Mưa lớn tiếp tục diễn ra, khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Mưa lớn liên tục trong 4 ngày qua (từ 12-16.12) đã làm nước lũ trên các sông dâng cao. Đến chiều 16.12, nước lũ đã khiến hầu hết xã tại các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, TP Quy Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… lâm vào cảnh cô lập, người dân không thể di chuyển ra ngoài, đang chờ được tiếp tế lương thực, mì tôm, nước uống… và di dời khỏi vùng nguy hiểm. Trong khi đó, 166 hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh đã đầy nước, nhiều hồ đang trong tình trạng nguy cấp do rò rỉ nước qua thân đập.
* Hoài Nhơn: Cứu được 7 người dân bị cô lập giữa dòng Lại Giang
Sáng 16.12, ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện cùng các thành viên BCH PCTT và TKCN huyện đã chở mì tôm và nước uống xuống các xã Hoài Mỹ và Hoài Hải. Đây là 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất để cứu trợ, đồng thời chỉ đạo di dời dân ở các vùng bị cô lập.
Trong ngày, lực lượng cứu hộ đã dùng ca nô ứng cứu 7 người dân mắc kẹt giữa dòng lũ ở cuối dòng sông Lại Giang từ chiều 15.12 vào bờ an toàn. Trước đó, 7 người dân này ra canh hồ tôm ở cồn cát giữa dòng Lại Giang 2 xã Hoài Hương và Hoài Mỹ, do nước lớn nhanh, tiếc của, 7 người dân không chịu vào bờ, đến khi nước lớn nhanh và chảy xiết thì không thể vào được.
* Lữ đoàn pháo binh 572 điều động 150 cán bộ, chiến sỹ cứu hộ người dân vùng bị lũ cô lập
Sáng 16.12, Lãnh đạo Lữ đoàn Pháo binh 572 đã điều động 150 cán bộ, chiến sỹ đến các địa phương trong tỉnh để giúp di dời người dân ra khỏi vùng bị lũ cô lập.
Tại 2 thôn Lương Thái và Lương Trung (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) 50 cán bộ, chiến sỹ do Trung tá Nguyễn Đình Sỹ, Phó Chủ nhiệm chính trị chỉ huy đã dùng nhiều ca nô đưa 30 người già, trẻ em và phụ nữ mang thai đang bị mắc kẹt trong vùng bị lũ cô lập đến nơi an toàn. Đồng thời vận chuyển 6 chuyến hàng gồm nước uống, mì tôm và các nhu yếu phẩm khác cho người dân ở những vùng không có điều kiện nấu ăn.
CBCS Lữ đoàn 572 di dời người dân xã Mỹ Chánh ra khỏi vùng bị lũ cô lập
Tại xã biển Cát Khánh (huyện Phù Cát), Trung tá Nguyễn Trường Sơn , Phó Chính ủy Lữ đoàn cùng 50 cán bộ, chiến sỹ đội mưa vận chuyển dầu từ các tàu của ngư dân bị sóng biển đánh vỡ vào bờ; tháo dỡ ván và các thiết bị từ tàu bị hỏng đưa vào đất liền đồng thời giúp ngư dân sắp xếp ghe tàu đậu cho đúng hướng, tránh bị sóng va đập làm vỡ tàu.
Tại huyện thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, do mưa lớn làm sạt lở một khối lượng đất trên núi xuống hồ Vạn Hội gây ra mực nước dâng cao có nguy cơ vỡ hồ. Thượng tá Nguyễn Văn Phước, Phó Chính ủy Lữ đoàn 572 cùng 50 cán bộ, chiến sỹ đang túc trực tại địa phương để ứng cứu nếu hồ bị vỡ.
* Hoài Ân: Hồ Vạn Hội mất an toàn do lở núi
Theo nhân dân địa phương, đêm 15 rạng sáng 16.12, một mặt núi trong hồ Vạn Hội tại xã Ân Tín huyện Hoài Ân đã trượt đất và gây một tiến nổ lớn, một cột nước như sóng thần cao hơn 10 mét đã tràn qua thân đập làm cho toàn bộ nhà hệ thống xả lũ, hệ thống cột điện lưới, mái đập hạ lưu bị hư hỏng và đặc biệt là hệ thống xả lũ không điều khiển được đã gây mất an toàn cho hồ chứa và uy hiếp tính mạng của người dân ở vùng hạ lưu. Ngay trong sáng 16.12, lãnh đạo huyện Hoài Ân và Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã cử lực lượng và phương tiện để khắc phục.
