Bờ sông Hà Thanh sạt lở, dân trắng đêm canh lũ
Nước lũ từ đầu nguồn đổ về thúc mạnh vào bờ sông. Nhà cửa, chuồng trại bỗng chốc đổ nhào xuống sông. Gia đình thấp thỏm, thức trắng đêm canh lũ. Ðó là tình cảnh của hơn 80 hộ dân đang sống chênh vênh bên mép đê sông Hà Thanh ở đội 3, thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước.
Nhà cửa đổ nhào xuống sông
Cơn lũ dữ vào sáng 4.11 trôi qua được hơn 1 tháng, nhưng người dân sống ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Huỳnh Thị Nhân, 24 tuổi, kể lại, khoảng 8 giờ sáng, chị đang cho 2 con ăn sáng trước nhà thì nghe tiếng đổ ầm. Chị chạy ra sau thì chứng kiến cảnh nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng heo bị đứt gãy, đổ ập xuống sông. Hôm đó, ngoài nhà chị Nhân, còn có nhà ông Ðiền Văn Bình và ông Lê Ðức Nhuận, cùng ở đội 3, cũng bị “hà bá” “nuốt” mất gian bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại.
Tình trạng sạt lở đê sông Hà Thanh vẫn tiếp diễn (ảnh chụp chiều 12.12 tại đội 3, thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước).
Theo phản ánh của các hộ dân nơi đây, trước khi xảy ra vụ sạt lở nhà hôm 4.11, nhiều ngày trước, họ thấy một số tường và nền nhà có dấu hiệu nứt vỡ nên đã chuyển ra khu vực phía ngoài của ngôi nhà, cách xa đê sông để đảm bảo an toàn.
Nạn sạt lở, xâm thực đê sông khu vực này diễn ra từ nhiều năm trước nhưng đây là lần nghiêm trọng nhất. Ông Bình lo lắng nói: “Từ hôm ấy, bà con có nhà ở dọc sông không ai ngủ ngon giấc. Từ đầu tháng 12 đến nay, mưa lũ triền miên. Nước lớn đổ về dữ lắm, ai cũng lo đến mất ăn mất ngủ. Ðêm đêm, hết chồng rồi tới vợ thay phiên nhau thức canh “hà bá””.
Theo ông Huỳnh Nam, Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Diêu Trì, đầu tháng 11.2016 đến nay, lũ gây sạt lở bờ sông Hà Thanh làm 3 nhà dân bị sập; 12 căn nhà khác trong khu vực cũng xuất hiện dấu hiệu nứt, tuy chưa bị thiệt hại nhưng đang được theo dõi để nắm tình hình, kịp thời xử lý nếu có sạt lở. Ngoài ra, hơn 50 hộ dân sống dọc bờ sông cũng nằm trong diện bị ảnh hưởng trực tiếp vào mỗi mùa mưa lũ, cần được di dời đến nơi cao ráo, an toàn. Tuy nhiên, kinh phí di dời, tái định cư cho các hộ rất lớn, vượt quá khả năng của địa phương.
Sẽ thực hiện di dời dân
Theo ông Huỳnh Nam, hàng năm UBND thị trấn Diêu Trì đã đầu tư kinh phí để gia cố tạm tuyến đê sông; tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. “Cách tốt nhất là di dời, bố trí tái định cư cho dân. Hiện nay, UBND thị trấn Diêu Trì quy hoạch quỹ đất rộng 2,4 ha ở thôn Luật Lễ để đưa vào kế hoạch sử dụng năm 2017; sau khi được tỉnh, huyện phê duyệt, sẽ lập phương án di dời dân đến đây” - ông Nam nói.
Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Ðình Thuận cho biết, phương án di dời dân sống ở vùng bị sạt lở ở đội 3 là bắt buộc. Ðến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch quỹ đất phục vụ cho mục đích này. Sau khi mưa lũ rút, huyện sẽ chỉ đạo UBND thị trấn Diêu Trì rà soát, kiểm tra, lập danh sách di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân sống trong vùng nguy hiểm. Huyện cũng kiến nghị tỉnh, Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí gia cố, sửa chữa bờ kè sông Hà Thanh.
Liên quan đến vấn đề gia cố đê sông Luật Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho huyện Tuy Phước 2 tỉ đồng để khắc phục, gia cố kè đê sông Luật Lễ; đồng thời, tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm vốn, bố trí cho địa phương nâng cấp, sửa chữa kiên cố tuyến đê sông Luật Lễ.
TRỌNG LỢI