Bước đột phá về trợ giúp pháp lý trong tham gia tố tụng
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý năm 2016, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã thụ lý 453 vụ việc tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Để có được kết quả đó, Trung tâm TGPL đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp.
Qua khảo sát thực tế, nhận thấy diện người được TGPL theo Luật TGPL trên địa bàn tỉnh (người nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn) liên quan đến các vụ án quá ít, không thể đảm bảo theo chỉ tiêu được giao cho từng trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm đã đề xuất với Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh mở rộng thêm một số đối tượng yếu thế được TGPL. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thực hiện TGPL cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh như: Người chưa thành niên, người thuộc diện hộ cận nghèo, người mới thoát nghèo trong năm liền kề, cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, hội viên hội phụ nữ, hội nông dân, người không có điều kiện chi trả khi thuê người bào chữa trong vụ án hình sự…
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về công tác này được Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng triển khai, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng nhận thức đầy đủ nội dung, yêu cầu, tính chất việc tham gia tố tụng trong TGPL cho nhóm người yếu thế, bởi những đối tượng được TGPL không thuộc diện bắt buộc phải có người bào chữa được quy định trong tố tụng hình sự.
Nhờ vậy, năm 2016, các hoạt động tố tụng của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, nhiều trợ giúp viên pháp lý không chỉ đạt mà còn đạt chỉ tiêu với mức độ tốt. Trong số 453 vụ việc mà Trung tâm tham gia tố tụng, các trợ giúp viên pháp lý đã trực tiếp tham gia trên 370 vụ việc, số còn lại do luật sư cộng tác viên thực hiện.
Kết quả trên đã góp phần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng tham gia tố tụng, góp phần hạn chế oan sai, được các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng, lãnh đạo địa phương, người dân hoan nghênh. Do vậy, khi tiếp cận đối tượng trong vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đều có văn bản hoặc yêu cầu người được TGPL làm đơn yêu cầu Trung tâm TGPL cử người tham gia bào chữa hoặc bảo vệ. Bên cạnh đó, cũng đã có một số trường hợp liên quan đến vụ án hình sự, khi bị can biết mình thuộc diện được TGPL đã làm đơn yêu cầu Trung tâm hoặc chi nhánh cử trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho mình.
HOÀNG PHƯƠNG