Núi vẫn đang tiếp tục lở
Ông Nguyễn Trọng Phú – Phó giám Đốc công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho biết: hiện nay cán bộ kỹ thuật đang tập trung khắc phục nhưng tình hình hết sức khó khăn vì toàn bộ hệ thống điện lưới và điện điều khiển, cáp và nhiều thiết bị khác đã bị hỏng, cuốn trôi, có 2/3 cửa đóng xả bị vênh không thể điều khiển được. Hiện lượng nước xả đạt 60m3/s, hiện nay trời vẫn tiếp tục mưa và núi đang tiếp tục lở nên nguy cơ mất an toàn rất cao nếu không khắc phục kịp.
Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân chúng tôi đã chỉ đạo xã Ân Tín tổ chức di dời dân vùng trủng, thấp ở hạ lưu của hồ đến nơi an toàn, cử lực lượng hỗ trợ cho ban quản lý hồ để khắc phục sửa chữa. Liên tục theo dõi và báo động kịp thời để cho nhân dân biết để giảm thiệt hại về người và tài sản nếu có sự cố xảy ra.
Nhân dân đến rất đông theo dõi nắm tình hình để di dời đến nơi an toàn
Hiện nay ở Hoài Ân nước lũ vẫn đang rất cao, giao thông bị chia cắt trên toàn huyện, việc tiếp tế nước uống, mì tôm cho các hộ bị ngập được thực hiện khẩn trương, không để hộ dân nào bị đói, khát. Trong 2 ngày qua, mưa lũ đã làm 2 người chết.
* Nước lũ tiếp tục dâng cao, có khả năng hơn lũ năm 2013
Đến 13 giờ 30 chiều 16.12, nước lũ từ thượng nguồn vẫn đổ về mạnh và dâng cao, thêm nhiều khu dân cư ở các địa phương như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, TP Quy Nhơn… ngập sâu. Anh Mang Đình Lê, ở khu vực Liêm Trực, phường Bình Định (thị xã An Nhơn), cho biết: Lúc 10 giờ nước còn ở ngoài ngõ nhưng 2 giờ sau nước đã vào nhà lội đến đầu gối và đang tiếp tục lớn rất nhanh”. Nước lũ tiếp tục lên nhanh và tràn qua cổng thành thị xã An Nhơn, gây ngập sâu các cơ quan hành chính của thị xã. Theo người dân địa phương, đây là trận lũ lịch sử chưa từng xảy ra tại địa phương. Đợt lũ này còn nghiêm trọng hơn cả trận lũ năm 2013.
Nước lũ đổ về nhanh đường Hùng Vương đoạn qua cầu Đôi, TP Quy Nhơn bị ngập sâu. Ảnh: N.PHÚC
Nhiều nhà dân ở khu vực Phú Sơn (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) bị nước lũ ngập gần đến mái. Ảnh: N.PHÚC
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Định, mực nước lũ trên các sông trong tỉnh dao động ở mức cao, dự kiến chiều nay, mực nước lũ sông Kôn tại Thạnh Hòa (thị xã An Nhơn) khả năng đạt mức 9,50m trên báo động III 1,50m, dưới lũ lịch sử năm 2013 (9,68m) là 0,18m. Hiện nay, tất cả các hồ chứa đã đầy nước; các hồ có tràn xả sâu đang chủ động điều tiết nước về hạ du. Mực nước hồ Định Bình lúc 10 giờ sáng 16.12 ở cao trình 93,48m; lưu lượng đến 2.555m3/s, qua tràn 2.555m3/s. Đập dâng Văn Phong đã mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ. Lúc 10 giờ ngày 16.12, lưu lượng đến 3.408m3/s, lưu lượng qua tuyến đập là 3.408m3/s.
Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong lũ, các lực lượng đến di dời nhưng họ không rời nhà vì lo sợ heo, bò ở lại sẽ bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: N.PHÚC
Bộ CHQS tỉnh vào tận nhà bị ngập sâu đưa vợ chồng ông Trần Đình Thông (78 tuổi) và bà Lâm Thị Khánh (77 tuổi), ở khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) đến nơi an toàn. Ảnh: N.PHÚC
Do nước lũ ngập sâu, người dân dắt bò lên đường quốc lộ tránh lũ. Ảnh: N.PHÚC
Đoạn đê phường Bình Định (thị xã An Nhơn) bị nước lũ tràn qua có nguy cơ bị vỡ nên sáng sớm 16.12, lực lượng quân đội và dân quân đã dùng các ống cống chắn ngang bảo vệ đê. Ảnh: N.PHÚC
Sáng 16.12, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng (thứ 2 từ phải sang) đã đi kiểm tra và chỉ đạo việc di dời người dân bị ngập sâu ở thị xã An Nhơn. Ảnh: N.PHÚC
Lực lượng và phương tiện của các LLVT tỉnh và Quân khu 5 được huy động tổng lực để di dời dân vùng bị ngập sâu. Ảnh: N.PHÚC.
Tuyến đường Lê Hồng Phong bị nước lũ ngập sâu từ 0,5-1m. Ảnh Nguyễn Hân
Cổng thành Bình Định bị nước lũ chảy qua. Ảnh Nguyễn Hân
Một ngôi nhà ở khu Thanh Niên, phường Bình Định chưa kịp dọn đồ đạc đã bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh Nguyễn Hân
Lực lượng bộ đội dùng ca nô sơ tán dân tại các khu vực bị trũng thấp. Ảnh Nguyễn Hân
* Mưa lũ làm 2 người mất tích, 2 người chết
(BĐ) - Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 13 giờ ngày 16.12, đợt lũ thứ 4 (từ ngày 11-16.12) đã làm 2 người mất tích, 2 người chết. Cụ thể: gồm anh Nguyễn Trịnh Liêm (SN 1980) ở thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận (Tuy Phước) khi đi qua tràn Mỹ Cang bị nước lũ cuốn trôi lúc 16 giờ 40 ngày 15.12; đến nay, vẫn chưa tìm thấy xác. 1 thanh niên chưa xác định được danh tính cũng bị nước lũ cuốn trôi vào chiều 15.12 tại thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân), đến nay vẫn chưa tìm thấy xác.
2 người chết gồm: bà Đỗ Cao Ly, 65 tuổi ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) bị rắn cắn chết khi đang dọn nhà chạy lũ. Và em Nguyễn Tuấn Khang, 11 tuổi ở tổ 3, khu vực 11, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) bị núi Bà Hỏa sạt lở chôn vùi vào lúc 14 giờ 30 ngày 15.12.
N. HÂN
* Phù Cát: Nhiều tàu cá bị trôi, chìm và hư hại do lũ
(BĐ) - Thượng tá Nguyễn Đăng Kỵ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đề Gi (Phù Cát), cho biết: Trong đêm 15 và rạng sáng 16.12, nước lũ từ thượng nguồn đổ về ào ạt đã cuốn trôi, nhấn chìm, hư hại nhiều tàu cá của ngư dân đang neo đậu tại đầm Đề Gi. Qua thống kê sơ bộ có 16 tàu cá bị cuốn trôi, 4 tàu cá bị nước lũ nhấn chìm và nhiều tàu bị hư hại do nước lũ chảy xiết làm va đập mạnh, một số tàu cá bị nước lũ chảy xiết cuốn tấp lên bờ cát.
Nước lũ đồ về mạnh đã làm thiệt hại nhiều tàu cá của ngư dân ở Phù Cát. Ảnh: Nguyễn Phúc
Theo thượng tá Nguyễn Đăng Kỵ, Đồn biên phòng đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương và ngư dân dùng tàu có công suất lớn để ra kéo các tàu cá bị cuốn trôi vào lại cửa biển nhưng do nước lũ chảy xiết, kèm với gió to, sóng lớn nên không thể kéo các tàu cá bị trôi vào bờ.
