Bài thi Khoa học xã hội THPT Quốc gia năm 2017:
Lo lắng với hình thức trắc nghiệm và môn Giáo dục công dân
So với bài thi tự luận, bài thi trắc nghiệm sẽ phủ rộng và len sâu vào nội dung kiến thức các môn học hơn. Riêng với môn Giáo dục công dân, nhiều giáo viên và học sinh đang lo lắng, với phân phối chương trình hiện tại là 1 tiết/tuần thì không thể quán xuyến hết toàn bộ kiến thức.
Một tiết học môn Địa lý lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn).
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, bài thi Khoa học xã hội tổng hợp 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Tổng thời gian làm bài thi Khoa học xã hội là 150 phút; trong đó, thời gian làm bài mỗi môn thành phần là 50 phút.
Trăn trở với nội dung trắc nghiệm
Cả 3 môn thành phần trong bài thi Khoa học xã hội đều có nét mới. Trong đó, Lịch sử, Địa lý chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm; còn môn Giáo dục công dân lần đầu tiên có mặt trong kỳ thi THPT quốc gia.
So với 2 môn Lịch sử và Địa lý, môn Giáo dục công dân đang làm cho cả giáo viên bộ môn và học sinh lo lắng hơn cả. Bởi môn Giáo dục công dân lớp 12 là chương trình giáo dục pháp luật. Đặc thù của bộ môn này, ngoài phần lý thuyết khá nhiều, còn đòi hỏi học sinh phải biết cách vận dụng kiến thức vào xử lý những tình huống trong thực tế cuộc sống. Trên thực tế, đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT ban hành có khá nhiều câu hỏi về tình huống pháp luật.
Cô Phạm Phú Lộc, giáo viên Trường THPT Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Chương trình Giáo dục công dân lớp 12 có 10 bài (trong đó 1 bài giảm tải). Bình quân mỗi bài dạy 3 - 6 tiết. Theo phân phối chương trình, mỗi tuần chỉ có 1 tiết, lượng kiến thức nhiều, lại phải tích hợp nhiều nội dung vào, nên hầu như không còn thời gian để giáo viên ôn tập cho học sinh. Bên cạnh đó, sách tham khảo môn học này trên thị trường cũng chưa có nhiều”.
So với thi tự luận, bài thi trắc nghiệm sẽ trải rộng kiến thức và luồn sâu vào mọi ngóc ngách. Điều này có thể thấy rõ qua các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Đáng chú ý, môn Giáo dục công dân còn đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo trong xây dựng tình huống và tình huống đó liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
“Trong quá trình dạy, sẽ có một số nội dung giáo viên lướt qua. Vậy nên, tôi đã nhắc nhở các giáo viên, khi hướng dẫn các em làm bài tập trắc nghiệm, không chỉ hướng dẫn học sinh đánh chéo vào đáp án đúng, mà thầy trò phải cùng nhau phân tích, lý giải nguyên do tại sao chọn câu A chứ không phải câu B. Làm sao để các em, cũng với nội dung đó, dù người ta hỏi cách nào, cũng có thể vận dụng được kiến thức đã học để giải quyết” - thầy Nguyễn Thanh Bằng, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) trao đổi.
Cần sự hỗ trợ
Xuất phát từ thực tế 1 tuần chỉ có 1 tiết Giáo dục công dân, nhiều giáo viên bộ môn đã kiến nghị ban giám hiệu tăng thêm buổi ôn tập vào buổi chiều. Những năm qua, Trường THPT Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn) có nhiều học sinh đăng ký thi các môn khoa học xã hội; bởi vậy, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương Minh đang có kế hoạch xin Sở GD&ĐT cho phép triển khai thực hiện việc này.
“Yêu cầu của giáo viên rất chính đáng. Tôi sẽ gửi tờ trình xin Sở GD&ĐT cho phép dạy ôn 1 tiết Giáo dục công dân vào buổi chiều. Còn trong thời gian ôn tập tăng tốc 1 tháng trước ngày thi, có lẽ cũng cần tính toán để tiếp tục tăng thêm buổi ôn cho môn này” - bà Minh chia sẻ.
Một khó khăn khác mà giáo viên của cả 3 bộ môn Khoa học xã hội đang mong được hỗ trợ là làm sao thống kê chính xác các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao trong đề thi, bởi hiện nay, chưa có một hướng dẫn cụ thể nào. Theo đúng quy trình, ma trận đề có trước, giáo viên căn cứ vào đó để làm đề. Nhưng hiện tại, giáo viên phải thực hiện quy trình ngược, tức lấy đề minh họa của Bộ GD&ĐT, lập ma trận, tự xác định các mức độ; rồi mới biên soạn đề cho học sinh.
“Cuối tháng này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn về ma trận đề, cách biên soạn các câu hỏi trắc nghiệm. Trong khi chờ đợi, các giáo viên, trong khả năng của mình, hãy tập làm quen với đề, cách biên soạn trước. Hãy năng động, sáng tạo, tích cực soạn đề, ôn tập cho học sinh, rồi phản ánh lại những việc làm được và chưa được, để Sở GD&ĐT phổ biến những cách làm hay và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn” - thầy Bằng dặn dò.
NGỌC TÚ