KIỂM TRA TÌNH HÌNH MƯA LŨ TẠI CÁC ÐỊA PHƯƠNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY NGUYỄN THANH TÙNG CHỈ ĐẠO:
“Khẩn trương ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân”
* Mưa lớn trên diện rộng, lũ lên nhanh
(BĐ) - Ngày 15.12, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại các địa phương trong tỉnh. Cùng đi với Bí thư Tỉnh ủy có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng kiểm tra luồng lạch ra vào Cảng cá Tam Quan, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) và chỉ đạo huyện Hoài Nhơn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu cá của ngư dân.
Tại huyện Hoài Ân, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã kiểm tra thực tế cầu Nhơn An (ở thôn Nghĩa Nhơn, xã Ân Nghĩa) bị mưa lũ gây sụp lún 2 trụ cầu, làm cầu uốn cong; kiểm tra cầu Suối Tem và 5 ha đất sản xuất ở thôn T2, xã Bok Tới, bị mưa lũ đợt trước sa bồi thủy phá, vừa được huyện Hoài Ân khắc phục xong, nay lại ngập và hư hỏng hoàn toàn.
Sáng 15.12, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và các địa phương trong tỉnh dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với lũ lụt. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện ngay việc cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ cho nhân dân vùng ngập lũ; kiểm tra, rà soát các khu vực trũng thấp, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động triển khai phương án sơ tán dân; đồng thời, tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người dân qua lại các đoạn đường bị ngập nước; kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa nước; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn...
Bí thư Tỉnh ủy cũng đã kiểm tra cầu tràn Gò Dũng (ở thôn T2, xã Bok Tới) bị ngập sâu, nước lũ chảy xiết làm xói lở toàn bộ 2 đường dẫn cầu, gây chia cắt giao thông 4 thôn trong xã; thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gia đình Bá Phiếu, ở cạnh cầu tràn Gò Dũng; kiểm tra mức độ an toàn cầu Bú Nú (ở thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa) mới được khắc phục tạm.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Hoàng Phi Long cho biết, mưa lớn đã làm mực nước sông An Lão và Kim Sơn dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng. Toàn huyện có 3.606 ngôi nhà dân, 2.800 giếng nước ở các xã Ân Tường Tây, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Đức Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ tiếp tục bị ngập sâu trở lại; 3 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn, 10 ngôi nhà khác bị hư hỏng. Hệ thống giao thông, thủy lợi và 47 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá trong đợt lũ trước, vừa khắc phục tạm, nay tiếp tục bị hư hỏng; hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi…
Cầu tràn Gò Dũng, ở thôn T2, xã Bok Tới (Hoài Ân) bị ngập sâu, nước lũ chảy xiết gây xói lở toàn bộ 2 đường dẫn cầu, chia cắt giao thông 4 thôn trong xã.
Tại huyện Hoài Nhơn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã đi kiểm tra luồng lạch ra vào Cảng cá Tam Quan (xã Tam Quan Bắc); tình hình ngập lũ ở xã Hoài Châu Bắc; thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gia đình bà Nguyễn Thị Ảnh (ở thôn Hy Thế, xã Hoài Châu Bắc) - nạn nhân bị thiệt mạng do mưa lũ.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND Hoài Nhơn, cho biết: Mưa lớn xảy ra từ ngày 13 - 15.12 đã gây ngập và chia cắt các xã: Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Châu Bắc, Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Thanh, Hoài Hảo… Trên địa bàn huyện có 1 người bị chết do lũ là ông Lê Văn Còn (ở thôn An Sơn, xã Hoài Châu). Mưa lũ cũng làm sập 7 nhà dân, 5 ngôi nhà khác bị hư hỏng; thêm 1.245 ha lúa Đông Xuân 2016 - 2017 bị ngập và 8 ha hoa màu bị hư hỏng; 2.964 con gia súc, gia cầm bị chết; 45 km bờ suối bị sạt lở và 16,5 km đường giao thông bị sạt lở; 9 chiếc cầu bị cuốn trôi và hư hỏng. Thiệt hại ước tính 15 tỉ đồng.
Quốc lộ 1 A đoạn qua xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) bị ngập sâu khoảng 0,5 m, ngành chức năng phải di dời khẩn cấp dải phân cách trên quốc lộ để nước lũ tiêu thoát, hạn chế ách tắc giao thông.
Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ gia đình có người bị chết, bị thương do mưa lũ và huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lũ. Trong đó, với các hộ có nhà bị sập, hư hỏng, phải hỗ trợ để người dân xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa để kịp đón Tết cổ truyền. Những điểm cầu, bờ tràn bị hư hỏng, ngập lũ, nước chảy xiết, phải cử lực lượng túc trực, không để dân qua lại; những vùng bị ngập lũ, phải khẩn cấp hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống không để người dân bị đói, rét; những vùng có nguy cơ bị sạt lở, vùng bị ngập sâu, phải di dời người dân đến nơi an toàn. Sau khi lũ rút, tập trung mọi nguồn lực để khắc phục các tuyến giao thông, thủy lợi bị hư hỏng để giao thông đi lại được thông suốt. Các địa phương trích ngân sách khắc phục hậu quả mưa lũ, hoàn thiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi xung yếu đã được tỉnh đồng ý về chủ trương và phê duyệt dự án để tìm nguồn vốn thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng kiểm tra tình hình ngập lũ các khu dân cư ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn).
