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, vẫn trở về trong mệt nhoài và vô vọng. Trước đó, chiều 30.11, Thủy bị rơi xuống cầu Phú Phong (cũ) và mất tích. 5 ngày liền, gia đình và người dân địa phương đã tỏa ra dọc sông Côn để tìm kiếm em nhưng vẫn không có kết quả. Trong nhà, ông bà nội, chị gái và các cô, các dì ngồi thẫn thờ, yên lặng, hướng mắt về phía sông Côn.
Bà nội của Thủy, cụ Trần Thị Nông (75 tuổi) đau đớn kể: “Mấy bữa nay, đàn ông, thanh niên trong nhà, trong xóm đều chia nhau đi tìm cháu. Mỗi khi nghe tin ở đâu có dấu hiệu của người chết đuối, cả gia đình lại đổ dồn về đó. Chiều 5.12, ba mẹ cháu nghe có người khuyên nên vào sông Cầu (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) tìm thử cũng đã tức tốc thuê xe khách lên đường. Thân già như chúng tôi chỉ biết ngồi ở nhà, đợi tin tức mà lòng dạ nóng ran. Phải chi trời tạnh mưa, nước nhỏ lại để mọi người đi tìm cháu đỡ cực hơn”.
Gia đình chị Lê nặng trĩu nỗi đau trước sự ra đi của người trụ cột gia đình. Ảnh: DIỆP BẢO SƯƠNG
Chia sẻ mất mát
Những ngày qua, chung sức với gia đình để tìm kiếm em Trần Thị Lệ Thủy là các cán bộ chính quyền địa phương và những người hàng xóm. Theo ông Lê Hà An, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), địa phương đã hỗ trợ 3 sõng nhôm, áo phao và huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ gia đình tìm kiếm. Trong 2 ngày đầu tiên khi Thủy mất tích, Ban chỉ huy Quân sự huyện Tây Sơn cũng huy động 2 ca nô để tìm kiếm em.
Anh Trần Trung (38 tuổi, hàng xóm với gia đình Thủy), một trong số nhiều người cùng với gia đình tìm kiếm Thủy, cho biết: “Chúng tôi đã xuôi sõng theo dòng nước, lục lọi trong cả những bụi bờ, nơi cây cối và rác dạt vào nhưng đều không tìm thấy. Ngày 5.12, từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, chúng tôi đã về tới nhánh sông cuối thôn Bình Nghi để tìm kiếm nhưng vẫn trở về tay không”.
Hoạt động tìm kiếm em Thủy hiện vẫn tiếp tục. Gia đình Thủy rất mong bất kỳ ai có thông tin gì về một em gái 15 tuổi bị đuối nước, liên hệ về gia đình theo số điện thoại 01688 078 979 - chú Hiếu của Thủy.
Ngoài hỗ trợ về mặt tìm kiếm, nhiều tổ chức cũng đã hỗ trợ gia đình Thủy về mặt tài chính. Ngày 5.12, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn phối hợp với Hội CTĐ huyện đã thăm, hỗ trợ gia đình 2 triệu đồng. Một trường hợp khác cũng bị thiệt mạng do nước lũ, em Nguyễn Văn Mai (SN 2001, ở khu vực 1, thị trấn Phú Phong), được hỗ trợ với mức tương tự.
Với gia đình ngư dân Võ Xược, lãnh đạo huyện trực tiếp về chỉ đạo công tác trục vớt phương tiện, đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Lê và hỗ trợ 3 triệu đồng; UBND xã Tam Quan Bắc hỗ trợ gia đình 1 triệu đồng; Hội CTĐ tỉnh và huyện hỗ trợ 2 triệu đồng. Ban bạn đọc Báo Thanh niên cũng trực tiếp đến thăm và hỗ trợ 5 triệu đồng góp phần an ủi gia đình.
Bên cạnh sự hỗ trợ về mặt tài chính mang tính khẩn cấp, các địa phương cũng xây dựng các hỗ trợ mang tính lâu dài cho thân nhân của người bị thiệt mạng.
Trong số 2 người thiệt mạng bởi lũ dữ ở huyện An Lão, nạn nhân Phan Văn Kiệt (ở thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa) mắc bệnh động kinh, thuộc hộ nghèo. Sau khi anh mất, vợ một mình nuôi 2 con nhỏ (trong đó, có một bé bị mắc bệnh động kinh). “Phòng LĐ-TB&XH huyện đang làm hồ sơ để gia đình được thụ hưởng chế độ theo diện người thuộc hộ nghèo, đơn thân, đang nuôi con dưới 16 tuổi (áp dụng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP). Khoản trợ giúp này sẽ phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn trong thời gian tới”, ông Từ Xuân Mười, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, cho biết.
Ông Vũ Văn Nghiêm, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát, cũng trao đổi: “Đối với con của nạn nhân Phạm Thị Hoa (43 tuổi, ở thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài, huyện Phù Cát), gia đình, địa phương đã đưa cháu vào diện mồ côi để được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Nếu gia đình không đủ khả năng nuôi dưỡng cháu, địa phương sẽ hỗ trợ để đưa cháu vào Trung tâm BTXH tỉnh hoặc Làng trẻ em SOS Quy Nhơn để chăm sóc cháu tốt hơn”.
NGUYỄN MUỘI - DIỆP BẢO SƯƠNG