Bánh hỏi Bình Định ở xứ sông Hàn
Ở Ðà Nẵng có một thương hiệu ẩm thực Bình Ðịnh nổi tiếng - “Bánh hỏi cô Giang”. 10 năm nay, vợ chồng ông Huỳnh Ðông Tấn (57 tuổi) và bà Ngô Tiền Giang (56 tuổi), quê ở Bình Ðịnh, lặng lẽ đưa món ẩm thực trứ danh xứ Nẫu lên bàn ăn của người dân ở xứ sông Hàn.
Ông Huỳnh Đông Tấn với chiếc máy tự chế giúp giảm công đoạn nhồi bột và ép bánh thành cây.
Ông Tấn nhớ lại, tháng 9.2006 cả gia đình ông rời quê nhà ra Ðà Nẵng lập nghiệp. Ðất Ðà thành thứ gì cũng có, nhưng món bánh hỏi của người Bình Ðịnh thì tiệt nhiên chưa thấy. Nghĩ thế, vợ chồng ông bàn với nhau khởi nghiệp ở đất khách từ chính món ăn của quê hương.
Từ thúng bánh góc chợ
Trong lúc chồng và con tìm nhà thuê trọ, bà Giang lại bắt xe quay ngược lại Quy Nhơn tìm học cách làm món bánh hỏi. Bà nói, để học các bước cơ bản chỉ mất chừng chưa đầy một tuần, nhưng để làm được chiếc bánh hỏi ngon thì phải luyện dần để có kinh nghiệm. Mẻ bánh đầu tiên không như ý phải đổ bỏ. Những mẻ tiếp theo cũng chỉ “tạm tạm”. Vốn người khó tính, cầu toàn, bà Giang nhất quyết không chịu đưa ra bán nếu bánh chưa đạt. “Mất cả chục mẻ liên tiếp như vậy, cứ làm bánh ra rồi đổ. Ông với mấy đứa nhỏ nóng mặt, vốn liếng thì thâm hụt dần, mình cũng đau cả đầu đó. Nhưng đã mang món bánh quê hương đi giới thiệu ở thành phố lớn mà ngay lúc ra mắt đã không ngon thì khó mà thuyết phục được người ta, có tội với cả quê xứ nữa” - bà Giang tâm sự.
Sau nhiều lần cân đối, điều chỉnh, cuối cùng, mẻ bánh ưng ý cũng ra lò. Nhấm nháp những chiếc bánh vừa mềm, vừa dai, lại đúng vị, cả nhà ôm nhau mừng ứa nước mắt.
Một quán ăn sáng bánh hỏi cháo lòng được mở ngay ở con đường bên biển, trước phòng trọ. Nhưng món bánh lạ lẫm này chỉ khiến người ta tò mò lần đầu chứ chưa phù hợp với khẩu vị. Khách thưa dần, quán vắng hiu. Vạn sự khởi đầu nan bao giờ cũng chẳng dễ dàng. Rồi sau một trận bão, quán cũng bị gió quật sập hoàn toàn. Không còn quán ăn nữa, ông bà lại bàn nhau mà làm bánh mang lên các chợ bán. Biết đâu, thông qua những “đầu bếp gia đình” chiếc bánh hỏi sẽ được tiếp nhận rộng rãi hơn.
Nghĩ là làm. Tối lại cả gia đình hì hụi làm bánh, sáng ra bà ôm thúng bánh lên tận các chợ Hòa Khánh, chợ Cồn, chợ Hàn ngồi bán. Ai đi qua cũng hỏi “Bánh chi ri? Ngó lạ rứa? Ăn sao hè?”. Giá cũng không cao, ai mua vài ngàn đồng cũng bán, thế nên có nhiều người mua về ăn thử. Thấy ăn cũng được, tiếng lành đồn xa, người ta tìm mua bánh hỏi ngày một đông hơn.
10 năm nay bà Ngô Tiền Giang miệt mài gây dựng thương hiệu bánh hỏi Bình Định ở Đà thành.
- Trong ảnh: Bà Giang và khay bánh hỏi nóng hổi vừa ra khỏi lò hấp.
Bà Giang chịu khó lắng nghe đã đành, mà cả ông Tấn cùng mấy đứa con cũng siêng thăm dò khách hàng. Té ra, ở Ðà Nẵng, người ta lại thích ăn bánh hỏi kèm với thịt nướng, thịt quay hơn là như cách của người Bình Ðịnh - ăn với lòng heo. Một đĩa bánh hỏi, đĩa thịt nướng, rau sống cùng chén nước mắm ớt pha vừa miệng vừa nhanh vừa ngon, cả nhà xuýt xoa. “Bánh hỏi cô Giang” đắt hàng và trở thành nổi tiếng từ đó…
Ðến thương hiệu bánh hỏi cô Giang
Chị Bùi Thị Thanh Tâm (28 tuổi, quê ở Nghệ An, làm việc tại Ðà Nẵng) tâm sự, mới biết bánh hỏi từ hồi đầu năm ngoái, “mê” luôn tới giờ. “Mấy miếng đầu tiên thì mình không khoái lắm bởi cái mùi dầu và cái lợn cợn của hẹ. Nhưng chỉ vài miếng là quen rồi ghiền luôn. Bánh mềm, sợi dai, ít ngán; đặc biệt dễ ăn - có tiền thì ăn với thịt, mà ít tiền thì chấm với nước mắm pha, xì dầu giã thêm tí ớt tỏi cũng thành bữa. Cứ cuối tuần cả nhóm tụ tập thường chọn món này để lót dạ vừa đơn giản lại ngon miệng” - Tâm chia sẻ.
