Tây Sơn: Chú trọng thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở
Huyện Tây Sơn hiện có 76 tổ dân phố, thôn, làng với 105 tổ hoà giải, 589 hoà giải viên. Năm 2012 vừa qua, các tổ hòa giải trong huyện đã tiếp nhận 205 vụ việc, hòa giải thành công 163 vụ, đạt 81,1% tổng số vụ đưa ra hòa giải.
Có được kết quả trên là nhờ mạng lưới hòa giải cơ sở của huyện được thành lập rộng khắp và thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, xã Tây Bình và Bình Nghi là hai địa phương nổi bật trong thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở với mô hình tổ hoà giải được thành lập ở từng xóm. Ở xã Bình Nghi, 7 thôn trong xã đều có tổ hòa giải, gồm 56 thành viên, hầu hết là người có kinh nghiệm trong hoạt động xã hội và có trách nhiệm đối với công việc. 31 xóm ở 7 thôn lại có 31 tổ hòa giải. Bất cứ khi nào có tin báo xảy ra mâu thuẫn ở bất kỳ gia đình, địa điểm nào, các thành viên tổ hòa giải đều có mặt kịp thời, nắm bắt nguyên nhân để có biện pháp thuyết phục, vận động các bên không để xảy ra xô xát hay mâu thuẫn lớn.
Nói về hiệu quả của hoạt động hòa giải ở xã Bình Nghi trong thời gian qua, ông Trương Minh Phụng, cán bộ tư pháp xã, chia sẻ: “Ban tư pháp xã chủ động và tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền và hòa giải kịp thời những trường hợp có biểu hiện gây mất đoàn kết, ví dụ như thường xuyên uống rượu say về nhà càn quấy vợ con, hàng xóm. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đến từng xóm để tuyên truyền, thông tin cho người dân về tình hình an ninh chính trị, xử lý các vụ việc lấn chiếm đất đai, cất nhà trái phép để họ có thêm kiến thức mà thực hiện đúng quy định của pháp luật”.
Ở xã Bình Tường, điển hình trong công tác hòa giải phải kể đến tổ hòa giải ở thôn Hoà Sơn. Ông Ngô Văn Thanh, trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải, cho biết, hiện trong thôn có trên 500 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu, hàng năm tổ hoà giải tiếp nhận trên 15 vụ, việc mâu thuẫn, trong đó hoà giải thành trên 85% vụ việc.
Cùng với việc hoà giải, thời gian qua, ngành tư pháp ở cấp xã trên địa bàn huyện Tây Sơn luôn giữ vai trò chủ lực trong việc phổ biến pháp luật đến với người dân, nhằm hạn chế tối đa việc khiếu kiện, đảm bảo an ninh, gìn giữ các mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng dân cư. Các hòa giải viên cũng được tập huấn nghiệp vụ và cập nhật các văn bản pháp luật hiện hành thông qua các hội nghị triển khai các văn bản luật, tài liệu trong tủ sách pháp luật ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác hòa giải cơ sở ở Tây Sơn hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định, như: Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải thường kiêm nhiệm nhiều công việc nên không có nhiều thời gian, phải làm việc vào ngày nghỉ hoặc buổi tối để tiếp cận đối tượng hòa giải; chế độ đối với cán bộ làm công tác hòa giải còn chưa tương xứng; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hòa giải đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế...
Theo ông Nguyễn Văn Đỏ, Phó Phòng Tư pháp huyện Tây Sơn, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hòa giải cơ sở, thời gian tới huyện Tây Sơn sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải các tranh chấp trong cộng đồng dân cư nhằm kịp thời giúp hàn gắn mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
HOÀNG CHI