Hip-hop ở Quy Nhơn:
Trầm lắng phong trào
Nếu 3-4 năm về trước, ở Quy Nhơn có đến gần chục nhóm hip-hop, hằng ngày đều đặn tập luyện, thỉnh thoảng tổ chức thi đấu giao lưu, trình diễn rôm rả, thì nay chỉ còn vài nhóm lặng lẽ theo đuổi sở thích. Trong sự trầm lắng của hip-hop, có thể nhận ra góc khuất ở một bộ môn nghệ thuật “không chính thống”, cũng như nỗi niềm của những người trẻ trót đam mê.
Hip-hop hiện nay không còn là “cơn sốt” trong giới trẻ nhưng vẫn có không ít người lặng lẽ theo đuổi niềm đam mê.
- Trong ảnh: Các thành viên nhóm Newcommers trình diễn những động tác khó.
Âm ỉ “cháy”
Đều đặn mỗi chiều, khoảng sân giữa Trung tâm Thương mại Quy Nhơn có khoảng chục thanh thiếu niên say sưa với những động tác nhảy, xoay, nhào lộn trong tiếng nhạc sôi động. Đó là nhóm hip-hop Newcommers, với 8 thành viên. Thành lập từ năm 2007, đến giờ Newcommers là nhóm hip-hop có thâm niên nhất ở Quy Nhơn còn duy trì đam mê.
“Thời gian đầu, nhóm có đến gần 50 thành viên, chơi đủ thể loại như break, dance, popping, beatbox…, trong đó mạnh nhất là break. Vài năm sau, vì điều kiện đi học xa, nhiều thành viên chủ lực phải xa nhóm. 2-3 năm nay, phong trào hip-hop cũng lắng xuống, Newcommers cũng giảm dần lực lượng, chỉ còn vài thành viên kỳ cựu vì quá mê nên duy trì tập luyện để giữ phong trào”, trưởng nhóm Nguyễn Đình Lộc cho biết.
Những bạn trẻ yêu hip-hop ở Quy Nhơn đang háo hức về một đêm hip-hop, dự kiến diễn ra vào tối 29.7 tới, tuy quy mô nhỏ nhưng cũng đủ làm nức lòng mong đợi!
Cạnh Newcommers là một nhóm hip-hop khác cũng đang chú tâm vào những điệu nhảy khỏe khoắn, uyển chuyển, áo đẫm mồ hôi. 2 chàng trai và 3 cô gái, họ chuyên chơi hip-hop dance. “Nhóm còn có 3 nam nữa đã đi làm nên thường ra tập muộn hơn. Đang là hè nên nhóm dành nhiều thời gian tập ngày 2 buổi, nỗ lực tập bài để cuối tháng này tham gia một đêm diễn, lâu rồi Quy Nhơn không có “party” hip-hop nào nên bọn em chờ mong lắm”, Võ Nhị Thường, một thành viên của nhóm, háo hức cho biết.
Thật lạ là khi phong trào hip-hop đã không còn cảnh náo nhiệt thì vẫn có không ít bạn trẻ tìm đến với bộ môn này bằng tất cả sự háo hức, mới mẻ. Nguyễn Anh Phúc, nhà ở phường Lê Hồng Phong, học sinh Trường THPT Chu Văn An, chia sẻ: “Em mê hip-hop từ mấy năm trước, khi đang học cấp 2, nhưng lúc ấy xin đi tập thì ba mẹ không cho với lý do thể chất, vóc dáng còn “non”, sợ tập các động tác khó có thể gây chấn thương. Lên cấp 3, gia đình đồng ý cho đi tập mỗi ngày chừng 2 giờ, như một cách rèn luyện sức khỏe”. Cùng tập chung nhóm với Phúc còn có người anh họ là Nguyễn Duy Toàn, việc hai anh em mê và chơi hip-hop, cả nhà đều biết và cho phép.
