Nỗi lo tai nạn trên các tuyến giao thông nông thôn
Sau các đợt lũ chồng lũ trong tháng 11 và tháng 12.2016, rất nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh ta hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều nơi mặt đường “nát như tương” với nhiều hầm, hố lớn nhỏ. Khi trời mưa, nước phủ đầy mặt đường che khuất các hầm, hố nên người tham gia giao thông có thể sập “bẫy” bất cứ lúc nào.
Đường hư hỏng nặng, lại có nhiều loại phương tiện cùng tham gia lưu thông nên rất mất an toàn.
Thực tế, tại một số tuyến tỉnh lộ như ĐT 640 - đoạn qua tràn thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa (Tuy Phước); ĐT 635 - từ thị trấn Ngô Mây về các xã Cát Tường, Cát Trinh (Phù Cát); ĐT 636B - từ phường Bình Định (TX An Nhơn) về khu vực Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước)… mặt đường quá xấu, lại có nhiều phương tiện cùng lưu thông nên thường xuyên có tình trạng người điều khiển mô tô, xe đạp bị trượt ngã rất nguy hiểm.
Hiện nay, một số tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã có chiều rộng mặt đường được thảm nhựa hoặc đổ bê tông xi măng tương đối hẹp, từ 2,5m - 3,5m; trong khi lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến lại khá đông với nhiều loại phương tiện. Người điều khiển phương tiện thường có tâm lý không nhường nhau và “đường làng, lực lượng chức năng ít tuần tra, kiểm soát” nên chủ quan, vô tư chở hàng cồng kềnh, phóng nhanh, vượt ẩu. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông.
Chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần nhanh chóng khắc phục, sửa chữa các điểm đường bị hư hỏng ngay sau khi lũ rút để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với người tham gia giao thông, phải nêu cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Hết sức cẩn trọng khi lưu thông qua những điểm đường hư hỏng; chú ý nhường đường, không chen lấn, giành đường ở những nơi có nước phủ tràn trên mặt đường.
DƯƠNG MINH