Vốn vay ưu đãi-nguồn lực tiếp sức học sinh nghèo đến trường
Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi theo quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, nhiều học sinh, sinh viên ở huyện miền núi Vân Canh đã được tiếp sức đến trường học tập, thực hiện hoài bão của mình.
Vân Canh là một huyện nghèo, có hơn 7.500 hộ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng đất đai lại bạc màu, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên nên chịu ảnh hưởng không ít về khí hậu, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Những năm trước, tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50% số hộ trong toàn huyện. Số học sinh phổ thông bỏ học giữa chừng, hoặc không có điều kiện thi và học đại học chiếm tỉ lệ khá cao. Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã là nguồn động lực giúp học sinh nghèo và cận nghèo ở huyện miền núi Vân Canh đến trường.
Bà Vương Thị Kim Đào (thôn Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh) nhờ vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên nghèo đã có điều kiện lo cho 3 người con học đại học.
Nhiều năm qua, vấn đề học sinh bỏ học ở các cấp phổ thông để phụ giúp cha mẹ lao động là vấn nạn của huyện miền núi Vân Canh nói riêng và một số địa phương ở miền núi, trung du trong tỉnh nói chung. Nguyên nhân cốt lõi là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên việc học của các em, các cháu bị đứt đoạn. 5 năm trở lại đây, cán bộ PGD Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Vân Canh đã tích cực đến tận thôn, bản làng thông báo cho mọi người biết mục đích, ý nghĩa, đối tượng cũng như thủ tục cho vay của chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Các tổ tiết kiệm và vay vốn theo thôn, làng, xóm cũng được thành lập để giải ngân kịp thời cho các gia đình học sinh, sinh viên nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn.
Bà Vương Thị Kim Đào, ở thôn Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh, nuôi một lúc 3 con ăn học, trong đó cùng một lúc có 2 con vào học đại học ở TP Hồ chí Minh, gia đình dự định cho một cháu nghỉ học để lao động phụ giúp gia đình, nhưng nhờ vốn vay học sinh, sinh viên bà đã quyết tâm nuôi con ăn học. Hiện một cháu đã đi làm, một cháu đang học đại học luật, một cháu học cấp 3. Bà Đào tâm sự: “Chương trình tín dụng cho sinh viên nghèo đã giúp gia đình tôi như trút được một phần gánh nặng”.
Tính từ năm 2007 đến nay, tổng dư nợ cho vay từ chương trình trên địa bàn huyện đạt 11,928 tỉ đồng, tạo điều kiện cho 1.184 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Điều đáng mừng là các thủ tục cho vay được phía ngân hàng và chính quyền triển khai nhanh chóng, thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho người vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, người vay được tiếp cận vốn nhanh chóng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Năm 2011, con lớn của bà Nguyễn Thị Hồng Nga, thôn Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh thi đậu vào trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP HCM. Kinh tế khó khăn, Bà khuyên con chờ đợi năm sau thi lại một trường gần nhà hơn để có thể tiết kiệm một phần chi phí cho học tập. Đúng lúc ấy tổ tiết kiệm- vay vốn hướng dẫn bà làm thủ tục vay vốn học sinh, sinh viên và con chị đã được tiếp tục đến trường theo đúng nguyện vọng; bà mừng đến chảy nước mắt. Bà Nguyễn Thị Vân, thôn An Long 1, xã Canh Vinh, Nguyễn Thị Thắm, thôn Hiệp Vinh 1, xã Canh Vinh, … cũng nhờ được vay vốn học sinh, sinh viên mà các con có điều kiện đến giảng đường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Ở huyện Vân Canh, từ năm 2007 đến nay đã có 627 hộ nghèo và cận nghèo, với 1.184 học sinh, sinh viên được vay vốn từ chương trình tín dụng này. Nhờ đó nhiều em có hoàn cảnh khó khăn lại tiếp tục được học tập, thực hiện hoài bão tiến thân bằng con đường học hành. Để kênh vốn này tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, PGD Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền, tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, đoàn thể các xã, thị trấn củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm, đáp ứng khả năng thực hiện tốt các chương trình cho vay học sinh, sinh viên và các chương trình mang tính xã hội khác, tăng cường kiểm tra vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, qua đó góp phần đẩy mạnh việc thực hiện xã hội học tập trên địa bàn.
HẠNH PHÚC