Bảo tồn và phát huy bài chòi cổ dân gian ở Quy Nhơn: Rất cần sự hỗ trợ lâu dài
Liên tục trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ dân gian ở TP Quy Nhơn đã có những thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để loại hình nghệ thuật này lan tỏa sâu rộng hơn, rất cần duy trì sự quan tâm, hỗ trợ.
Lớp tập huấn bài chòi cổ dân gian lần thứ 5 vừa được Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức thành công.
Nhiều nỗ lực
Từ năm 2011, khi Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH-TT) tổ chức lớp tập huấn bài chòi dân gian, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đã cử cán bộ nghiệp vụ của thành phố và các xã, phường tham dự để nắm bắt và về triển khai. Đến nay, Trung tâm đã tham mưu cho UBND TP Quy Nhơn tổ chức 5 lần tập huấn bài chòi dân gian và 4 lần hội thi diễn xướng bài chòi dân gian cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn thành phố.
Trong lần tập huấn hô, hát và hướng dẫn tổ chức hội đánh bài chòi cổ dân gian lần thứ 5 vừa được Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức (từ 9 - 11.12) thành công, thu hút đông học viên là cán bộ, người dân đam mê bài chòi ở các phường, xã.
Bà Nguyễn Thị Quý Nhất, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Đợt tập huấn là một bước chuẩn bị cho việc tham gia Liên hoan Hô, hát bài chòi dân gian lần thứ V-2017, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tiếp xúc, thực hành hô, hát theo các làn điệu bài chòi dân gian cho những người yêu thích. Đồng thời tại lớp tập huấn, các nghệ nhân còn hướng dẫn, phục dựng nhân rộng mô hình tổ chức hội đánh bài chòi dân gian”.
Thực tế cho thấy, các đợt tập huấn cho kết quả tích cực. Nhiều cán bộ làm công tác văn hóa ở các địa phương sau tập huấn đã nắm bắt được phương pháp, cách tổ chức hội đánh bài chòi dân gian và ứng dụng thành công ở cơ sở. Không chỉ tại Quy Nhơn, một số hạt nhân ở đây đã hỗ trợ một số địa phương khác trong tỉnh tổ chức hội đánh bài chòi dân gian.
“Thực tế cho thấy, các đợt tập huấn cho kết quả tích cực. Nhiều cán bộ làm công tác văn hóa ở các địa phương sau tập huấn nắm bắt được phương pháp, cách tổ chức hội đánh bài chòi dân gian và đã ứng dụng thành công ở cơ sở”
Mấy năm gần đây, vào các dịp lễ tết, đặc biệt là vào Tết Nguyên đán, Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đã tổ chức hội đánh bài chòi dân gian phục vụ nhân dân vui xuân đón tết. Đặc biệt, Trung tâm đã nỗ lực duy trì thường xuyên việc tổ chức các hội bài chòi phục vụ người dân và du khách vào 3 đêm cuối tuần. Nhờ vậy, TP Quy Nhơn đã xây dựng được lực lượng hiệu có chất lượng cao, đủ phục vụ các hội đánh bài chòi ở địa phương.
Ông Nguyễn Dư (69 tuổi), thành viên đội bài chòi cổ xã Nhơn Hải, tâm sự: “Đội bài chòi cổ xã Nhơn Hải hiện có 8 hiệu, đáng chú ý là ngoài lớp trung niên ra, gần đây đã bồi dưỡng thêm một vài hiệu trẻ - đang là học sinh - tham gia... Để tổ chức được hội đánh bài chòi cổ, trước hết chính quyền phải ủng hộ. Ở Nhơn Hải, UBND xã hỗ trợ kinh phí, vận động mọi người cùng tham gia tổ chức. Hội đánh bài chòi ở Nhơn Hải luôn thu hút đông đảo người dân là nhờ vậy. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên nâng cao chất lượng tổ chức phục vụ, giá bán thẻ bài chơi hội phù hợp với khả năng mua của người dân”.
Cần tiếp tục quan tâm
Do gặp nhiều khó khăn chưa thể tháo gỡ, Hội đánh bài chòi cổ định kỳ vào các đêm cuối tuần, do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức ở TP Quy Nhơn, sau mấy năm nỗ lực duy trì, đã tạm dừng gần nửa năm qua. Hiện ở TP Quy Nhơn, các xã như Nhơn Hải, Nhơn Châu... cũng tự tổ chức hội đánh bài chòi cổ và được nhân dân địa phương ủng hộ rất nhiệt tình.
“Nhờ hội đánh bài chòi cổ ở Quy Nhơn vào dịp cuối tuần, chúng tôi mới có cơ hội phục vụ đông đảo mọi người, có điều kiện giữ được nghề, đồng thời phần nào có thêm nguồn thu nhập. Khá nhiều hiệu mới, trẻ tuổi qua việc phục vụ tại các hội bài chòi đã được cọ xát để dần vững vàng hơn. Rất mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm tổ chức hội đánh bài chòi cổ”, nghệ nhân ưu tú Minh Đức bày tỏ.
Nhu cầu được thưởng thức bài chòi cổ dân gian là có thật, chỉ có điều để nó thành nhu cầu thường xuyên như người ta đi xem phim, kịch, ca nhạc, rất cần sự hỗ trợ lâu dài. Ở Quy Nhơn, thời gian đầu, có lẽ các phường, xã nên vận động các nguồn lực từ cộng đồng để mỗi năm có thể tổ chức các hội đánh bài chòi cổ vào các dịp như: Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2.9, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.
Ông Nguyễn An Pha - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, người nhiều năm gắn bó với công tác tập huấn, giám khảo cho các hội thi diễn xướng bài chòi dân gian, đề xuất: “Ngày xưa, ông bà mình tổ chức hội đánh bài chòi cổ vào dịp Tết cổ truyền, thông qua việc thành lập ban tổ chức của thôn, làng, rồi chia làm 2 tổ đi vận động từng nhà đóng góp tiền, vật liệu, hoặc ngày công... Sau mỗi đợt tổ chức hội đánh bài chòi, tổng kết lại nếu dư thì bỏ vào quỹ năm sau tổ chức tiếp, còn thiếu thì xúc lúa trong kho của làng ra bán lấy tiền bù vào. Ta có thể tham khảo cách vận động nguồn lực xã hội hóa linh hoạt như ngày xưa. Theo tôi, UBND TP Quy Nhơn nên có văn bản chỉ đạo cụ thể cho xã, phường vận động xã hội hóa tổ chức hội đánh bài chòi cổ vào các dịp lễ, tết. Từ đó, các nhà tài trợ, người dân cùng chung tay ủng hộ bảo tồn di sản, đồng thời có được sân chơi sinh hoạt văn hóa dân gian bổ ích”.
HOÀI THU