Hạn chế TNGT đường sắt: Tuyên truyền là giải pháp hàng đầu
Năm 2016, TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương). Tuy nhiên trong đó, TNGT đường sắt lại tăng với 8 vụ, làm 6 người chết, 2 người bị thương; so với cùng kỳ năm ngoái tăng cả về số vụ và số người chết. Vậy đâu là nguyên nhân và cần giải pháp nào để hạn chế TNGT đường sắt?
Những đường ngang không đảm bảo luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp số vụ và số người chết do TNGT đường sắt tăng, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, 80% số vụ tai nạn đường sắt có nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông khi đi qua đường sắt thiếu chú ý quan sát, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt. Bên cạnh đó, quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang (Điều 46, Nghị định 171/2013/NĐ-CP) vẫn còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, cũng được xem là nguyên nhân gián tiếp làm gia tăng các vụ TNGT đường sắt thời gian qua.
Theo Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh: “Có 3/8 vụ TNGT đường sắt xảy ra tại đường ngang giao cắt với đường sắt có gác chắn; 5 vụ xảy ra do người dân đi bộ và nằm, ngồi trên đường sắt. Điều này cho thấy, ý thức của người dân đối với phương tiện ưu tiên là tàu hỏa còn hạn chế”.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, thời gian qua, ngành chức năng đã đẩy mạnh nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao cắt, bố trí người gác, sơn vạch giảm tốc, lắp đặt đèn cảnh báo, xây dựng biển báo. Bên cạnh đó, tại một số đường ngang dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt cao, cơ quan chức năng đã phối hợp với địa phương tiến hành thu hẹp và rào chắn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, người dân lại tự ý dỡ bỏ. Cụ thể, ngành chức năng đã phát hiện, lập biên bản 528 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường sắt, xử phạt trên 400 triệu đồng; tổ chức tháo dỡ 24 công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên TNGT đường sắt vẫn diễn biến bất thường.
Từ thực tế nêu trên, về các giải pháp để hạn chế TNGT nói chung và TNGT đường sắt nói riêng, trung tá Ngô Đức Hoài cho rằng: “Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông vẫn là giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài. Lực lượng Cảnh sát giao thông từ tỉnh đến địa phương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý với những phương tiện có hành vi vi phạm trong chỉ giới hành lang an toàn đường sắt, không chấp hành biển báo, dừng đỗ trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt. Giải pháp tiếp theo là phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc ngành Đường sắt và chính quyền địa phương rào lại các đường dân sinh mà người dân tự mở; đồng thời, cần có sự đầu tư về kinh phí để kiện toàn hệ thống hạ tầng giao thông, nâng cấp các tuyến đường ngang hợp pháp và rà soát, dẹp bỏ các tuyến đường ngang tự phát. Bởi việc gia tăng tốc độ chạy tàu cũng đồng nghĩa với nguy cơ TNGT đường sắt tăng cao; do vậy, người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nói chung, tham gia giao thông qua các tuyến đường ngang đường sắt nói riêng, để bảo đảm an toàn cho bản thân và trật tự an toàn giao thông trong xã hội.
Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh dài 146,3 km, hiện có 172 điểm đường bộ và đường sắt giao cắt, gồm 23 đường ngang có gác, 21 đường ngang phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động, 22 đường ngang phòng vệ bằng biển báo và 44 đường dân sinh, 122 lối đi.
K.ANH