* Quốc lộ 19 và quốc lộ 1 ngập sâu trong lũ, giao thông chia cắt
Đến 12 giờ ngày 16.12, nước lũ lên nhanh đã gây ngập cục bộ nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 19. Tại quốc lộ 1, nước lũ đã gây ngập úng cục bộ đoạn qua khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn). Hiện phương tiện lưu thông qua nơi này gặp nhiều khó khăn.
Nước lũ đổ về nhanh, ngấp nghé mặt cầu Bà Di. Ảnh: Trọng Lợi.
Trong khi đó, trên quốc lộ 19, đoạn qua khu vực Huỳnh Kim, cách cầu vượt Bà Di về phía Tây chừng 100m cũng đang bị ngập sâu trong nước gần 1m. Giao thông bị chia cắt.
Trước tình hình này, sáng 16.12, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh phối hợp cùng lực lượng Thanh tra giao thông Sở GTVT, Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh đã có mặt tại hiện trường điều tiết, phân luồng, hỗ trợ cho người dân qua lại.
Quốc lộ 19 qua khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) bị ngập sâu. Ảnh: Trọng Lợi.
Trưa 16.12, ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: “Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 16.12, nước lũ từ hệ thống sông Kôn lên nhanh, gây ngập úng toàn bộ tuyến quốc lộ 19 qua khu vực Huỳnh Kim. Sở GTVT phối hợp với ngành chức năng cử lực lượng đến nơi bị ngập điều tiết, phân luồng giao thông, nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại”.
Lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh đã có mặt để hỗ trợ người dân bị ngập lũ ở khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn). Ảnh: Trọng Lợi.
Xe tải đưa người dân vượt lũ. Ảnh: Trọng Lợi.
Nhiều ngôi nhà ở khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) bị ngập sâu trong lũ. Ảnh: Trọng Lợi.
* Tây Sơn: Nước lũ lên nhanh, nhiều khu vực bị ngập nặng
(BĐ) – Bà Nguyễn Thị Thống, Chánh văn phòng UBND huyện Tây Sơn, cho biết, do lượng mưa lớn cộng với nước từ trên thượng nguồn đổ về nhiều nên bắt đầu sáng 16.12, 10/15 xã, thị trấn của huyện bị ngập nặng với 4.609 hộ, đã có 1 nhà bị sập. Một số xã bị ngập nặng và có nhiều thôn, xóm bị nước lũ cô lập như: 3 xóm của thôn Phú Lạc (Bình Thành) với 400 hộ, 1.200 nhân khẩu; Khối 1A, khối Phú Xuân (thị trấn Phú Phong) với 1.067 hộ với 4.953 khẩu; các xóm: Xóm Đồng, xóm Đình, thôn Lai Nghi, xóm Trung, thôn 3, Xóm Trung, thôn 1 (xã Bình Nghi) với 270 hộ với trên 1.000 nhân khẩu.
Một nhà thuộc xóm 6 thôn Hòa Trung, xã Bình Tường bị ngập. Ảnh: H.Phúc
Riêng tuyến đường Tây tỉnh đoạn qua thôn Thuận Truyền (xã Bình Thuận) bờ mương kênh Văn Phong bị vỡ tràn vô đã phá hủy một đoạn đường dài 50 mét. Các tuyến Quốc lộ 19B đoạn tại Bảo tàng Quang Trung, Quốc lộ 19 qua địa bàn xã Tây Giang, tuyến đường từ thị trấn Phú Phong đi Khu du lịch Hầm Hô có đoạn bị ngập sâu trên 1 mét, tất cả các phương tiện không thể qua lại. Tại xã Tây Bình sạt lở trên 100 mét kênh mương nội đồng gây sa bồi thủy phá.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết: “Hiện nay, tất cả các thôn trong xã đều bị ngập. Đối với sự cố sập 50 mét tuyến đường Tây tỉnh, trong sáng nay chúng tôi đã huy động lực lượng và phương tiện đang tiến hành gia cố, tạm thời cử người trực không cho người dân và phương tiện qua lại khu vực này”.