Khi đã lên mâm, lên đĩa rồi, bánh hỏi nom giản dị, mộc lành. Nhưng trong thực khách, ít ai biết rằng để làm cho ra món bánh dân dã, người ta lại mất khá nhiều công phu.
Người Đà Nẵng chuộng món bánh hỏi ăn kèm thịt nướng hoặc thịt heo quay.
Gạo được chuyển từ Quy Nhơn ra, phải đúng loại gạo quê được pha trộn theo tỉ lệ dùng riêng để xay bột làm bánh hỏi. Gạo ngâm qua đêm, sau đó được mang ra xay mịn, để 4 - 5 tiếng cho bột nở, lắng xuống. Tiếp đó, là khâu “dảo” bột. Dảo phải đều tay sao cho bột chín, quánh lại, chín 50% thôi! Công đoạn nhồi, ép bột đòi hỏi nhiều công sức nhất, thường phải nhờ đến đôi tay có nhiều lực của người đàn ông. Người nhồi bột phải dảo liên tục, đều tay cho đến khi bột quánh lại và lăn thành cây rồi mới cho vào máy ép thành sợi nhỏ, vắt bánh và đem hấp chín…Tất cả đều đòi hỏi tỉ mẫn, kỹ càng, lơ là một chút ở bất kỳ khâu nào cũng có thể làm hỏng cả mẻ bánh.
Sau khi chinh phục được khẩu vị nhiều người ở Đà Nẵng, bánh hỏi đã có mặt tại một số nhà hàng và được trình bày khá bắt mắt.
Hiện mỗi ngày, cơ sở bà Giang xuất bán 60 - 70 kg bánh. Khách hàng ngày một đông đòi hỏi số lượng bánh xuất bán ra nhiều hơn nhưng bà Giang vẫn chọn cách làm bánh theo phương thức bán thủ công chứ không sản xuất kiểu máy móc dây chuyền. “Bánh được làm nguyên chất từ gạo, không pha trộn với thứ gì, không lo chất tẩy trắng, càng không có hóa chất bảo quản, cũng vì thế muốn có bánh ngon phải chu đáo, cẩn thận từ lúc chọn gạo cho đến khi gói bánh đưa tận tay người mua. Vất vả thế nhưng bù lại được người tiêu dùng tin cậy! Không gì quý bằng chuyện này” - bà Giang chia sẻ.
“Nguyên tắc của mình là đặt chất lượng, chữ tín lên hàng đầu. Cái này là tuyệt đối bất di bất dịch! Người ta tin “Bánh hỏi cô Giang” thì không chỉ cô Giang mà cả ông Tấn, bầy con, ai cũng phải lo nghĩ giữ gìn uy tín nhãn hiệu” - ông Tấn nói vui.
Bánh hỏi lên… máy bay
Bánh hỏi vốn là ẩm thực nổi tiếng của người dân xứ Nẫu, là món ăn hằng ngày và cũng hiếm khi vắng mặt trên bàn ăn gia đình những dịp lễ, tết. Chiếc bánh nhỏ mê hoặc người ta bởi vị rất riêng của sợi bánh mềm, xốp, dai quện trong mùi đặc trưng của dầu, hẹ. Bánh hỏi thường được ăn kèm với lòng heo, thịt nướng, thịt heo quay hay đơn giản chấm với chút xì dầu cũng khiến nhiều người xuýt xoa.
Giờ thì món bánh hỏi Bình Ðịnh đã không còn xa lạ gì với người dân Ðà Nẵng. Họ tìm đến tận nơi để mua hoặc bốc máy lên gọi “ship” (chuyển) bánh đến nếu lên… cơn thèm. Cô con gái Hạ My ngoài phụ mẹ làm bánh còn lập ra trang Facebook Bánh hỏi cô Giang được nhiều người biết đến.
Hiện nay, My cùng với ba đảm nhận ship bánh cho khách. “Nhiều khách ở Hội An hay tận Hà Nội, Sài Gòn - từng ăn và quen hương vị, họ biết và gọi điện đặt hàng. Khách cho địa chỉ rồi mình gửi bánh theo các xe khách hay có khi theo chân khách hàng lên máy bay mang về làm quà cho người thân. Nhiều người biết và mê món bánh truyền thống quê hương Bình Ðịnh khiến mình rất vui, tự hào” - My nói.
Trong các công đoạn làm bánh hỏi thì khâu nhào bột, ép thành cây tốn nhiều công sức, khâu này do ông Tấn đảm nhận. “Hai tay cứ liên tục nhồi mạnh để cho bột được đều. Trời nóng nhào một chút là toát mồ hôi hột. Thấy không ổn, tui nghiên cứu làm ra chiếc máy này đây” - vừa nói ông vừa chỉ tay vào chiếc máy nhồi bột do ông tự chế. Sáng chế của ông Tấn đem lại hiệu quả bất ngờ. Chiếc máy cấu tạo đơn giản nhưng đã thay được công đoạn vất vả nhất là nhồi bột, lăn cây.
HOÀI VĂN
Bài viết về đặc sản xứ Nẫu rất hay nhưng theo tôi để quảng bá rộng rãi món bánh hỏi thì tác giả nên ghi thêm địa chỉ cụ thể của quán để mọi người tiện liên hệ, đối ẩm.