Vẻ ngoài thường thấy của cư dân hip-hop là sự bụi bặm, phá cách, có đôi chút “hầm hố”, nhưng cũng không thiếu những gương mặt thư sinh, điềm đạm. Nguyễn Thành Vương, học sinh Trường Quốc học Quy Nhơn, học viên mới của nhóm Newcommes mà tôi gặp là một người như vậy. Có vẻ trái ngược và cũng rất thú vị là cùng với mê hip-hop, Vương còn chơi guitar. “Hip-hop trông sôi nổi, bùng nổ, mạnh mẽ, tự do là vậy nhưng cũng có chiều sâu của nó. Người theo đuổi hip-hop cũng không thể nóng vội học cấp tốc các động tác, mà phải kiên nhẫn, tập từ kỹ thuật thấp đến cao và có sự tinh tế để cảm thụ âm nhạc riêng của hip-hop”, Vương chia sẻ.
Ngậm ngùi cùng hip-hop
Sự trầm lắng của phong trào hip-hop hiện nay ở TP Quy Nhơn là hệ quả tất yếu của quá trình sàng lọc ở mọi trào lưu, nở rộ rồi cũng đến lúc thoái trào. Bên cạnh đó là nỗi ngậm ngùi của một bộ môn nghệ thuật đường phố “không chính thống”. Ngay từ khi mới du nhập, sự bùng nổ, cá tính của hip-hop đã không nhận được nhiều thiện cảm, ủng hộ. Ở Quy Nhơn cũng không ngoại lệ. Các nhóm hip-hop đã rất vất vả để tìm được chỗ tập khả dĩ. Lê la vỉa hè, công viên - những chỗ không tốn tiền - thì sàn tập không đáp ứng tiêu chuẩn, không an toàn, không có nơi cắm điện để mở nhạc, loa. Vào các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thì không kham nổi tiền thuê phòng tập. Thêm vào đó, sự sôi động, huyên náo vốn là đặc điểm nổi bật của dân hip-hop càng khiến các nhà quản lý e ngại.
Cũng khá lâu rồi, kể từ chương trình Hip-hop Dance Party do Câu lạc bộ nhảy hiện đại Hoàng Vũ tổ chức vào tháng 6.2011, hip-hop ở phố biển chưa thấy thêm sân chơi nào. Với người yêu hip-hop, đi liền với nỗ lực, đều đặn tập luyện, họ rất khát khao được thi đấu, trình diễn, giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Ở những chương trình hip-hop đã diễn ra ở Quy Nhơn từ nhiều năm qua, kinh phí tổ chức phần lớn do các nhóm tự đóng góp, thuê sân khấu, mời giám khảo, mời nhóm nhảy ở các tỉnh bạn về giao lưu. “Khi Quy Nhơn có nhiều nhóm hip-hop, đông khán giả, việc tổ chức còn “dễ thở”, nhưng nay thì khó vô cùng. Yêu thích thì tìm hiểu, tập luyện cho thỏa lòng vậy thôi chứ cơ hội được biểu diễn, giao lưu với những nhóm hip-hop lớn như trước đây trở nên… xa vời”, Trần Thị Thu Hà, sinh viên năm 2, khoa Địa lý - Địa chính, Trường ĐH Quy Nhơn, mới gia nhập Newcommers, tâm sự.
So với các tỉnh lân cận, phong trào hip-hop ở Quy Nhơn được tiếng là mạnh. Điển hình là nhóm Just For One, nổi trội về thể loại popping, đã lọt vào đến chung kết Cuộc thi Bước nhảy Xì-tin toàn quốc năm 2010. Cũng ở Cuộc thi này, nhóm Newcommers cũng đoạt giải Nhì thể loại break khu vực miền Trung. Tiếc là khi phong trào đang mạnh, một bộ môn thể thao nghệ thuật mới cũng như những bạn trẻ say mê nó đã không nhận được sự quan tâm, nâng đỡ kịp thời, nhiệt tình từ các tổ chức có liên quan.
KHẢI THƯ