Một khu vực tại thị trấn Phú Phong bị nước sông Côn bao vây. Ảnh: H.Phúc
Tại xã Bình Tường, mực nước sông Côn từ tối 15 đến sáng 16.12 bắt đầu dâng cao khiến cho các khu vực như xóm 6, 7 thôn Hòa Trung, xóm 4 thôn Hòa Sơn bị cô lập. Riêng 120 ha lúa bà con trong xã mới xuống giống đã bị nước lũ cuốn trôi. Đặc biệt vào chiều tối ngày 15.12 xảy ra sạt lở núi tại xóm 3, thôn Hòa Sơn, rất may không gây thương vong về người, nhưng đã gây sập chuồng gà diện tích 300m2 và làm chết 1.200 con gà của bà Tần Thị Lâm, xóm 3.
Hiện nay, huyện Tây Sơn đang khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện di dời người dân ở gần sông Côn, các suối nguy hiểm đến các khu vực an toàn hơn.
Tuyến đường từ Quốc lộ 19 vào thôn Phú Hòa (xã Tây Xuân) đã bị ngập sâu, người dân phải đi bằng sõng để vào nhà. Ảnh: H.Phúc
Nhà dân nằm ven Quốc lộ 19 bị nước lũ bao vây. Ảnh: H.Phúc
Nước từ thượng nguồn đổ về Đập dâng Văn Phong rất nhiều. Ảnh: H.Phúc
* Thị xã An Nhơn: Di dời khẩn cấp 337 hộ dân ra khỏi vùng ngập lũ
Quốc lộ đoạn qua khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Tiến Sỹ
Đêm 15 và sáng 16.12, mưa lũ lớn đã làm ngập hàng ngàn hộ dân ở thị trấn Đập Đá, phường Nhơn Hòa và các các xã: Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc… Riêng tại xã Nhơn Hòa, QL 19 thuộc địa bàn khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa bị ngập sâu, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Trên địa bàn phường Nhơn Hòa có nhiều hộ dân bị ngập sâu trong nước, nước lũ uy hiếp đến tính mạng của người dân. Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch Phường Nhơn Hòa, cho biết: Mưa lũ làm ngập khoảng 2.000 hộ dân ở hầu khắp các khu vực trong phường. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đến 7 giờ sáng 16.12, chúng tôi đã di dời khẩn cấp 15 hộ dân ở khu vực Huỳnh Kim và đang huy động di dời khoảng thêm 60 hộ nữa đến nơi an toàn.
Lực lượng quân đội, Công an tỉnh và thị xã An Nhơn sử dụng ca nô di dời khẩn cấp các vùng bị ngập lũ đến nơi an toàn. Ảnh: Tiến Sỹ
Ông Đặng Vĩnh Sơn, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: Đêm 15 và sáng 16.12, có 337 hộ dân với 1.380 nhân khẩu ở những vùng ngập lũ nguy hiểm tại Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Hòa, Nhơn Hòa, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh… đã được di dời đến nơi an toàn.
Hiện, công tác di dời dân khỏi vùng ngập lũ tiếp tục được thị xã triển khai rất khẩn trương. Đến thời điểm này, lực lượng Công an tỉnh và Công an thị xã An Nhơn đã huy động 150 người, cùng 5 ca nô khẩn cấp di dời người dân đang ở các vùng bị ngập lụt nặng tại địa phương này.
* Người dân Hoài Nhơn trắng đêm chạy lũ
Mưa to cộng với nước từ thượng nguồn đổ về làm cho nhiều địa phương của huyện Hoài Nhơn bị ngập sâu trong nước. Mặc dù người dân đã chủ động dọn nhà cửa tài sản lên cao nhưng do nước lên quá nhanh nên người dân Hoài Nhơn gần như thức trắng đêm chạy lũ.
Vào lúc 20h tối 15.12, mưa lũ làm nước sông Lại Giang tại Bồng Sơn lên hơn 8m, ở mức báo động 3, đến 2h30 sáng 16.12 mực nước cao hơn mức báo động 3 gần 0,4m, gần 2.900 nhà dân trong huyện bị ngập sâu trong nước, các địa phương vùng thấp trũng tiếp tục bị cô lập. Trước diễn biến phức tạp do mưa lũ, hàng nghìn hộ dân trong huyện thực hiện sơ tán lên các điểm cao hơn ngay trong đêm để tránh lũ.
