Học nghề thú y dễ tìm việc làm
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, trường đào tạo nghề thú y rất ít, số lượng học viên ra nghề vì thế không nhiều, trong khi nhu cầu tuyển dụng lại lớn. Chính vì vậy, các học viên tốt nghiệp ra trường đều tìm được việc làm, thu nhập ổn định nên nghề này bắt đầu thu hút nhiều người theo học.
Các học viên học nghề thú y tại Trường CĐ nghề cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ đang thực hành điều trị bệnh cho vật nuôi.
Người học nghề thú y tăng
Ông Nguyễn Xuân Đính, Trưởng khoa Nông- Lâm nghiệp, Trường CĐ nghề cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ, cho biết: Những năm trước đây, nghề thú y rất ít người học, nên công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, mỗi năm chỉ tuyển được 15 - 20 em. Nhưng 3 năm trở lại đây, nghề này tuyển sinh tăng đột biến: năm 2014 tuyển được 36 em, năm 2015 tuyển được 68 em, năm 2016 tuyển được 142 em, trong khi chỉ tiêu năm 2016 nhà trường đặt ra chỉ tuyển 50-60 em. Trong số 142 em theo học nghề thú y năm 2016 có 79 em học hệ trung cấp, 63 em học hệ cao đẳng và số học viên nữ chiếm 70%.
Theo ông Đính, nguyên nhân học sinh đăng ký học nghề thú y tăng là do những năm gần đây, ngành, nghề chăn nuôi phát triển mạnh trên địa bàn Bình Định cũng như ở các địa phương khác nên nhu cầu về người chăm sóc sức khỏe cho vật nuôi cũng tăng theo. Các học viên theo học nghề này khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, nhiều em lúc đi thực tập ở các công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc các nhà máy chế biến thức ăn gia súc đã được các đơn vị này “chấm” và nhận vào làm việc ngay khi các em vừa tốt nghiệp.
Qua khảo sát của Trường CĐ nghề cơ điện- xây dựng và nông lâm Trung bộ, mức thu nhập mà học viên của Trường ra nghề đi làm là 7 - 10 triệu đồng/tháng, cá biệt có người đạt mức 15 - 20 triệu đồng/tháng. Mặt khác, tại Bình Định chỉ có 2 cơ sở đào tạo nghề thú y là Trường CĐ nghề cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định. Đặc biệt, thời gian gần đây, Bộ NN&PTNT đã đầu tư kinh phí cho Trường CĐ nghề cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ để xây dựng trại chăn nuôi thực hành, nhà thực hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề thú y nên đã thu hút nhiều người theo học.
Cô giáo Huỳnh Thị Thành, Tổ trưởng bộ môn thú y, Trường CĐ nghề cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ cho biết thêm, trong quá trình dạy, nhà trường dành nhiều thời gian cho phần thực hành để các em chẩn đoán, biết cách phòng và điều trị các bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm hiệu quả nhất. Đồng thời, nhà trường còn chủ động liên hệ tìm nơi cho các em đến thực tập và tìm chỗ làm cho các em khi ra trường.
Không tìm được việc thì tự tạo việc làm
Em Hồ Chí Tài (ở xã Ân Tín, Hoài Ân) đang học năm thứ 2 nghề thú y hệ cao đẳng, Trường CĐ nghề cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ, chia sẻ: Em theo học nghề này, ngoài sở thích, còn là tính đến chuyện việc làm sau khi ra trường. Nếu ra trường không xin được việc làm tại các công ty chăn nuôi, nhà máy chế biến thức ăn gia súc thì mình có thể về nhà phụ giúp bố mẹ lo công tác phòng và chữa trị cho trang trại heo. Trại heo nhà em đang dần mở rộng quy mô nuôi, từ 100 con heo mỗi lứa sẽ nâng lên gấp đôi, gấp 3.
Còn em Hồ Phương Đại (ở xã Ân Hữu, Hoài Ân) cũng đang theo nghề thú y năm thứ 2, hệ cao đẳng, với suy nghĩ nghề này không lo thất nghiệp. Trước đó, Đại nộp hồ sơ xét tuyển và trúng tuyển vào một trường cao đẳng, nghề công nghệ thông tin nhưng em lo khi tốt nghiệp khó xin được việc làm nên mới chuyển sang học nghề thú y. Đại cho biết: “Em và gia đình cũng dự tính, khi ra nghề nếu không thích xin vào làm việc cho các công ty, nhà máy thì về quê mở trang trại chăn nuôi để tự tạo việc làm cho mình. Vả lại học nghề thú y ít tốn kém, học phí thì rất thấp, nhà trường cho ở ký túc xá miễn phí”.
Em Liễu Triệu Kim Thoa (ở xã Ân Hữu, Hoài Ân) có giấy báo nhập học vào Trường ĐH Nha Trang, ngành chế biến thủy sản nhưng vẫn bỏ học đại học để theo học nghề thú y tại Trường CĐ nghề cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ. Kim Thoa tính toán: “Sau khi học xong cao đẳng em sẽ học liên thông lên đại học rồi mới tính chuyện đi làm. Em muốn xin vào làm ở cơ quan, đơn vị chuyên nghiên cứu, sản xuất thuốc trị bệnh cho gia súc, gia cầm”.
NGUYỄN PHÚC