Mưa lũ gây sạt lở và nỗi lo mất ruộng ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh
Hệ thống kè Tà Dinh tại làng 5, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh có nhiệm vụ bảo vệ cho hơn 30 ha ruộng và hàng chục hecta đất nông nghiệp, cùng nhà cửa của nhiều hộ dân ở xã tái định cư Vĩnh Thuận. Tuy nhiên, từ sau trận lũ lịch sử năm 2013, toàn bộ hệ thống kè này đã bị cuốn trôi, kèm theo đó có hơn 2 ha ruộng bị sa bồi thủy phá đến nay vẫn không khôi phục được. Từ đó đến nay, hệ thống kè Tà Dinh vẫn chưa được sửa chữa do kinh phí quá lớn, vượt quá khả năng của huyện.
Mưa lớn liên tiếp trong hơn 1 tháng qua gây lũ lớn trên các sông suối ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, một số đoạn kè sông suối đã bị sạt lở khiến nhiều diện tích ruộng bị sa bồi, thủy phá. Trong đó có một số đám ruộng bị mất hoàn toàn không thể khôi phục được.
Nhiều mảng ruộng đang bị suối ăn dần.
Tại suối Tà Dinh, xã Vĩnh Thuận, đoạn suối chảy qua vùng ruộng làng 4, làng 7 đã rộng ra cả trăm mét. Chỉ cách đây khoảng 1 tuần, tại đoạn suối này vẫn là mảnh ruộng của ông Đinh Thoát ở làng 7. Các đợt mưa lớn từ ngày 29.11 đến ngày 15.12 đã khiến 2/3 diện tích ruộng này biến thành lòng suối. Nước vẫn đang chảy xiết và phần ruộng còn lại đang tiếp tục bị nuốt dần.
Ông Đinh Thoát, làng 4, xã Vĩnh Thuận, lo lắng nói: “Bà con ở đây là dân tái định cư, ruộng đã ít, mấy năm nay cứ đến mua mưa lũ thì suối lại ăn mất dần từng mảng ruộng. Kè Tà Dinh bị hư mấy năm rồi nhưng chưa được khắc phục nên cứ mưa lũ lớn là ruộng lại mất thêm. Bà con chúng tôi lo lắm mà chẳng biết làm thế nào được”.
Mỗi đợt lũ đi qua, từng thửa ruộng ven suối Tà Dinh cứ bị suối ăn sâu cả chục mét. Kèm theo đó là các kênh mương bê tông cũng bị đứt gãy theo gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Thuận. Không chỉ ruộng của nông dân làng 4, làng 7 bị mất, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở làng 2 cũng bị sạt lở do mưa lũ. Ông Đinh Lương - cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thuận cho biết: “Kè Tà Dinh bị vỡ từ trận lũ năm 2013, giờ không được sửa chữa nên năm nào nước lớn cũng gây xói lở bên bờ trái, nhiều đoạn bị suối ăn sâu vài ba chục mét. Ở đây mỗi nhân khẩu chỉ có nửa sào ruộng, nên việc mưa lũ gây sạt lở làm mất diện tích ruộng đang là nỗi lo lớn của nhiều nông dân”.
Ruộng bị mất, kèm theo đó là nhiều tuyến kênh mương nội đồng bị đứt gãy.
Cánh đồng với diện tích 31 ha ở xã tái định cư Vĩnh Thuận đang tiếp tục bị nước lũ xâm thực. Trước đây huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư xây dựng hệ thống kè Tà Dinh để ngăn lũ, bảo vệ diện tích ruộng này. Tuy nhiên trận lũ lịch sử năm 2013 đã làm hư hỏng toàn bộ hệ thống kè Tà Dinh và sau nhiều năm, huyện Vĩnh Thạnh vẫn chưa khắc phục được do kinh phí quá lớn.
Ông Đinh Hồng Phê - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận cho biết: “Việc khắc phục lại hệ thống kè Tà Dinh vượt quá khả năng của xã vì kinh phí quá lớn. Do vậy để bảo vệ đồng ruộng trước nạn xâm thực vào mỗi mùa mưa lũ, xã cũng đã tận dụng lượng đất đá thải từ công trình đường Vĩnh Thuận - An Khê để khắc phục tạm nhưng cũng chẳng đảm bảo mấy. Xã cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí làm lại kè nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được”.
Ông Lê Quang Ân, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, lập dự toán thiết kế công trình kè Tà Dinh và trình tỉnh phê duyệt. Theo dự toán, kinh phí xây dựng lại 1,5km kè Tà Dinh khoảng 12 tỷ đồng, vượt quá khả năng của huyện nên đến nay vẫn chưa thi công được”.
Mưa lớn vẫn đang tiếp tục, lũ từ thượng nguồn sông suối vẫn đang đổ về. Người dân xã Vĩnh Thuận vẫn đang nơm nớp nỗi lo sa bồi thủy phá gây mất diện tích sản xuất. Người dân xã tái định cư Vĩnh Thuận khẩn thiết mong tỉnh sớm đầu tư kinh phí, tu sửa và làm mới hệ thống kè chống lũ Tà Dinh để bảo vệ diện tích đất nông nghiệp.
XUÂN DŨNG