Sau khi kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng cũng đã đi kiểm tra tình hình ngập lũ trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), Cát Trinh (huyện Phù Cát) và tình hình ngập lũ tại xã Phước Quang (huyện Tuy Phước); đồng thời chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Sở GD&ĐT cho toàn bộ học sinh nghỉ học, đề phòng học sinh bị lũ cuốn trên đường đi học, đi học về.
* Tại Vĩnh Thạnh, mưa lớn đã gây sạt lở tuyến đường ven hồ Định Bình tại khu vực K7; đường đến làng Đak Tra, đường đèo Vĩnh Sơn bị sạt lở nghiêm trọng; toàn bộ các làng của Vĩnh Kim như O2, O3, O5, Đak Tra, K6 bị cô lập. Tuyến đường ĐT 637, nước ngập nhiều đoạn. Mưa lớn cũng làm hàng trăm hecta ruộng mới sạ và hoa màu bị ngập chìm trong biển nước. Hiện chưa thống kê được mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Đưa mì tôm, nước uống vào cứu trợ người dân xóm Bắc, thôn Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa). Ảnh: NGUYỄN HÂN
* Chiều 15.12, trao đổi với P.V Báo Bình Định, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Từ sáng 15.12, nước lũ đầu nguồn đổ về đã gây cô lập hoàn toàn 8/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Với dự báo trong đêm 15.12, nước lũ tiếp tục lên, có khả năng uy hiếp đến tính mạng và tài sản của các hộ dân sống ven đầm Thị Nại thuộc các xã khu Đông của huyện gồm: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng, ngay chiều 15.12, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tuy Phước đã họp khẩn và yêu cầu các địa phương trên triển khai ngay phương án di dời dân trong vùng nguy hiểm của lũ đến nơi an toàn theo phương án đã được UBND huyện phê duyệt; thời gian di dời dân kết thúc trước 19 giờ cùng ngày. Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Trên địa bàn huyện có khoảng 1.400 hộ dân, với gần 7.000 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm cần di dời.
Nhiều khu vực ở Phù Mỹ chìm trong lũ. Ảnh: XUÂN LỘC
* Ngày 15.12, huyện Phù Mỹ có mưa to, cộng với việc hồ Hội Sơn xả lũ 400m3/giây đã làm nước dâng cao, gây ngập trên khắp địa bàn. Nước lũ làm em Đinh Bá Tiến (4 tuổi; ở thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh Tây) bị chết đuối; 1 ngôi nhà ở xã Mỹ Chánh bị sập; hàng ngàn hecta hoa màu chìm sâu trong nước lũ; hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu 0,5 - 1m. Hiện nhiều đoạn trên tuyến tỉnh lộ 632 bị ngập sâu, gây cô lập các xã khu Đông của huyện: Mỹ Tài, Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Thọ, Mỹ Thành…
* Dự báo từ nay đến hết ngày 17.12, khu vực tỉnh ta bị ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, nên sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa khoảng 300 - 400 mm/đợt). Các sông trong tỉnh xuất hiện lũ lớn, đỉnh lũ ở mức báo động II- III, có nơi trên báo động III.
TIẾN SỸ - X.DŨNG - T.TRỌN- X.LỘC - X.VINH - X.THỨC
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ ngày 14-15.12, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa bình quân 143 mm. Ðến 16 giờ ngày 15.12, mực nước lũ trên các sông trong tỉnh từ trên báo động II đến trên báo động III; lưu lượng nước đến hồ Ðịnh Bình 2.375 m3/giây, đơn vị quản lý hồ đã điều tiết lưu lượng qua tràn 2.118 m3/giây. Ðập dâng Văn Phong đã mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ. Lúc 16 giờ ngày 15.12, lưu lượng đến 2.496 m3/giây, lưu lượng qua tuyến đập là 2.236 m3/giây.
Ðến chiều 15.12, nước lũ đã khiến 26 xã vùng khu Ðông các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Quy Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… lâm vào cảnh cô lập.
Trao đổi với P.V Báo Bình Ðịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: “Ðến chiều 15.12, tất cả hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đã đầy nước và đang điều tiết nước lũ qua tràn để bảo đảm an toàn hồ chứa. Toàn tỉnh có 166 hồ chứa nước, trong đó, có 46 hồ chứa nước đang trong tình trạng nguy cấp. Hiện các hồ chứa này phần lớn đã bị thẩm thấu nước qua thân đập và nền đập, hư hỏng nhiều vị trí. Nếu không khắc phục kịp thời, chắc chắn sẽ xảy ra sự cố. Hiện rất đông các lực lượng đang được huy động để bố trí ứng trực 24/24 giờ tại các công trình thủy lợi xung yếu để đối phó với mưa lũ”.
T.SỸ - N.HÂN