Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Ðịnh hư hỏng: Trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý Dự án và nhà thầu thi công
Ðây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Ðình Thọ khi trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh vào chiều 12.12, về những hư hỏng trên mặt đường quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua tỉnh Bình Ðịnh.
Mặt đường tuyến QL qua thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (Tuy Phước) bị hư hỏng nặng.
Sau mưa, đường thêm hỏng nặng
QL 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định tuy mới đưa vào khai thác, sử dụng hơn 1 năm (từ tháng 10.2015), song tình trạng hư hỏng mặt đường hiện nay rất nghiêm trọng, thường xuyên phải ngăn đường để sửa chữa. Sau 4 đợt mưa to liên tiếp mới đây, QL 1 dày đặc thêm nhiều ổ gà, ổ voi.
Trong hai ngày 11 và 12.12, đi trên tuyến QL 1, chúng tôi chứng kiến quá nhiều đoạn đường bị hư hỏng ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước hay TP Quy Nhơn.
Cụ thể, đoạn từ Trạm thu phí Nam Bình Định đến dốc Ông Phật (phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn) dài gần 20km, mặt đường có đến hàng trăm điểm bị sạt lở, rạn nứt với đầy “ổ gà, ổ voi”. Nhiều điểm lõm khoét sâu xuống nền đường từ 3 - 5 cm rộng cả mét vuông, nước đọng thành vũng. Trên cả hai chiều lưu thông ở các đoạn đường qua các thôn: Hòa Dõng (xã Cát Tân), thôn Phú Kim (xã Cát Trinh), thôn Hòa Hội (xã Cát Hanh) thuộc huyện Phù Cát hay xã Mỹ Hiệp, Mỹ Trinh, Mỹ Phong, Mỹ Lộc, thị trấn Bình Dương của huyện Phù Mỹ cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Mặt đường xuống cấp kéo dài, dặm vá loang lổ. Trong khi đó, đoạn qua xã Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Hảo, Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), mặt đường bong tróc, lởm chởm ổ gà đến mức đơn vị thi công phải đổ đất đá cấp phối xuống để tránh nguy hiểm cho người, xe qua lại.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Bình Định vì sao mặt đường QL 1 thường xuyên hư hỏng, hư đâu vá đó, đại diện đơn vị chủ đầu tư là ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Điều hành Ban Quản lý Dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh, giải thích: “Nguyên nhân là độ dính bám nhựa của vật liệu đá ở Bình Định kém, một số vị trí độ rỗng dư của bê tông nhựa cao nên nước dễ thấm xuống bên dưới làm hư hỏng nền đường và bê tông nhựa. Hơn nữa, đầu tháng 11.2016 đến nay, ở Bình Định liên tục có mưa lớn kéo dài, một số đoạn QL 1 bị ngập nước, dẫn đến các hư hỏng cục bộ. Mặt đường QL 1 thiết kế theo phương án chống hằn lún là giảm tỉ lệ nhựa đường, tăng kích cỡ hạt đá. Phương án này tuy có ưu điểm không xảy ra hiện tượng hằn lún, nhưng tỉ lệ độ rỗng trong lớp nhựa lại cao, do đó, nước lọt vào gây ra tình trạng bong dộp”. Theo báo cáo sơ bộ của BQL DA đường Hồ Chí Minh, tổng diện tích mặt đường nhựa QL 1 đoạn qua tỉnh bị hư hỏng khoảng 6.000m2.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Giám đốc Sở GTVT, mặt đường QL hư hỏng như hiện nay, ngoài những nguyên nhân như: thời gian thi công ngắn, nguồn cung cấp vật tư, vật liệu bị khan hiếm do triển khai đồng loạt nhiều dự án thành phần, thì nguyên nhân chính vẫn là do tổ chức thi công và kiểm soát chất lượng thi công của các nhà thầu chưa đồng đều, vật liệu cung cấp cho dự án chưa đảm bảo. “Sở GTVT, UBND tỉnh cũng rất sốt ruột khi mặt đường QL 1 bị hư hỏng quá nhiều. Người và phương tiện đi lại qua các đoạn hư hỏng tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn. Sở GTVT đã tham mưu cho tỉnh nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư xử lý dứt điểm tình trạng hư hỏng này. Bộ GTVT đã vào cuộc; nhà đầu tư thì yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục, nhưng sửa rồi lại hư”- ông Hoàng bức xúc.
Kinh phí sửa chữa: Nhà thầu thi công phải chịu
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khi trao đổi trực tiếp với PV Báo Bình Định vào chiều 12.12. Thứ trưởng nói: “Đường hư trách nhiệm thuộc về BQLDA và nhà thầu thi công. Bộ GTVT đã chỉ đạo BQL DA đường Hồ Chí Minh yêu cầu nhà thầu phải khẩn trương sửa chữa, vá ngay các điểm bị bong bật để đảm bảo giao thông. Khi trời nắng ráo, các nhà thầu phải gấp rút sửa chữa. Bởi DA đang trong giai đoạn bảo hành nên mọi kinh phí sửa chữa nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Đối với DA đầu tư theo hình thức BOT, trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, đơn vị thi công đều có điều khoản về trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa khi xảy ra sụt lún, hư hỏng”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để sửa chữa, khắc phục bền vững tuyến QL 1, các đơn vị có liên quan nên xác định chính xác nguyên nhân dẫn tới hư hỏng. Ông Thọ nói thêm: “Trong tháng 12 này, tôi sẽ trực tiếp vào kiểm tra, chỉ đạo BQL DA phối hợp với Viện Khoa học & Công nghệ, Bộ GTVT tổ chức kiểm nghiệm, khai thác tìm nguyên nhân hư hỏng do chất lượng thi công hay do vật liệu đá, nhựa đường để đề ra giải pháp khắc phục triệt để; trong đó, phương án thảm nhựa đường theo công nghệ Novachip sẽ được cân nhắc”.
52 người chết, phần lớn do bất cập từ mặt đường QL1
“Mặt đường QL 1 chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng đã hư hỏng, nhiều nơi xuất hiện ổ gà, bong bật. Sau 4 đợt mưa lũ lớn, QL 1 càng hỏng nặng thêm, gây mất an toàn giao thông, phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn, bất trắc. Trong 74 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến trong năm 2016, làm chết 52 người, nguyên nhân chủ yếu là do những tồn tại, bất cập trên mặt đường tuyến QL1”, trung tá Ngô Ðức Hoài, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, nhận xét.
TRỌNG LỢI