Mưa lớn xảy ra trên diện rộng, lũ tiếp tục lên nhanh
Công điện Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định
Mưa lớn liên tục trong 3 ngày qua (từ 12-15.12) đã làm cho nước lũ trên các sông tiếp tục dâng cao. Đến chiều 15.12, nước lũ đã khiến 26 xã vùng khu Đông các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, TP Quy Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… lâm vào cảnh cô lập, người dân không thể di chuyển ra ngoài và đang chờ được tiếp tế lương thực, mì tôm, nước uống… Trong khi đó, 166 hồ chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh đã đầy nước, trong đó nhiều hồ chứa đang trong tình trạng nguy cấp do rò rỉ nước qua thân đập.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (đầu tiên bên phải) kiểm tra một tuyến giao thông bị ngập lũ trên địa bàn xã Phước Nghĩa Tuy Phước (ảnh chụp ngày 14.12). Ảnh Nguyễn Hân
Trao đổi với PV Báo Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cho biết: “Đến chiều 15.12, tất cả hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đã đầy nước và đang điều tiết nước lũ qua tràn để bảo đảm an toàn hồ chức. Toàn tỉnh có 166 hồ chứa nước, hầu hết các hồ chứa đều được xây dựng từ những năm 80 - 90 (trong đó có 46 hồ chứa nước đang trong tình trạng nguy cấp). Hiện, các hồ chứa này phần lớn đã bị thẩm thấu nước qua thân đập và nền đập, hư hỏng nhiều vị trí. Nếu không khắc phục kịp thời thì chắc chắn sẽ xảy ra sự cố nên rất đông lực lượng đang được bố trí túc trực 24/24 ngay tại các công trình thủy lợi xung yếu để đối phó với mưa lũ”.
Nước lũ đổ về làm ngập lụt sâu nhiều tuyến giao thông từ thị trấn Tuy Phước đi các xã Phước Nghĩa, Phước Hiệp (Tuy Phước). Ảnh Nguyễn Hân
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Mực nước hồ Định Bình lúc 13 giờ ngày 15.12 ở cao trình 92, lưu lượng nước đến 3.012m3/s, qua tràn 1.000m3/s. Đập dâng Văn Phong đã mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ, lúc 13 giờ ngày 15.12, lưu lượng nước qua tràn trên 960m3/s”.
UBND xã Phước Nghĩa cứu trợ mì tôm, nước uống cho người dân xã Phước Nghĩa. Ảnh Nguyễn Hân
Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, sáng 15.12, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và các địa phương trong tỉnh dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với lũ lụt. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương xuất khẩn cấp nguồn kinh phí dự phòng để mua lương thực, mì tôm, nước uống, thuốc phòng bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ cho nhân dân vùng ngập lụt, vùng bị nước lũ cô lập; đồng thời, tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người dân qua lại các đoạn đường bị ngập nước; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhất là tại các khu vực trọng điểm về mưa lũ để ứng cứu khi có yêu cầu...
Lực lượng chức năng đang dùng bao cát gia cố hệ thống kênh chính Văn Phong. Ảnh Nguyễn Hân
“Để đảm bảo lương thực cho người dân vùng lũ lụt, UBND tỉnh đã kịp thời phân bổ 1.100 tấn gạo từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho các địa phương cứu trợ khẩn cấp các hộ dân bị nước lũ cô lập. UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các huyện tiếp tục xuất cấp kinh phí dự phòng để hỗ trợ nước uống, mì tôm, thuốc chữa bệnh cho người dân vùng lũ lụt. Trước tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng khẩn trương cứu trợ người dân vùng lũ lụt, không được để cho người dân bị đói rét trong lũ” - Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho hay.
Trao đổi với PV Báo Bình Định vào chiều 15.12, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Từ sáng 15.12, nước lũ đầu nguồn đổ về đã gây cô lập hoàn toàn 8/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuyến tỉnh lộ 640 đi các xã khu Đông của huyện bị ngập sâu từ 0,6-1m, gây chia cắt hoàn toàn. Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, huyện đã phân bổ kịp thời 100 tấn gạo của tỉnh hỗ trợ để cứu trợ người dân vùng lũ. Bên cạnh đó, UBND huyện đã trích kinh phí mua mì tôm, nước uống để hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng rốn lũ.
* Huyện Tuy Phước triển khai phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Trong ngày 15.12, trên địa bàn huyện Tuy Phước có mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về nên nước lũ dâng cao. Dự báo trong đêm 15.12, nước lũ sẽ tiếp tục lên, có khả năng uy hiếp đến tính mạng và tài sản các hộ dân sống ven đầm Thị Nại thuộc các xã khu đông huyện Tuy Phước: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng.
Nước lũ dâng cao, đập tràn Bà Rùa ngập sâu trong nước. Ảnh Xuân Vinh
Chiều 15.12, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tuy Phước đã có cuộc họp khẩn và yêu cầu các địa phương trên triển khai ngay phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã được UBND huyện phê duyệt và thời gian di dời dân phải kết thúc trước 19 giờ cùng ngày.
Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Kỳ Quang, cho biết: hiện trên địa bàn huyện có khoảng 1.400 hộ dân, với gần 7.000 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm cần phải di dời.
Trao đổi qua điện thoại, ông Phan Thế Khoa, chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: thông qua hệ thống đài truyền thanh xã, chúng tôi đã thông báo tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ đến các hộ dân trên địa bàn và đến thời điểm này địa phương cũng đã cơ bản di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn .
* Hoài Nhơn: Nước sông Lại Giang lên mức báo động 3
Ngày 15.12, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn liên tục có mưa to đến rất to, mực nước sông Lại Giang đã lên mức báo động 3, nhiều xã trong huyện như Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Sơn, một phần xã Hoài Xuân và Hoài Thanh bị cô lập hoàn toàn. Nhiều địa phương ở ven núi bị lũ quét và sạt lở đất.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng viếng gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Ảnh. Ảnh cắt từ Clip
Ngay trong ngày, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cùng các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định và huyện Hoài Nhơn đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện, tình hình neo đậu tàu thuyền ở cửa biển Tam Quan, các tuyến đường giao thông, công trình hồ đập trên địa bàn huyện và thăm gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Ảnh ở thôn Hy Thế, xã Hoài Châu Bắc bị tử vong do đợt lũ lụt vừa qua.
Ảnh cắt từ Clip
Qua kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện tập trung phòng chống mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ, khẩn trương di dời dân ở vùng thấp trũng, vùng bị cô lập do lũ đến nơi an toàn, đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, thực hiện trực 24/24h để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi của thời tiết …
Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoài Nhơn, đến trưa 15.12, mưa lũ đã làm 3 người chết, 1 người bị thương, 7 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 15 nhà bị tốc mái, 1 tàu chìm, hơn 2.800 lúa vụ Đông Xuân mới gieo sạ và hoa màu bị ngập sâu trong nước, hàng chục km đường bê tông, bờ suối bị sạt lở, ước thiệt hại do mưa lũ gây ra cho huyện hơn 15 tỷ đồng.
Dưới đây là hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã kiểm tra tình hình mưa lũ tại một số địa phương trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng cùng các sở ngành của tỉnh kiểm tra cầu Nhơn An bị mưa lũ gây sụp lún 2 trụ cầu. Ảnh: Tiến Sỹ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành báo cáo thực trạng và giải pháp khắc phục cầu Nhơn An. Ảnh: Tiến Sỹ
Cầu tràn Gò Dũng, ở thôn T2 xã Bok Tới bị ngập sâu, nước lũ chảy xiết gây xói lở toàn bộ 2 đường dẫn cầu gây chia cắt giao thông 4 thôn trong xã. Ảnh: Tiến Sỹ
Khu vực hạ lưu cầu tràn Gò Dũng cũng bị sạt lở nặng. Ảnh: Tiến Sỹ
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gia đình Bá Phiếu ở cạnh cầu tràn Gò Dũng và chỉ đạo chính quyền địa phương di dời ngay gia đình Bá Phiếu đến nơi an toàn. Ảnh: Tiến Sỹ
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng kiểm tra luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) và chỉ đạo huyện Hoài Nhơn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu cá của ngư dân. Ảnh: Tiến Sỹ
Tàu vỏ thép của ngư dân huyện Hoài Nhơn bị mắc cạn ở luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan, tàu bị nghiêng có nguy cơ bị lật. Ảnh: Tiến Sỹ
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng vào kiểm tra và động viên người dân ở xã Hoài Châu Bắc. Ảnh: Tiến Sỹ
Quốc lộ 1 A đoạn đi qua xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) bị ngập sâu khoảng 0,5 m, ngành chức năng huyện Phù Mỹ phải di dời khẩn cấp dải phân cách trên quốc lộ để tiêu thoát nước lũ, hạn chế ách tắc giao thông. Ảnh: Tiến Sỹ
Quốc lộ 1 A đoạn qua xã Cát Trinh cũng bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Tiến Sỹ
* Vĩnh Thạnh: Cứu hộ thành công 13 người bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ
Chiều 15.12, nhận được tin báo có 13 người dân đang mắc kẹt giữa dòng nước lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Vĩnh Thạnh đã khẩn cấp huy động lực lượng và các phương tiện ứng cứu.
Lực lượng quân sự địa phương đưa ca nô giải cứu 13 người mắc kẹt giữa dòng lũ xiết. Ảnh: Xuân Dũng
Trong số này có 12 người dân của xã Vĩnh Thịnh và 1 người dân của xã Vĩnh Hiệp đi sang trồng ớt và chăn thả gia súc trên soi Mồ Côi ở giữa sông Côn. Đến trưa phát hiện lũ lên nhanh thì nhóm người này không thể vào bờ được nữa vì nước lũ dữ dội, khoảng cách đến bờ quá rộng.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Vĩnh Thạnh đã huy động 2 ca nô và lực lượng quân sự địa phương cứu hộ. Đến 17 giờ chiều, toàn bộ 13 người đã được đưa vào bờ an toàn.
NGUYỄN HÂN - XUÂN VINH - ÁNH NGUYỆT - XUÂN DŨNG