Tạo thuận lợi nhất cho bệnh nhân HIV có thẻ BHYT
Từ đầu năm 2017, nguồn thuốc ARV (kháng vi-rút HIV) cấp miễn phí sẽ không còn; quỹ BHYT sẽ chi trả các dịch vụ y tế trong đó có thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Sự thay đổi đó đặt ra đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía để giảm gánh nặng từ “căn bệnh thế kỷ”.
Một khi nguồn thuốc miễn phí không còn, để việc điều trị liên tục, giúp cho người nhiễm HIV/AIDS kéo dài chất lượng cuộc sống, dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng và đảm bảo tính bền vững thì người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT.
Khó nhiều bề
Theo Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Thanh Truyền, lâu nay nguồn thuốc ARV được cấp miễn phí hoàn toàn cho mọi đối tượng nhiễm HIV. Chi phí mua thuốc do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cùng một phần đối ứng từ Chính phủ. Từ năm 2017, các dự án quốc tế đã rút gần hết, chỉ còn một phần rất nhỏ.
Điều trị ARV là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa HIV lây lan trong cộng đồng.
“Người nhiễm HIV phải điều trị ARV suốt đời, nếu ngưng thì bệnh nặng thêm dẫn đến tử vong. Ðáng lo ngại nhất là sẽ gia tăng khả năng lây lan trong cộng đồng và kháng thuốc do điều trị gián đoạn, phải thay đổi phác đồ rất tốn kém” - bác sĩ Truyền cho biết. Cụ thể, phác đồ bậc 1 hiện nay có chi phí khoảng 20 triệu đồng/năm; nếu xảy ra kháng thuốc thì phải nâng lên bậc 2, giá cao gấp 6-8 lần.
Trong khi đó, việc thanh toán BHYT đối với bệnh nhân HIV lại gặp nhiều khó khăn. Không phải bệnh nhân HIV nào cũng đủ điều kiện mua BHYT (phần lớn suy giảm khả năng lao động, hoàn cảnh khó khăn). Trên thực tế, có người có thẻ BHYT nhưng ngại chuyển tuyến, thậm chí không dám dùng khi khám chữa bệnh, vì sợ lộ “có H”.
Tại khoa Truyền nhiễm, BVÐK tỉnh - nơi duy nhất điều trị ARV cho bệnh nhân HIV - đa phần bệnh nhân đến phòng khám ngoại trú đều không dùng thẻ BHYT. Trưởng khoa Nguyễn Thị Thu Oanh cho rằng, chính sự “tự kỳ thị” khiến bệnh nhân HIV còn e ngại trong việc sử dụng BHYT để được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Ngoại trừ các trường hợp có bệnh nặng kèm theo cần điều trị, bệnh nhân thường tự chi trả các xét nghiệm thông thường mà không trình thẻ BHYT.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất
Theo chỉ đạo của Chính phủ, 100% người nhiễm HIV/AIDS phải có BHYT. Do đó, việc tuyên truyền để cộng đồng nói chung và người nhiễm HIV/AIDS nói riêng hiểu rõ lợi ích của việc mua BHYT và huy động cá nhân, tổ chức hỗ trợ giúp người nhiễm HIV/AIDS mua BHYT là hết sức cần thiết hiện nay.
Ngày 26.6.2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/2015/TT-BYT về việc hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Trong Thông tư này có những điều khoản đặc biệt giúp triển khai các hoạt động thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS như: đối tượng này được đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu có khám, chữa bệnh BHYT (kể cả tuyến tỉnh), được thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu vào đầu mỗi quý...
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền cho hay, từ tháng 6.2016, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và khoa Truyền nhiễm, BVÐK tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền cho số bệnh nhân HIV đang điều trị về việc cần thiết phải có thẻ BHYT. Kết quả, đến nay, đã có 95/156 bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT, đạt tỉ lệ hơn 60%; trong khi tỉ lệ này trước tháng 6.2016 chỉ dao động ở mức 20-30%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng đến mục tiêu 100% bệnh nhân HIV điều trị có thẻ BHYT.
“Chúng tôi đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là huy động các cán bộ chuyên trách HIV/AIDS tuyến huyện tích cực vào cuộc. Họ có trách nhiệm giúp đỡ bệnh nhân HIV chuyển tuyến KCB ban đầu về BVÐK tỉnh với người đã có thẻ; thực hiện thủ tục mua mới BHYT một cách thuận tiện nhất mà không lộ thông tin cá nhân, mua mới cho cá nhân không cần theo hộ gia đình” - bác sĩ Truyền nhấn mạnh.
Lâu nay, Hoài Nhơn là địa bàn “nóng” của HIV/AIDS. Trong 17 trường hợp mắc mới của cả tỉnh ghi nhận 9 tháng đầu năm 2016, Hoài Nhơn có đến 8 ca. Ðội trưởng Ðội Y tế dự phòng huyện Nguyễn Tự Trọng cho hay: “Chúng tôi đang ráo riết thực hiện hoạt động hỗ trợ bệnh nhân HIV điều trị ARV sớm có thẻ BHYT. Hồ sơ cụ thể của từng người đang được hoàn thiện để chuyển cơ quan BHXH huyện, phối hợp giúp họ mua thẻ BHYT”.
Ngày 15.11.2016, Chính phủ đã ban hành quy định việc thanh toán thuốc kháng vi-rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV. Trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua BHYT cho người nhiễm HIV để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT; hơn nữa còn hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi-rút HIV thông qua Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV.
NGUYỄN VĂN TRANG