Trường PT DTNT huyện Vĩnh Thạnh:
Chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống
Là trường nội trú dành cho học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) ở 2 huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn, trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ, Trường PT DTNT Vĩnh Thạnh luôn chú trọng mảng văn hóa truyền thống để góp phần tuyên truyền, định hướng cho học sinh tình yêu và trách nhiệm bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền.
Nhà nghiên cứu văn hóa Yang Danh hướng dẫn một học sinh của Trường biểu diễn đàn tơ-rưng.
Từ ý thức của học sinh với văn hóa truyền thống
Những ngày này, các hạt nhân văn nghệ của Trường PT DTNT huyện Vĩnh Thạnh đang tập luyện các tiết mục văn nghệ tham gia hội thi chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Giang Yến Vy, học sinh lớp 6A2, nhỏ tuổi nhất trong số các hạt nhân văn nghệ của Trường, nhưng thành tích văn nghệ của em thì không hề nhỏ. Cô bé có khiếu và dạn dĩ, tham gia văn nghệ từ năm lớp 1, hát hay, múa đẹp, dệt thổ cẩm giỏi. Dịp 20.11 vừa rồi, nhà trường tổ chức Hội thi đan lát, dệt thổ cẩm, Vy đạt giải Nhất khối THCS.
Vy chia sẻ: “Em được bà dạy dệt thổ cẩm từ năm ngoái, lúc bắt đầu học thấy rất khó vì phải dệt nhiều hoa văn, nhưng quen rồi thì thấy dễ, nhất là khi dệt được nhiều tấm thổ cẩm đẹp thì thích vô cùng! Bây giờ em đã “ghiền” dệt và mỗi cuối tuần về nhà (xã Vĩnh Hảo) đều nhờ bà chỉ dệt những họa tiết khó hơn”.
Cùng năng khiếu, sở thích như Yến Vy là em Đinh Thị Tuệ, lớp 12A2, đạt giải Nhất (dệt thổ cẩm, đan lát) khối THPT. Điều đáng nói là Tuệ còn để tâm tìm hiểu, nghiên cứu về nghề. Với đề tài “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bana Kriêm với học sinh Trường PT DTNT huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định”, em đã đạt giải Nhất trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật do nhà trường tổ chức đầu tháng 12.2016.
Cùng ham muốn nghiên cứu như chị Tuệ, còn có Mai Sơn Thị Thủy Trúc (học sinh lớp 9A2). Thủy Trúc say mê đọc, điền dã và em đã thực hiện đề tài “Hát ru Bana Kriêm với học sinh Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định”, tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Trường (2016) và đạt giải Ba.
“Thực hiện đề tài này, em mong muốn các bạn học sinh thêm hiểu biết về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình và nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cùng chung tay giữ gìn để nghề không bị mai một”, Tuệ tâm sự.
Về đánh cồng chiêng, Đinh Vin, lớp 12A1 được đánh giá là vững nhất. Vin được bà con làng O2, xã Vĩnh Kim quê em dạy đánh cồng chiêng từ bé. Tiếng cồng tiếng chiêng của Vin nghe rất có “nghề”, nên mỗi lần về nhà gặp dịp làng tổ chức sinh hoạt cộng đồng, Vin vinh dự được đánh cồng chiêng cạnh các bá, bok.
Ðến sự chủ động, tích cực của nhà trường, cộng đồng
Ý thức về trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống trong học sinh được bồi đắp và đạt hiệu quả là nhờ chủ trương, cách thức đúng đắn, phù hợp của nhà trường. Ngoài việc quy định mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 hàng tuần, nhà trường còn tổ chức phòng truyền thống để trưng bày các mô hình nhà ở, nhà sàn, vật dụng sinh hoạt, sản xuất, trang phục, trang sức, mẫu hoa văn dệt thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc của người Bana.
Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức và duy trì nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, phù hợp với đồng bào DTTS như hội thi chế tác, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và hát dân ca Bana; hội thi biểu diễn cồng chiêng và múa xoang; hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật về văn hóa Bana; hội thi dệt thổ cẩm (dành cho học sinh nữ) và đan đát (dành cho học sinh nam), thành lập CLB văn hóa văn nghệ, sưu tầm các bài hát dân ca Bana, mời các nghệ nhân để chỉ dạy đánh cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca. Ngoài ra, Đoàn trường thường xuyên tổ chức các buổi phát thanh, viết bản tin tuyên truyền về văn hóa truyền thống cho học sinh để các em thêm am hiểu, có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình.
Ngoài những nỗ lực của nhà trường, sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu gạo cội của huyện như Yang Danh, Đinh Y Nam, Đinh Y Băng… cũng là một thuận lợi lớn cho trường. Đặc biệt, nhà trường còn nhận được sự chung tay của các phụ huynh như chị Đinh Thị Hạnh (xã Vĩnh Hảo - dạy múa dân gian), bà Đinh Thị Hoa, bà Đinh Thị Đem (thị trấn Vĩnh Thạnh - dạy dệt thổ cẩm). “Có thể truyền nghề cho lớp trẻ, tôi rất vui”, bà Đem chia sẻ.
Là giáo viên thâm niên của trường, trực tiếp tổ chức văn nghệ học đường, thầy Trương Thanh Bình, giáo viên dạy nhạc, chủ nhiệm CLB văn hóa văn nghệ, chia sẻ: “Trước tác động mạnh mẽ của văn hóa hiện đại, internet, đặc biệt gần đây là mạng xã hội, mối quan tâm của học sinh với văn hóa truyền thống bị chia sẻ lớn. Nhà trường đã và đang rất nỗ lực để có thể góp phần giảm thiểu nguy cơ đó”.
ÐINH THỊ THƯƠN - SAO LY