Những đứa trẻ ở sân tòa
Ở tòa án, phòng xử án là nơi các bị cáo bị xét xử bởi những hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã gây ra. Nơi đó nghiêm trang, có vẻ lạnh lùng. Cách đó một chút thôi, hành lang và sân tòa, lại là nơi chứa đựng bao hỉ nộ ái ố. Là cái ngoái đầu, ánh nhìn thương cảm của bị cáo và gia đình trong phút trùng phùng ngắn ngủi được đưa xuống từ trong xe tù để vào phòng xử. Là tiếng gọi người thân da diết nhớ thương bởi lâu rồi mới gặp lại. Nhưng ám ảnh nhất trong tôi vẫn luôn là hình ảnh những đứa trẻ là con của các bị cáo, được người thân dẫn đến chỉ để gặp mặt cha mẹ của chúng sau thời gian dài xa cách. Và khi phiên xử bắt đầu thì những đứa trẻ ấy thập thò ngoài cửa phòng xét xử, hay thơ thẩn chơi quanh bậc tam cấp cầu thang, chỉ để chờ đợi.
Như tại phiên xử bị cáo Trần Thị Hà (SN 1971, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) cùng đồng bọn về tội buôn bán trái phép chất ma túy mà TAND tỉnh mở vào cuối tháng 11 vừa qua, khi mọi người đã vào trong để theo dõi phiên tòa thì bên ngoài, ngay góc sân tòa, có đến 5 đứa trẻ con nước mắt giàn giụa. Chúng theo người thân đến đây với lý do duy nhất là được gặp lại cha mẹ của mình sau nhiều ngày xa cách. Chị em bé T. là con của bị cáo Trần Thị Lan (em ruột bị cáo Trần Thị Hà) hỏi tôi: “Lúc nãy con thấy ba mẹ đi vào mà không kịp nói chuyện gì cả, giờ con ngồi đây đợi, lát nữa chắc sẽ được gặp ba mẹ lâu hơn phải không cô. 8 tháng rồi con chưa được gặp mẹ, con nhớ mẹ nhiều lắm”.
Bên trong phòng xử, hội đồng xét xử đang thẩm vấn hành vi phạm tội của các bị cáo. Bên ngoài hành lang, 5 đứa trẻ cứ thế ngồi ngóng theo, rồi thi thoảng lại nói chuyện với nhau. Con của bị cáo Lan hỏi con của bị cáo Hà: “Tí nữa mẹ ra, em sẽ tặng mẹ cái thiệp này, bữa cô giáo bày làm để tặng mẹ đó. Còn chị, chị có gì cho dì không?”. Chị con dì của cô bé dường như hiểu được việc mấy chị em sẽ còn phải xa ba mẹ lâu ngày nữa và cả phải tự chăm lo cho nhau, nên nói với em rằng: “Mình phải ngoan để mọi người an tâm”. Nói rồi cô bé chạy vội ra giữa bậc tam cấp để dắt cậu em trai của mình đang mon men để chạy lên phòng xử, bảo với em: “Chị đã dặn không được đi lung tung, phải ngồi đây ngoan rồi tí nữa gặp ba mẹ chứ”. Thằng bé 6 tuổi hỏi, sao đợi mãi mà chưa được nói chuyện với ba mẹ? Em thấy ba mẹ, bà ngoại, dì (tất cả đều là bị cáo - NV) đứng ngay kia kìa.
Câu hỏi ngây thơ của cậu bé này khiến tôi nhớ lại đôi bàn tay bé nhỏ, chấp chới của đứa trẻ lên hai, trong một phiên tòa khác, đứng trên bậc tam cấp gọi “ba, ba” khi thoáng thấy bóng cha được cảnh sát tư pháp đưa ra ngoài để vào xe tù. Cả tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, bé sẽ thiếu đi sự dạy dỗ, chở che của người cha. Bởi, cha của em vừa bị kết án 15 năm tù giam về tội giết người, mẹ thì đã bỏ đi từ khi em bé tròn 5 tháng tuổi. Và giờ đây, em phải sống với bà nội.
Tuổi các em, đáng lẽ phải được bao bọc trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Nhưng rồi, lòng tham, sự vô tâm của những bậc làm cha, làm mẹ đã đẩy cuộc đời các em rẽ sang hướng khác. Người lớn phải trả giá cho những hành vi sai trái của họ là điều không phải bàn, chỉ thương những đứa trẻ thơ ngây phải mang những vết sướt trong tâm hồn từ khi còn quá nhỏ.
Q.THÀNH