Xây dựng nông thôn mới ở xã Cát Tân (Phù Cát):
Huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia
Nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị, cùng sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, bộ mặt nông thôn ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát) có bước phát triển đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Ðến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí và được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Trần Công Tòng, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, cho biết: Hơn 5 năm qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, kinh phí địa phương, nguồn vốn do nhân dân đóng góp cùng nhiều nguồn huy động khác, xã đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, các công trình văn hóa, xã hội khác, với tổng kinh phí gần 44,5 tỉ đồng.
Một góc xã Cát Tân hôm nay. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Nổi bật nhất trong xây dựng nông thôn mới ở xã Cát Tân là đã huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia. Trong đó, việc phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng giao thông nông thôn là một trong những phong trào được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, đạt hiệu quả tích cực. Cụ thể, xã đã thực hiện thành công chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, xã đầu tư kinh phí thiết kế và nhân dân đóng góp tiền mua vật tư, đóng góp công lao động làm đường.
Ðầu tiên, mô hình này triển khai ở thôn Hòa Dõng, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ đó, xã triển khai ra các thôn khác và đã hoàn thành tiêu chí giao thông từ năm 2015. Người dân đã tự nguyện hiến 15.140 m2 đất và chặt bỏ hàng vạn cây cối, tháo dỡ hàng ngàn mét tường rào cổng ngõ và đóng góp hơn 9,3 tỉ đồng để xây dựng 36,8 km đường giao thông nông thôn. Ðến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa; 100% đường trục thôn, xóm đã được bê tông hóa; 82,5% đường ngõ xóm được bê tông và cứng hóa; 70% đường trục chính nội đồng được cứng hóa và gần 82% chiều dài kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa.
Nhân dân trong xã còn tự nguyện đóng góp tiền lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên nhiều tuyến giao thông liên thôn, xóm, tạo thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm, góp phần giữ gìn ANTT ở địa phương.
Về phát triển sản xuất, xã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào thâm canh; triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa… Qua đó, không chỉ nâng cao năng suất cây trồng, mà còn tạo điều kiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nông dân nắm bắt và ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập.
Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích phát triển. Hiện toàn xã có 1.035 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ hoạt động; với tổng giá trị sản phẩm đạt hơn 157 tỉ đồng/năm, góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 2 - 4%, hiện còn 4,94%. Xã đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non và hoàn thành phổ cập THCS; gần 72,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế, có 7/7 thôn đạt thôn văn hóa. Hơn 99,5% hộ dân sử dụng điện và 98,8% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,37 triệu đồng/người/năm.
Ông Trần Công Tòng cho biết: “Ðể giữ vững ổn định các tiêu chí đã đạt được, thời gian tới, xã sẽ phát huy hơn nữa vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các phong trào ở địa phương; tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
TRƯỜNG GIANG