Đừng để… “luật trời ơi!”
Gần đây, dư luận xã hội nhiều lần phải… “lên ruột” với không ít các quy định pháp luật được ban hành nhưng vô cùng xa rời thực tế mà có vị đại biểu Quốc hội đã khái quát rất hình ảnh rằng đó là kiểu làm luật… “ở trên trời” (!).
Có thể nêu ra nhiều dẫn chứng của tình trạng nêu trên.
Mới nhất là quy định bổ sung đối tượng ưu tiên tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng từ thời Cách mạng Tháng Tám 1945 khi dự thi đại học. Mặc dù cơ quan ban hành đã cố lý giải việc này là sự thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn nhưng nó đã được rút lại ngay sau đó sau vô số ý kiến phản bác và chỉ trích sự thiếu thực tế và không cần thiết của quy định này.
Trước đó không lâu, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình… Dự thảo này quy định phạt đến 1 triệu đồng nếu vợ hoặc chồng có hành vi kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của chồng (vợ) hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho người đó cũng như thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính; phạt từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng đối với chồng có hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết vợ hay con cái, thành viên gia đình hoặc ngược lại… Gần như ngay lập tức hàng loạt phân tích từ phía dư luận xã hội đã chỉ ra những điểm bất hợp lý, thiếu tính khả thi của các quy định trái khoáy này. Chẳng hạn, pháp luật quy định tài sản trong hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, vì thế tiền nộp phạt cũng là lấy từ túi tiền gia đình mà ra và người bị phạt là vợ hay chồng cũng bị thiệt hại lây. Việc bị phạt cũng sẽ khiến vợ chồng bất hòa, nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội… Trước phản ứng trái chiều mạnh mẽ của dư luận, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết sẽ bổ sung, sửa đổi những điểm không hợp lý, khó thực hiện của quy định này.
Nhìn lại trước nữa cũng đã có không ít văn bản quy phạm pháp luật có nhiều hạn chế, thiếu sót, thiếu tính khả thi… bị dư luận phản đối, buộc phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc hủy bỏ như: quy định xử phạt đến 5 triệu đồng hành vi nghe điện thoại ở cây xăng, quy định xử phạt xe không “chính chủ”, quy định bán thịt trong vòng 8 giờ…
Việc ban hành văn bản pháp luật là để điều chỉnh những hành vi sai trái, lệch lạc nhằm xây dựng một xã hội chuẩn mực hơn, tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Theo ý nghĩa đó, văn bản pháp luật phải xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống và đi vào cuộc sống. Thế nhưng, với kiểu làm luật… “ở trên trời” thì mục tiêu này đã không thể đạt được, chưa nói đến các hệ lụy xấu khác như việc “nhờn luật” do sự bất cập gây ra.
Tuy nhiên, có một thực tế là từ trước đến nay dường như chưa có ai bị xử lý hay chịu trách nhiệm về việc ban hành những văn bản pháp luật thiếu tính khả thi, xa rời cuộc sống. Đây chính là “lỗ hổng” dẫn đến sự ra đời của những quy định thuộc dạng… “luật trời ơi!”. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc pháp luật cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người hoặc cơ quan đề xuất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm bịt cho được cái “lỗ hổng” trách nhiệm của những người làm luật “ở trên trời”!
HẢI ĐĂNG