Canh cua đồng
Cua đồng là thực phẩm dân dã quen thuộc với mọi người. Món này, theo y học cổ truyền, có tính giải nhiệt, mát gan, lợi tiểu… Mùa mưa, cua đồng được bán ở chợ khá nhiều. Theo kinh nghiệm chọn cua đồng thì bạn nên chọn những con cua cái vì thịt chắc, nhiều gạch; cua đực mặc dù to hơn nhưng thịt và gạch không nhiều bằng. Và nhất thiết phải chọn con cua còn sống, cua chết vì sẽ làm tô canh cua có mùi rất tệ.
Cua đem về rửa sạch bùn, gỡ yếm, mai, lấy gạch để riêng ra chén. Càng to bẻ ra, để nguyên, còn lại bẻ đôi mình cua, giã bằng cối đá hoặc cho vào máy xay, xay nhuyễn với ít muối. Chế nước sạch vào thịt cua đã giã nhuyễn, dùng rây lược bỏ xác, vỏ cua, chỉ lấy nước cốt.
Người miền Bắc thường nấu canh cua rau đay, còn miền Nam thì nấu với cà chua, rau muống hoặc mướp. Riêng dân “nẫu” thì thích nấu canh cua với rau tập tàng, tức nhiều loại rau kiếm trong vườn hoặc mua ở chợ như: mùng tơi, bồ ngót, rau dền… Có thể cho thêm chừng nửa trái mướp non xắt nhỏ là có ngay tô canh cua thơm nồng.
Khi nước lọc cua vừa sôi, cho rau vào, gia vị, nước sôi lại là nồi canh đã vừa chín. Nếu nấu già lửa quá, rau sẽ nhừ, ít lửa thì rau sẽ dai. Phần gạch cua thì nên phi hành thật thơm, xào gạch rồi đổ vào nồi canh sau cùng nhất. Lúc này nồi canh sẽ thơm lừng, ngào ngạt.
Nấu canh cua, tuyệt đối không nêm bất cứ các loại rau mùi và các loại gia vị khác. Có vậy, nồi canh cua rau tập tàng mới đúng kiểu dân dã của nó với hương vị rất đặc sắc.
Ngày nay, món canh cua đồng không chỉ là món ăn ở miệt quê mà với người thành phố, nó còn trở thành đặc sản bởi sự ngọt lành của hương vị, của những kỷ niệm được gợi nhớ.
BÙI NGHĨA