Người dân vùng trũng khó khăn trong biển nước
Mưa vẫn tiếp tục đổ xuống Bình Ðịnh do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ và ảnh hưởng của gió Ðông Bắc kết hợp nhiễu động gió đông trên cao. Vùng trũng của các huyện Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục bị uy hiếp bởi nước lũ tràn về, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, chồng chất khó khăn.
Người dân vùng trũng Cát Chánh tiếp tục gặp khó khăn trong đi lại bởi các tràn ngập sâu trong nước (ảnh chụp sáng 12.12).
Chưa kịp thoát cảnh cô lập của lũ đợt 3 (đỉnh lũ vào ngày 8.12) thì ngày 12, 13.12, vùng trũng ở khu Đông của tỉnh tiếp tục hứng những đợt mưa dai dẳng và nước lũ tràn về, dâng cao, gây ngập nhanh. Về các xã vùng trũng của huyện Tuy Phước (như Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa...) và huyện Phù Cát (như Cát Chánh, Cát Thắng, Cát Nhơn...), chỉ thấy cảnh nước ngập trắng đồng; bờ đê, bờ ruộng mất dấu trong nước bạc; các tràn chìm sâu trong nước, chia cắt các tuyến đường.
Dồn dập lũ
Sáng 12.12, bà Nguyễn Thị Ba (73 tuổi, ở xóm Đoàn, thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) lội nước gần một giờ đồng hồ mới đến được trạm y tế khám bệnh, xin thuốc. Bà cho biết, nước mới rút ra khỏi nhà, tranh thủ đi khám, vừa nhận thuốc xong, lại vội về vì cán bộ y tế nhắc về nhà mau, nước đang lên trở lại.
Bà than thở: “Lúc sáng, tôi lội qua tràn dẫn vào UBND xã, mực nước chỗ sâu nhất chỉ qua khỏi đầu gối. Lúc trở về, chưa đến 11 giờ, nước đã quá nửa đùi. Đã giữa tháng 11 âm lịch rồi mà mưa kiểu này, lũ dồn dập như vầy, thiệt là dân không kịp thở”.
Sáng 13.12, ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh thông tin 55% số hộ trong xã bị nước lũ tràn vào nhà. Mức ngập từ 0,3m đến 1m. Đây cũng là mức ngập của 3 đợt lũ trước. Trong đó, nặng nề nhất là đợt lũ thứ 2 (từ ngày 1 đến 3.12) với 63,6% hộ bị ngập. Dự kiến, với tình trạng nước đang dồn dập đổ về, vùng trũng như Cát Chánh sẽ phải chịu mức ngập cao và dài ngày hơn những đợt mưa trước. Cát Chánh rơi vào cảnh cô lập với các xã lân cận. Giao thông từ xã về các thôn bị chia cắt.
Trong khi đó, đường từ trung tâm huyện Tuy Phước về các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Nghĩa... bị chia cắt bởi những tràn, đập ngập sâu trong nước. Theo ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, sáng 13.12, mực nước đổ về các khu dân cư trên địa bàn xã đã tương đương với lũ đợt 3 (từ ngày 6 đến ngày 10.12). Các thôn đều bị nước lũ bủa vây, cô lập.
“Một số hộ ở vùng trũng nhất của thôn Phổ Trạch đã bị nước tràn vào nhà. Hiện tại, cán bộ cơ sở đang thống kê các thiệt hại, khó khăn của người dân. Địa phương cũng cắt cử dân quân canh gác tại các tràn bị ngập sâu trong lũ để hướng dẫn, cảnh giác và ngăn chặn bà con qua lại, hạn chế rủi ro”, ông Tiến trao đổi.
Khu dân cư thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận bị nước lũ bủa vây.
Cuộc sống người dân bị đảo lộn
Lũ dồn lũ đã làm cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn. Chị Nguyễn Thị Mai (42 tuổi, ở thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) kể: “Nước tràn vào nhà gần nửa mét, nhà nào cũng quần quật khiêng kê lúa thóc, vật dụng lên cao. Đến bữa ăn cũng không thể đàng hoàng. Cha mẹ, con cái mỗi người bưng một tô mì tôm và ăn trong tư thế đứng. Con gái tôi đang học tại Trường THPT số 3 Phù Cát (đóng ở xã Cát Hưng) đã một tuần nay, gói ghém quần áo lên ở nhờ nhà bạn để đi học cho an toàn”.
Phương tiện di chuyển chính trong những ngày này là sõng nhôm - vật dụng quen thuộc với người dân vùng rốn lũ. Thế nhưng, gần đây, nhiều người dân vùng trũng nhắc nhở nhau cẩn trọng hơn khi đi lại bằng sõng nhôm. Cái chết của anh Nguyễn Văn Tài (SN 1971, ở thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) vào ngày 8.12 là một lời cảnh báo. Anh Tài bị lật sõng trên đường về nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác anh ở dưới sõng nhôm, cách nhà chỉ khoảng 250 m.
Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, cho biết: “Xã đã vận động người dân hạn chế di chuyển trong nước lũ để đảm bảo tính mạng. Trường hợp khẩn thiết, cần phải di chuyển thì nên có áo phao. Trong cả đợt lũ 2 và 3, nhiều đoàn công tác của tỉnh, huyện, các đoàn từ thiện muốn về trao quà cứu trợ cho bà con nhưng UBND xã đều trao đổi lại là nên chờ nước lũ rút bớt. Bởi, giữa biển nước như thế này, việc cứu trợ, nếu làm không khéo sẽ dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho người dân. Không ai dám chắc chuyện gì có thể xảy ra khi bà con nôn nóng chống sõng đi nhận cứu trợ”.
NGUYỄN MUỘI
Nỗi lo lỡ thời vụ
Nhiều nông dân đã dở khóc dở mếu khi nghe đài thông báo đợt lũ thứ tư ập đến. Hai ngày 10 và 11.12 vừa qua, trời tạm hửng ráo, họ đổ dồn ra đồng. Người chưa kịp sạ thì cày, bừa, kéo rãnh, tất bật gieo sạ, mong hạt giống kịp cắm chông. Người đã sạ đợt trước bị nước lũ cuốn trôi tiếp tục ngâm lại lúa giống, định bụng gieo sạ lại cho mùa vụ được tươm tất, đàng hoàng.
“Ðến cuối ngày 11.12, nghe tin áp thấp nhiệt đới, nước lũ trên các sông dâng cao, bà con xứ tôi lắc đầu ngao ngán. Nhà nào có giống đã ngâm, đã nảy mầm thì đành đem giống vào phơi, hong, chờ nắng lên mới gieo sạ lại. Nhà nào vừa sạ thì lo đi tìm mua giống mới, theo dõi thời tiết để chọn ngày ngâm giống lại cho kịp nắng lên là sạ lại. Phải sạ lại thôi, chứ không có sức mà dặm. Tiền công mướn người dặm lúa đã lên tới 150 ngàn đồng/ngày”, ông Trần Văn Hiệp, 67 tuổi, một nông dân ở khu vực Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành (TX An Nhơn) bày tỏ.
HÀ THANH
Nhiều vườn mai con bị thiệt hại
Ngày 11.12, trên một ruộng mai nằm sát dòng sông ở khu vực Thuận Thái (xã Nhơn An, TX An Nhơn), bà Nguyễn Thị Thanh (51 tuổi) cẩn thận đỡ từng cây mai con lại, múc từng chén đất để úm lại gốc mai. Chỉ vào mấy luống mai nằm sát bờ sông, bà kể: “Lại trôi sạch hết rồi. Nhà tôi vừa gầy lại 1.000 cây mai con. Nhưng sau 3 đợt lũ, hơn 300 cây đã trôi mất. Số còn lại không biết có gượng dậy nổi không?”.
Sự gắng gượng của bà Thanh trở thành “công dã tràng” khi chỉ sau một đêm, sáng 12.12, nước lũ lại tràn vào ruộng, phủ trắng mớ mai con. Ở Thuận Thái, bà Thanh không phải là trường hợp duy nhất bị thiệt hại.
N.M
Cát Trinh tích cực khắc phục hậu quả lũ lụt
Theo thống kê của UBND xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, mưa lũ đã làm ngập úng, gây hư hại 313ha/400 ha lúa Đông Xuân mới sạ; làm 38 ha đã cày bừa, ngâm ủ giống nhưng không thể sạ được, giống bị hư hỏng; 1.600m kênh mương bị sạt lở, khoảng 2.000m3 đất cát sa bồi thủy phá vào đồng ruộng gây hư hại; gần 50 nhà dân bị nước lũ tràn vào nhà gây ngập từ 20 - 30cm làm hư hỏng nhiều đồ đạc; 65m tường rào bị sập và nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu, đi lại khó khăn…với tổng thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Trinh, cho biết: “Ngay sau khi lũ rút, xã chỉ đạo các thôn phối hợp với các ngành, đoàn thể ở địa phương tập trung vận động bà con nhân dân ra đồng tự khắc phục, tiến hành làm đất để kịp thời sản xuất. Bên cạnh đó, xã cũng đã tiếp nhận và phân bổ cho dân hơn 20,5 tấn lúa giống của tỉnh hỗ trợ”.
Huyện đoàn Phù Cát đã huy động 50 đoàn viên thanh niên, Tiểu đoàn 4 - Trường Quân sự Quân đoàn 3 cũng cử 20 cán bộ, chiến sĩ cùng phối hợp với lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ của xã cùng nhau đắp lại các đoạn kênh mương, bờ suối bị lở và nạo hốt cát sa bồi giúp nhân dân khôi phục sản xuất kịp thời vụ.
TRƯỜNG GIANG