Rối loạn do thiếu i-ốt có dấu hiệu quay trở lại
Ðây là thông tin được Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu tỉ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em 8-10 tuổi và kiến thức - thực hành của phụ nữ 18-49 tuổi về phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt tại tỉnh Bình Ðịnh năm 2015”.
I-ốt là một vi chất rất cần thiết cho đời sống con người, là nguyên tố rất quan trọng để tổng hợp hooc-môn tuyến giáp cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Thiếu i-ốt sẽ gây nên một loạt rối loạn, nếu thiếu ở giai đoạn bào thai thường gây nên những tổn thương về não, làm chậm phát triển trí tuệ của trẻ em.
“ Rất đáng báo động, vì so với mục tiêu phải đạt trên 90% hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh thì Bình Ðịnh không đạt yêu cầu ”
Bác sĩ HOÀNG XUÂN THUẬN, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh
Báo động!
Trước tầm quan trọng của i-ốt, Bộ Y tế đã đưa ra mục tiêu đến năm 2005 phải thanh toán các rối loạn do thiếu i-ốt. Bình Ðịnh đã đạt mục tiêu này với 3 chỉ số cơ bản: tỉ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi (4,7%), mức i-ốt niệu trung vị (12,64mcg/dl) và độ phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh 20-40PPm (98,76%).
Khám phát hiện bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi tại TX An Nhơn.
Tuy nhiên, đến năm 2011, độ bao phủ muối i-ốt tại Bình Ðịnh chỉ còn 92%, có tới 15% số người được điều tra có trung vị i-ốt niệu rất thấp thuộc diện thiếu i-ốt vừa và nặng. Ðồng thời, hàng ngày tại phòng khám của Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh, có hơn 100 người đến khám bệnh bướu cổ, hơn 30% trong số này là trẻ em.
Ðến năm 2015, Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu tỉ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em 8-10 tuổi và kiến thức- thực hành của phụ nữ 18-49 tuổi về phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt tại tỉnh Bình Ðịnh năm 2015”. Ðề tài thực hiện tại 30 xã, phường, thị trấn; nghiên cứu trên 1.800 trẻ 8-10 tuổi, 600 phụ nữ 18-49 tuổi, 600 mẫu nước tiểu để xét nghiệm i-ốt niệu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có một chỉ số đạt yêu cầu của Chương trình quốc gia Phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt là mức i-ốt niệu trung vị của trẻ em 8-10 tuổi (15,99mcg/dl); 2 chỉ số còn lại đều rất đáng ngại: tỉ lệ mắc bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi đã lên đến 6,6% (cao hơn 1,9% so với năm 2005), độ phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh 20-40PPm chỉ còn 85,8% (giảm 12,96%).
“Rất đáng báo động, vì so với mục tiêu phải đạt trên 90% hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh thì Bình Ðịnh không đạt yêu cầu” - Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh Hoàng Xuân Thuận lo ngại.
Tăng cường giám sát, mở rộng tuyên truyền
Ðáng chú ý, theo kết quả nghiên cứu, tỉ lệ bướu cổ trẻ em ở miền núi là 11,7%, trung du 6,7%, đồng bằng 6,5%, thành thị 5%. “Tỉ lệ bướu cổ trẻ em đặc biệt cao ở khu vực miền núi, có lẽ do điều kiện sống ở vùng đất nghèo i-ốt, nên lương thực, thực phẩm từ vật nuôi, cây trồng ở vùng này cũng bị thiếu i-ốt. Từ đó dẫn đến nguồn cung cấp i-ốt cho con người ở vùng này cũng bị thiếu”- bác sĩ Phạm Văn Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm, nhận định.
Thêm vào đó, kiến thức và thực hành của phụ nữ trong sử dụng muối i-ốt cũng có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Về bảo quản muối i-ốt, có tới 18,5% gia đình để muối i-ốt trên bếp hoặc gần bếp lửa; 17,1% gia đình bảo quản muối i-ốt trong các vật dụng hở. Việc bảo quản muối i-ốt không đúng cách như thế sẽ dẫn đến lượng i-ốt trong muối bị hao hụt, không bảo đảm chất lượng để phòng bệnh. Ngoài ra, có tới 99,5% số phụ nữ được hỏi không biết quy định của Nhà nước về việc buôn bán và sản xuất muối i-ốt.
“Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền theo chiều sâu, chú ý tới công tác đào tạo huấn luyện cho cán bộ y tế, kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đối tượng đồng bào vùng sâu, vùng xa; cùng những người sản xuất, buôn bán muối...” - bác sĩ Hoàng Xuân Thuận nhấn mạnh.
Lâu nay, mẫu muối được thử test nhanh bằng kít và bảo quản, đem về định lượng tại phòng xét nghiệm của Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh. Tuy nhiên, mẫu nước tiểu phải gửi xét nghiệm ở Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, mất nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Do đó, đầu tư hệ thống xét nghiệm ngay tại Bình Ðịnh là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bác sĩ Thuận cũng cho rằng, hệ thống chuyên môn phòng chống rối loạn thiếu i-ốt từ tuyến tỉnh đến huyện, xã phải được củng cố để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát ở cơ sở.
NGUYỄN VĂN TRANG
Anh cho em xin đề tài đọc tham khảo với