Khán giả ngoại say sưa với 'Kẹp hạt dẻ” nội
"Kẹp hạt dẻ" là vở ballet được trình diễn nhiều nhất thế giới vì năm nào đến mùa Giáng sinh các nhà hát cũng thi nhau dựng. Ngay ở Hà Nội tháng 12, khán giả được xem vở này hai lượt. Một do nhà hát Talarium Et Lux (Nga) và một do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trình diễn.
Điều đặc biệt, đại đa số khán giả của đêm ballet Nga là người Việt trong khi phải đến nửa số khán giả đến với ballet Việt là người nước ngoài. Tất nhiên là có nhiều thứ để đối chiếu. Đêm ballet Nga giá vé cao nhất 6 triệu đồng sử dụng công nghệ mới, phông màn hoàn toàn bằng màn hình LED, chuyển cảnh các kiểu như không. Thậm chí kết nối cả hình ảnh trên phông với diễn viên. Nhiều lần các con búp bê trên màn hình hóa thành người thật.
Đêm ballet Việt Nam giá vé cao nhất chỉ 700 nghìn đồng đến 1 triệu, từ đầu đến cuối chỉ dùng ba phông nền khác nhau. Trong đó phông dành cho xứ sở thần tiên làm nền cho điệu múa của các công chúa tuyết lại có hình rừng chuối (loài cây nhiệt đới). Tất nhiên ở xứ sở thần tiên điều gì cũng có thể xảy ra.
Vì thiếu điều kiện dàn dựng nên phiên bản nội đơn giản hơn. Vắng hẳn nhân vật ảo thuật gia- người tạo nên món quà kỳ diệu cho Clara. Nhưng trong cái hạn chế cũng ló cái sáng tạo. Trong khi các phiên bản ngoại sắm cả súng ống, ngựa cho đội quân búp bê thì các chú lính chì nhà ta vỗ tay vào nhau thành đạn bắn, vẫn diệt được chuột như thường. Kết thúc thường thì Clara sau giấc mơ choàng dậy trên giường, búp bê Kẹp hạt dẻ vẫn trên tay. Để khỏi chuyển cảnh lằng nhằng, bản Việt Nam cho hoàng tử Kẹp hạt dẻ choàng lên Clara tấm lụa xanh và biến mất. Cảnh cuối Clara ôm tấm lụa mơ màng với kim tuyến lấp lánh trên cao rơi xuống. Rất lãng mạn. Phần biên đạo chả gì cũng do Philippe Cohen (Pháp) để lại.
Kẹp hạt dẻ Nga đến Việt Nam nhờ sự tài trợ của một công ty lớn. Có điều họ cũng không thể đủ chi phí cho cả dàn nhạc giao hưởng. Nhưng phần âm nhạc vẫn vang lên đầy đủ kể cả overture (bản nhạc tóm tắt chủ đề trước khi mở màn). Tuy chơi thỉnh thoảng chưa được đều và đôi chỗ còn phô nhưng dù sao phiên bản Hà Nội 2016 cũng có hẳn dàn nhạc giao hưởng sống. So với năm ngoái là một sự nâng cấp. Hồi đó, các nghệ sĩ diễn Kẹp hạt dẻ trên nền “nhạc chín” vì nhà hát còn khuyết chân nhạc trưởng.
Về kỹ thuật thì các diễn viên Việt Nam cơ bản chẳng kém gì nhiều. Nhất là họ được trả quãng 5 triệu đồng/tháng và thường phải đi múa thêm các thể loại ở bên ngoài để tăng thu nhập. Đòi hỏi các động tác nhẹ bẫng, múa như không múa thì tất nhiên hơi khó. Chỉ biết họ đã rất cố gắng. Khán phòng Nhà hát Lớn đủ nhỏ để từ hàng ghế cuối cũng có thể thấy mồ hôi diễn viên vã ra. Bước chân của nam vũ công có thể thấy hơi đảo khi phải nâng bổng bạn diễn. Không hẳn cô hơi nặng mà đúng hơn vì anh hơi xanh xao. Không gian nhỏ của Nhà hát Lớn đem lại không khí nồng ấm không đâu có. Nhiều khán giả, nhất là ngoại quốc đem trẻ nhỏ tới. Giờ giải lao, các cô cậu bé tò mò bám quanh sân khấu nhòm dàn nhạc bên dưới.
Tâm huyết của các diễn viên được đền đáp bằng những tràng vỗ tay hồi lâu. Khán giả, nhất là nước ngoài say sưa theo dõi những gì diễn ra trên sân khấu và lộ rõ vẻ hồ hởi khi rời rạp hát. Có lẽ họ thậm chí không ngờ rằng Việt Nam cũng có ballet. Có thể phần nào hiểu tâm lý của họ. Như tôi từng xem tuồng của các đoàn chuyên nghiệp và cũng có lần xem tuồng của người dân quê dựng tại hội làng. Thậm chí ấn tượng về vở tuồng chân quê còn sâu đậm hơn. Vì cốt lõi của nghệ thuật là sự hết mình. Và điều gì càng bất ngờ, thậm chí nằm ngoài hình dung của khán giả thì họ càng nhớ lâu.
Sự thực để có những đêm diễn hàng tháng tại Nhà hát Lớn đông chật khán giả, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch cũng phải có “chiến lược”. Một CLB những người yêu thích nhạc kịch, ballet, giao hưởng được nuôi cả chục năm nay với quyền lợi: được nhận vé miễn phí vào phút chót trước giờ diễn. Tất nhiên Nhà hát mong muốn khi có điều kiện kinh tế họ sẽ bỏ tiền mua vé chứ không nhận bao cấp mãi.
Gần đây không hiếm đại gia trong nước bỏ tiền đầu tư cho những đêm ballet Pháp, Nga quảng bá rầm rộ. Được hỏi, NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát trả lời, sẵn sàng hợp tác với các nhà tổ chức để nâng tầm ballet Việt. Nhưng ông cũng đồ rằng: “Họ chả mất công làm với mình làm gì. Họ thích thu tiền tỷ, thích danh tiếng quốc tế để quảng cáo bán vé dễ. Người Việt chưa dùng hàng Việt được”.
“Lương bổng thấp hơn nước ngoài rất nhiều, không thể bắt nghệ sĩ phải bằng nước ngoài được. Chưa kể điều kiện cơ thể, tài năng. Chúng tôi cố gắng tối đa trong điều kiện Việt Nam. Các diễn viên ballet của nhà hát vẫn phải múa hiện đại, chúng tôi không có đoàn chuyên. Ngoài ra các em phải đi diễn kiếm sống, kể cả diễn đám cưới. Cả lương, cả tiền tập dăm triệu/tháng chỉ đủ thuê nhà”...
TS, NSND PHẠM ANH PHƯƠNG- Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam
Theo N.M.Hà (TP)