Kết hợp du lịch di sản văn hóa và du lịch tâm linh: Một hướng đi nên tính đến
Du lịch tâm linh là một dạng thức đặc thù của du lịch văn hóa, mà tiêu biểu là hành trình về với di sản, di tích, danh thắng, lễ hội. Chương trình hành động về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 đặt mục tiêu khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, trong đó bên cạnh việc lấy du lịch biển, sinh thái làm mũi nhọn, du lịch văn hóa, lịch sử được xem là nền tảng. Nhưng làm thế nào để kết hợp du lịch văn hóa, lịch sử với du lịch tâm linh trong phát triển du lịch ở tỉnh ta hiện nay? Dưới đây là một số suy nghĩ của tác giả Nguyễn Thanh Quang trong tham luận tại Hội thảo “Xác định tiềm năng, thế mạnh và hình ảnh đặc trưng tỉnh Bình Ðịnh phục vụ công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại” do Sở TT-TT tổ chức tháng 11.2016. Xin trích giới thiệu để bạn đọc cùng tham khảo.
Chùa Linh Phong (Cát Tiến, Phù Cát). Ảnh: VĂN LƯU
1. Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những quan niệm khác nhau và đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, “du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần”.
Trong xu hướng hiện nay, du lịch tâm linh có sức hấp dẫn lớn với du khách. Hội nghị quốc tế “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” do Tổ chức Du lịch thế giới, Bộ VH,TT&DL và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức tại Ninh Bình năm 2013 đã khẳng định, việc giao lưu giữa con người với con người thông qua du lịch tâm linh sẽ đẩy mạnh đối thoại, xây dựng mối quan hệ hiểu biết giữa các nền văn hóa.
Nếu du lịch tâm linh ở các nước trên thế giới chủ yếu gắn liền với du lịch tôn giáo thì ở Việt Nam, du lịch tâm linh phần lớn hướng về cội nguồn, tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, trở thành du lịch về cội nguồn dân tộc, với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những lợi ích của du lịch tâm linh, như vậy, không chỉ về kinh tế mà hơn hết là những giá trị tinh thần cho đời sống xã hội.
2. Ðến nay, ở nước ta, việc phát triển du lịch tâm linh còn ở giai đoạn tiên phát. Riêng tỉnh Bình Ðịnh có đầy đủ các cơ hội để tham gia vào lĩnh vực này, với nhiều tiềm năng có thể khai thác. Bình Ðịnh là một vùng đất trầm tích nhiều nền văn hóa cổ (Sa Huỳnh, Champa), nơi sản sinh, phát tích, nuôi dưỡng, hội ngộ của nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa. Ðến nay, Bình Ðịnh có 122 di tích đã được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 33 di tích cấp quốc gia, 87 di tích cấp tỉnh), trong đó có nhiều di sản văn hóa, di tích liên quan đến tâm linh.
Trên thực tế, nhiều di sản, di tích trong số này ở Bình Ðịnh đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như: các cụm tháp Chăm, Ðền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, chùa Linh Phong, chùa Thập Tháp, di tích nhà thờ Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, địa điểm nhà in Chủng viện Làng Sông - nơi phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ… Ngoài ra, một số công trình văn hóa tâm linh đã và đang được đầu tư lớn bằng nguồn vốn xã hội hóa, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thăm viếng: Ðàn tế Ấn Sơn, quần thể tâm linh Phật pháp Linh Phong.
Ðây là những điểm đến văn hóa đặc thù cả về vật thể và phi vật thể, vừa hấp dẫn, vừa củng cố niềm tin tín ngưỡng cho du khách. Trong đó, tín ngưỡng, văn hóa được coi là giá trị cốt lõi của sản phẩm du lịch tâm linh, vừa có tác dụng giúp người tham gia hiểu thêm lịch sử, văn hóa, cố kết cộng đồng; đồng thời, như sợi dây kết nối tình cảm, tâm hồn người Việt Nam với bạn bè trong khu vực, quốc tế. Vấn đề quan trọng hiện nay là các nhà quản lý văn hóa, du lịch, các nhà đầu tư tìm thấy lợi ích chung; từ đó, phối hợp và đưa ra hướng phát triển bền vững.
3. Kết hợp du lịch di sản văn hóa và du lịch tâm linh như vậy là một hướng đi mà nếu khéo léo sẽ rất bền vững. Tuy nhiên để làm được điều này, các nhà quản lý phải hết sức thận trọng. Theo GS. Ngô Ðức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam, phát triển du lịch tâm linh chính là khai thác yếu tố truyền thống với tầm phát triển cao hơn. Văn hóa phải hài hòa với du lịch, nếu không du lịch tâm linh sẽ trở thành yếu tố phá hoại văn hóa. Trong cuộc sống hiện nay không có gì chỉ tồn tại mặt được; nhưng chúng ta phải xây dựng và chọn phương án được nhiều hơn mất. Trong đó, cần xác định quan điểm là phải gắn công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị di tích với việc khai thác phục vụ du lịch để mang lại hiệu quả KT-XH mà không làm xâm hại đến môi trường di tích.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc đầu tư cho du lịch tâm linh còn phải đề cao chất lượng, hình thức phục vụ, vừa đạt nhu cầu thưởng thức tự nhiên của du khách, vừa thu được lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của Bình Ðịnh, việc kết hợp giữa du lịch di sản văn hóa và du lịch tâm linh sẽ là hướng đi mới, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm du lịch Bình Ðịnh.
NGUYỄN THANH QUANG