Ðể Kỳ Co trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng”
Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) gần đây được xem như là “Maldives” ở Quy Nhơn và đang ngày càng thu hút du khách. Nhưng làm thế nào để du lịch Kỳ Co thực sự bền vững? Sau một lần trải nghiệm du lịch Kỳ Co, chị Nguyễn Thị Hồng Hà, hiện đang học Thạc sĩ Quản trị Du lịch tại Ðại học Syddansk (Ðan Mạch) - vốn quê ở Nhơn Lý và có kinh nghiệm trong ngành du lịch, đã gửi đến Báo Bình Ðịnh bài viết dưới đây, với những góp ý đáng suy ngẫm.
Thắng cảnh Kỳ Co...
Sau một ngày trải nghiệm chuyến tham quan Kỳ Co cùng với một cô người Pháp, như được sắp đặt theo chương trình, chúng tôi đến các hang động và đi ca nô ra lặn san hô ngoài đảo. Tuy nhiên, với cái nhìn của người làm trong nghề du lịch và qua những gì đã trải nghiệm trong chuyến đi, tôi không cho tham quan Kỳ Co là một sản phẩm du lịch đúng nghĩa, mà đơn thuần chỉ là một hoạt động du lịch tự phát. Có thể nói, điểm du lịch Kỳ Co vẫn trong giai đoạn sơ khai, du khách sử dụng dịch vụ cơ bản của người dân địa phương (như thuyền, thức ăn, nhà chòi); chưa có yếu tố chuyên môn trong khâu tổ chức nên còn nhiều mặt khiếm khuyết, như: chưa có lịch trình cụ thể, chính sách giá, hướng dẫn viên chuyên môn, bảo hiểm du lịch và các yếu tố khác có liên quan.
Nói đến phát triển du lịch, không thể chối bỏ lợi ích tích cực như giao thoa văn hóa, hiện đại hóa cuộc sống, giao thông phát triển… đặc biệt là mang đến việc làm và thu nhập tốt cho một nhóm người dân địa phương. Thế nhưng, mặt trái của phát triển du lịch không phải là ít mà đa phần các địa phương chưa nhận thức được, có thể liệt kê sơ qua như: phát sinh các tệ nạn chèo kéo du khách (đã thấy ở hiện tượng cò tour), vấn đề an toàn cho du khách chưa được đảm bảo, nghiêm trọng hơn là ô nhiễm môi trường thông qua lượng rác tại điểm tham quan. Tác hại hay nguồn lợi của du lịch chỉ có thể được giảm thiểu hay nhân lên dưới sự theo dõi, giám sát và điều tiết một cách chặt chẽ của cấp quản lý nhà nước tại địa phương.
... và rác thải du khách để lại trên bãi biển.
Dựa vào kinh nghiệm của riêng mình sau 5 năm làm việc trong ngành Du lịch, phụ trách việc thiết kế tour, điều hành tour, quản lý khách sạn; tổ chức sự kiện thể thao mạo hiểm; trải nghiệm bản thân ở những vùng du lịch chính trong nước và vài nước ở Ðông Nam Á, tôi mạo muội có một số đề xuất cho việc quản lý du lịch tại Nhơn Lý như sau:
Thứ nhất, nên thành lập Ban quản lý du lịch xã đảo, trong đó có đội tuần tra cảnh sát du lịch tuần tra và cứu hộ trên biển. Thứ hai, đào tạo đội hướng dẫn viên địa phương, có kiến thức và nghiệp vụ du lịch, hiểu biết về văn hóa bản địa, và được huấn luyện thành thạo kỹ năng sơ cứu thương, đặc biệt là cứu hộ trên biển (ngư dân địa phương có thể làm tốt công việc này). Các đơn vị tổ chức kinh doanh du lịch bắt buộc phải có đội hướng dẫn viên đã qua đào tạo nghiệp vụ. Thứ ba, rà soát và lập danh sách các đơn vị kinh doanh du lịch; đưa ra tiêu chuẩn về phương tiện, nhân sự, cam kết bảo đảm môi trường, an toàn thực phẩm… trong kinh doanh du lịch biển đảo. Chỉ cấp giấy phép cho những đơn vị đáp ứng đủ các tiêu chuẩn này, đặc biệt các đơn vị phải thực hiện bảo vệ môi trường biển, bảo vệ các rạn san hô, xử lý rác thải. Thứ tư, thiết lập nội quy nghiêm ngặt và hình thức xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định khi tham quan hay kinh doanh du lịch. Năm là, đưa ra sản phẩm, giá cả, chương trình du lịch cụ thể; tránh tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các đơn vị kinh doanh. Thứ sáu, nâng cấp trạm y tế địa phương, sẵn sàng khi du khách cần đến; đồng thời, có văn phòng tiếp khách du lịch, xử lý những vấn đề phát sinh của du khách.
Những đề xuất trên mang tính chất sơ bộ và ở góc độ tham khảo. Nhưng theo tôi, điều cấp thiết hiện giờ là chính quyền địa phương nhận thức được hiện trạng du lịch đang phát triển đã và sẽ có nhiều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến cuộc sống người dân, môi trường; vì vậy, cần phải có Ðội quản lý hoạt động du lịch, tuyển chọn những thành viên có đủ kiến thức và tâm huyết để phụ trách việc khảo sát, nghiên cứu cụ thể hơn tình hình hiện tại và lên kế hoạch phát triển ngành du lịch địa phương ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; có trách nhiệm giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch, đồng thời có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân và môi trường.
Có vậy, du lịch địa phương mới phát triển bền vững trong tương lai, không chỉ là cơ hội để mang lại nguồn lợi dài hạn về kinh tế, giáo dục cho người dân mà còn bảo vệ được môi trường sống tự nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái theo xu hướng phát triển du lịch chung của thế giới hiện nay.
N.T.H.H