Cần sửa chữa tuyến đường Ðông sông Côn Vĩnh Thạnh - Tây Sơn
Tuyến đường Ðông sông Côn Tây Sơn - Vĩnh Thạnh dài 36 km, chạy từ hồ thủy lợi Ðịnh Bình đến Bảo tàng Quang Trung, được xem là tuyến đường huyết mạch nối xã Vĩnh Hòa và một số xã vùng Ðông sông Côn của huyện Vĩnh Thạnh với các vùng lân cận, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, tuyến đường này hiện bị chia cắt hoàn toàn.
Đoạn đường tạm do dân tự làm đã bị sạt lở trong trận lũ cuối tháng 11.2016.
Sau trận lũ lịch sử năm 2013, tuyến đường này vốn đã bị hư hại nghiêm trọng. Một số đoạn trên địa bàn xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn như đoạn Ruộng Bà Dồ (dài trên 100 m), đoạn suối Co Co (dài trên 200 m), bị sạt lở nặng. Khi đó, người dân đã khắc phục tạm bằng cách tự thuê mướn và nhờ các đơn vị đang thi công các công trình trên địa bàn làm lại đường tạm tại khu vực Ruộng Bà Dồ để xe tải nhỏ, xe máy có thể đi lại được. Tuy nhiên, những trận mưa lũ cuối tháng 11 và đầu tháng 12.2016 vừa qua lại cuốn đi tất cả, và tuyến đường bị ách tắc hoàn toàn.
Ông Phan Ðình Châu, 87 tuổi, ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Từ năm 2013, đường bị hư hỏng nhiều đoạn, dân không đi lại được. Tại các nơi đường hư hỏng, do không có rào chắn hoặc biển báo nên xảy ra nhiều vụ TNGT song chưa đến mức gây thiệt hại về người. Có những xe tải chở hàng bị lật ngay tại đoạn cống Ruộng Bà Dồ. Người dân lo lắm nhưng chẳng biết làm thế nào”. Ông Trịnh Xuân Lời, cũng ở thôn Tiên An, tiếp lời: “Vì ô tô không đi được nên việc làm ăn của bà con gặp khó khăn. Xã Vĩnh Hòa có hàng trăm hộ trồng rừng, do khai thác, vận chuyển gỗ nguyên liệu khó khăn nên giá thành đội lên cao. Cũng do không có đường, muốn qua huyện Tây Sơn phải đi vòng lên thị trấn Vĩnh Thạnh, tăng thêm 30 km nữa nên nông sản của người dân luôn bị tư thương mua ép giá”.
Muốn đi qua đoạn đường này, người dân phải đẩy xe máy lội suối.
Ðược biết, tuyến đường này nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn, do huyện Tây Sơn quản lý nhưng người dân huyện Vĩnh Thạnh lại sử dụng nhiều hơn. Bởi vậy, việc khắc phục, sửa chữa mới đình trệ gần 4 năm qua. Ông Ðinh Kho, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Vĩnh Hòa là xã tái định cư có trên 500 hộ dân, trong đó khoảng 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi có đường năm 2005, việc phát triển KT-XH ở xã Vĩnh Hòa có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, gần 4 năm nay, đường luôn trong tình trạng hư hỏng nặng. Cả 2 đoạn sạt lở ngày một dài ra và nay thì không thể đi lại được nữa, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất và giao thương của người dân. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên đại biểu Quốc hội và HÐND các cấp nhưng chưa được giải quyết”.
Thiết nghĩ, trước những mong mỏi cấp thiết của người dân vùng tái định cư xã Vĩnh Hòa, chính quyền các cấp sớm đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường, giúp người dân có điều kiện đi lại, phát triển sản xuất và ổn định đời sống.
XUÂN DŨNG