Hội thảo Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để XDNTM:
Tìm giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) Trung ương vừa phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức Hội thảo Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để XDNTM. Tại hội thảo, các đại biểu đã phản ảnh những bất cập, khó khăn trong thực tiễn XDNTM; đồng thời kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo cho các xã đã đạt chuẩn NTM phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, vấn đề phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao mức sống, thu nhập cho nông dân được nhiều đại biểu quan tâm.
- Trong ảnh: Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX NN Phước Hiệp (Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Những tồn tại, bất cập
Tại Hội thảo, TS Hoàng Vũ Quang, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, cho biết: Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM với sự đầu tư tổng lực của toàn xã hội đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn được phát huy. Tính đến tháng 6.2016, cả nước đã có 1.965 xã (chiếm 22%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13 tiêu chí/xã, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010.
Cũng theo TS Hoàng Vũ Quang, bên cạnh kết quả đạt được, qua thực hiện XDNTM đã nảy sinh nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh, khắc phục. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong XDNTM tại nhiều địa phương đang là vấn đề lớn, vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Theo thống kê, toàn quốc hiện còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong XDNTM trên 12.000 tỉ đồng. Tình trạng chạy theo thành tích, coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mà ít tập trung phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho người nông dân còn xảy ra ở khá nhiều vùng quê.
Do vậy, sản xuất nông nghiệp tại các địa phương còn chậm phát triển theo hướng hiện đại, thiếu tính bền vững, sản phẩm đầu ra khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn có giảm nhưng vẫn còn cao, thu nhập và mức sống của nông dân còn khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường, xả rác bừa bãi vẫn còn xảy ra khá phổ biến tại các xã khu vực nông thôn, gây bức xúc cho toàn xã hội, kể cả những địa phương đã được công nhận đạt chuẩn. Năng lực ứng phó với thiên tai còn hạn chế; chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở một số xã chưa đáp ứng yêu cầu.
Riêng tại Bình Định, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, cho biết: Qua thực hiện XDNTM, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 38/122 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 31,1% tổng số xã XDNTM. Số tiêu chí đạt bình quân/xã là 13,6 tiêu chí, tăng 8,7 tiêu chí so với cuối năm 2010. So với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, Bình Định dẫn đầu số xã về đích NTM; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2015. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 76 xã hoàn thành XDNTM, chiếm tỉ lệ 62,3% (trong đó giai đoạn 2016-2020 là 48 xã). Đồng thời, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ có 4 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Theo ông Hùng, trong khi cả nước còn tồn tại nhiều vấn đề lớn trong XDNTM thì Bình Định đã có cách làm linh hoạt, thực hiện tốt quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân được hưởng lợi’’. Bài học kinh nghiệm của Bình Định là phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện XDNTM. “Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình XDNTM’’ - ông Hùng nhấn mạnh.
Ðề xuất các giải pháp
Tại hội thảo, các ý kiến tham gia còn tỏ ra băn khoăn về một số chính sách đầu tư XDNTM đối với các huyện miền núi, các địa bàn khó khăn. Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, lo lắng: So với đồng bằng, các xã miền núi có điểm xuất phát thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng lạc hậu, do vậy, để các xã sớm về đích rất cần được sự hỗ trợ, đầu tư của Trung ương và tỉnh. Qua 5 năm thực hiện XDNTM, dù rất nỗ lực nhưng đến nay, huyện Vĩnh Thạnh vẫn chưa có xã nào về đích NTM.
“Trong 8 xã XDNTM trên địa bàn huyện, với nguồn lực còn nhiều hạn chế, địa phương chỉ dám đặt ra mục tiêu sau năm 2020 mới có xã về đích. Với đặc thù là huyện miền núi, thu ngân sách khó khăn, rất mong được Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển làng nghề truyền thống để nâng cao thu nhập, mức sống của người dân nông thôn” - ông Đẩu kiến nghị.
Tại Hội thảo Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để XDNTM, vấn đề phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao mức sống, thu nhập cho nông dân được nhiều đại biểu quan tâm. Nhìn nhận về vấn đề nâng cao thu nhập cho nông dân, ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, nêu ý kiến: Trong XDNTM còn xảy ra tình trạng chỉ coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, còn vấn đề đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết đầu ra nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Hàng năm, kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất còn rất thấp; các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn khá khiêm tốn. Để phát triển nông thôn một cách bền vững, đề nghị Trung ương cần quan tâm hơn nữa đến công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, có chính sách bao tiêu nông sản hàng hóa cho nông dân.
Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT - cho rằng: XDNTM là phải tạo ra những giá trị mới cho nông thôn Việt Nam. Một nông thôn hiện đại phải hàm chứa các yếu tố như cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đời sống nông dân khá giả, có văn hóa nông thôn văn minh, nhưng vẫn giữ gìn, bảo tồn được nét truyền thống. Các ý kiến ghi nhận tại hội thảo là cơ sở để Tổng hội xây dựng các giải pháp, chính sách nhằm tham mưu cho Chính phủ, BCĐ XDNTM trong thời gian đến.
NGUYỄN HÂN