Cảnh giác với tin đồn!
Những ngày gần đây, “bỗng dưng” trong dư luận xã hội lan truyền tin Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đổi tiền. Tuy không có bất cứ cơ sở nào để viện dẫn, nhưng tin đồn thất thiệt này cũng đã gây không ít tâm lý lo lắng, bất an cho người dân.
Với loại thông tin này, nếu mọi người thiếu sự bình tĩnh để phân tích, nhận định đúng đắn, lại bị một số kẻ xấu xúi giục thì có thể xảy ra tình trạng đổ xô đi rút tiền gửi tiết kiệm từ ngân hàng để mua vàng, ngoại tệ hay hàng hóa để tích trữ… sẽ không chỉ gây thiệt hại cho bản thân mà còn có thể gây xáo trộn đời sống, thậm chí gây bất ổn về kinh tế - xã hội nếu hiệu ứng dây chuyền xảy ra với số đông.
Trước những thông tin bịa đặt lan truyền, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định: Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn không có động tác nào, không có hoạt động nào liên quan đến đổi tiền. Bởi đồng tiền của Việt Nam hiện nay kể cả về giá trị, cơ cấu, mệnh giá là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế; đồng thời khuyến cáo người dân cần cảnh giác và đấu tranh trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia.
Hiện nay việc truy cập và đọc thông tin trên mạng internet rất thuận tiện cũng là cơ hội cho tin đồn thất thiệt được phát tán nhanh chóng. Lợi dụng ưu thế này một số kẻ xấu đã dựng chuyện tung tin thất thiệt, thậm chí xuyên tạc sự thật với dụng ý xấu gây tác động tiêu cực đến tâm lý người dân và trật tự xã hội. Ngoài những tin thất thiệt về xã hội như cướp giật, bắt cóc trẻ nhỏ còn có cả những thông tin sai sự thật hết sức nguy hiểm được tung lên mạng với dụng ý xuyên tạc chính trị, bôi xấu chế độ, gây mất uy tín lãnh đạo... trên các trang mạng không chính thống. Do vậy, những người sử dụng mạng xã hội cần cân nhắc cẩn trọng để chỉ tiếp nhận và chia sẻ những thông tin phù hợp, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Nếu người không biết chọn lọc thông tin, dễ dãi chia sẻ, lan truyền tin đồn nhảm thì rất dễ gây ra mối nguy hại khó lường cho xã hội và cho chính mình.
Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử. Bộ luật Hình sự cũng quy định nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì người tung tin đồn có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống. Ngoài ra, hành vi bịa đặt tung tin đồn và phát tán tin đồn trên mạng còn có thể phải chịu các hình phạt về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.
Cùng với các chế tài của pháp luật, các cơ quan chức năng tăng cường các “giải pháp mềm” như thường xuyên cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống cho người dân; nắm bắt, phát hiện sớm các tin đồn từ lúc mới phát sinh, chủ động xử lý bằng cách thông tin phản hồi nhanh để sớm triệt tiêu đất sống của tin đồn và ổn định dư luận xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là từng người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị cần luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phản bác với các loại tin đồn thất thiệt có thể gây ra những nguy hại khó lường về nhiều mặt cho xã hội.
HẢI ÐĂNG