Năm 2016: Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp
Năm 2016, số vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh có giảm, nhưng tội phạm về giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ma túy... lại tăng cao, với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn, khiến người dân không khỏi hoang mang, lo ngại.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật lưu động cho người dân huyện An Lão.
Trong năm, toàn tỉnh xảy ra 719 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, làm chết 23 người, bị thương 203 người, tài sản thiệt hại ước tính trên 13 tỉ đồng. So với cùng kỳ, giảm 12 vụ, nhưng trong đó tội phạm giết người tăng 45,4% số vụ, vô ý làm chết người tăng 2 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tăng 77,7%, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tăng 44,4% số vụ; tổ chức đánh bạc tăng 45,4%.
Đáng chú ý, tình hình tội phạm đang lan về các khu vực nông thôn, nổi lên là tội phạm về ma túy, với nhiều đối tượng tham gia và số lượng ngày một lớn. Theo CA tỉnh, trong năm 2016, lực lượng CA các địa phương đã phát hiện, khởi tố 25 vụ/52 bị can về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ trên 111g ma túy đá (methamphetamine), 0,65g kentamine, 3 viên thuốc lắc và gần 14g heroin, 52g và 12 viên ma túy tổng hợp. Trinh sát điều tra tội phạm về ma túy CA tỉnh nhận định, vẫn là những thủ đoạn cũ, nhưng loại tội phạm này hoạt động ngày càng tinh vi. Chúng không chỉ liên tục thay đổi địa điểm và hình thức, thời gian giao nhận hàng mà còn sử dụng nhiều chân rết để thay đổi, khiến CA mất rất nhiều thời gian theo dõi mới bắt được quả tang. Mới đây, TAND huyện Phù Mỹ đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Tâm (SN 1999, trú tại thôn Trực Đạo, xã Mỹ Trinh) 9 tháng tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Điều đáng nói, Tâm đang là học sinh, nghe lời bạn bè xúi mua bán ma túy sẽ có lời cao nên trong một lần đi TP Hồ Chí Minh chơi, đã lân la và mua gần 0,3g ma túy đá về chia lẻ ra bán lại.
Không chỉ tệ nạn ma túy, tình trạng rượu chè cũng khiến tình hình ANTT có phần diễn biến phức tạp hơn. Rượu vào lời ra, nhiều người không kiểm soát được hành vi dẫn đến chuyện bạn bè, thậm chí anh em ruột, rồi kể cả không hề quen biết, mâu thuẫn, cũng sát hại lẫn nhau. Nói như Trưởng CA xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, ông Trần Minh Đức, thì: “Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày một diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ và hành vi ngày càng nguy hiểm, chỉ cần không hài lòng từ ánh nhìn là có thể sử dụng hung khí để đánh nhau ngay. Địa phương cũng gọi hỏi răn đe thường xuyên nhưng khi có mâu thuẫn thì dường như họ rất manh động để thể hiện cái tôi mà không nghĩ gì khác nữa. Đây cũng là một cái khó trong công tác phòng ngừa”.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân của tình hình tội phạm diễn biến phức tạp chủ yếu là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Nói như ông Đỗ Tấn Phước, Trường phòng Thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử án hình sự về trị an - an ninh - ma túy, Viện KSND tỉnh, thì: “Ở hầu hết các vụ án xâm hại sức khỏe, tài sản người khác, nguyên nhân dẫn đến hậu quả cho cả bị cáo và bị hại đều có tác nhân từ bia, rượu. Bên cạnh đó, còn là ý thức tuân thủ pháp luật của bị can rất kém, tính bốc đồng của tuổi trẻ, thích dùng vũ lực để giải quyết và sự lơi lỏng của gia đình trong việc quan tâm, giáo dục con trẻ. Do đó, để góp phần hạn chế những vụ trọng án liên quan đến thanh thiếu niên và có yếu tố bia rượu, ngoài việc tăng cường công tác xét xử lưu động tại nơi bị cáo gây án, thì công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe, quản lý các đối tượng chậm tiến tại cơ sở cũng cần được sát sao và thường xuyên”.
Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ngay từ cơ sở trong việc phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, cảm hóa, giáo dục, quản lý người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; tăng cường mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; giúp đỡ những người sau cải tạo được hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm; xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm...
KIỀU ANH