Tại thị trấn Bồng Sơn, hàng trăm nhà dân bị ngập sâu trong nước, người dân đã tranh thủ vận chuyển một số tài sản lên đoạn cao hơn. Bà Lê Thị Hồng Thủy, ở khối Trung Lương, Thị trấn Bồng Sơn cho biết: “Lũ lớn quá nên gia đình tôi cùng 4 hộ hàng xóm vận chuyển gia súc lên trên bờ đê để tránh lũ, nhà cửa ngập sâu trong nước nên không ai dám ở lại”.
Chuyển hàng cứu trợ mì tôm và nước uống vào tận nhà dân thôn Vĩnh Phụng 1, xã Hoài Xuân. Ảnh: Tấn Đạt
Còn tại xã Hoài Đức, mặc dù đã 22h đêm nhưng số người dân cần phải sơ tán vẫn còn, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã liên tục nhận được thông tin yêu cầu được hỗ trợ từ người dân. Xã đã điều tất cả các ghe thuyền trong địa phương để giúp người dân chạy lũ. Ông Trần Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Hoài Đức cho biết: “Ngay từ chiều xã đã phân công các lực lượng xuống từng thôn, đặc biệt là các thôn bị ngập sâu để giúp người dân dọn đồ đạc và đưa người dân đi sơ tán, đến nay về người trên địa bàn xã đều được đảm bảo an toàn, xã cũng chuẩn bị một số nhu yếu phẩm thiết yếu để giúp người dân tránh lũ, không để dân bị đói, rét”.
Anh Bùi Thế Hùng ở thôn Bình Chương xã Hoài Đức cho biết: “Do đồ đạc trong nhà quá nhiều nên 2 cha con ráng ở lại để đưa lên cao, không ngờ nước lên nhanh quá đến khi muốn ra thì không lội được phải nhờ lực lượng cứu hộ ở địa phương chèo ghe đến đưa ra, 2 cha con chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo để chạy lũ”.
Huy động lực lượng công an vượt qua biển nước vận chuyển hàng cứu trợ đến thôn Vĩnh Phụng 2, xã Hoài Xuân. Ảnh: Tấn Đạt
Theo thống kê mới nhất của BCH PCTT&TKCN huyện Hoài Nhơn, đến sáng 16.12 mưa lũ đã làm thêm 1 người chết, 1 người mất tích, nâng tổng người chết, mất tích, bị thương trong các đợt mưa lũ từ ngày 29.11 đến nay lên 7 người, gần 2.900 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, 7 nhà bị sập có nhà ngập trên 5m, hàng ngàn con gia súc gia cầm bị nước cuốn trôi cùng nhiều tài sản của người dân bị nhấn chìm trong biển nước.
Đến nay, mực nước ở sông Lại Giang đã rút dần nhưng vẫn còn ở mức báo động 3, hầu hết các địa phương trong huyện vẫn đang bị cô lập. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện vẫn đang đi kiểm tra tình hình mưa lũ, huy động tất cả các lực lượng tham gia giúp dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm; sử dụng ca nô, tàu thuyền để tiếp cận đối với các nhà dân bị cô lập, tiếp tế mì tôm, thực phẩm và thuốc men để người dân không bị đói rét cũng như dịch bệnh phát sinh trong và sau lũ; chỉ đạo các địa phương trực 24/24 giờ để kịp thời đối phó với những diễn biến phức tạp do mưa lũ gây ra.
* Tuy Phước, An Nhơn: Hàng ngàn hộ dân chìm sâu trong lũ
Sáng 16.12, nước lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng rất lớn, làm hàng ngàn hộ dân ở các xã vùng rốn lũ Khu Đông Tuy Phước như Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang và khu vực vùng trũng của TX An Nhơn như phường Nhơn Hòa, Nhơn An, Nhơn Thành, Nhơn Hưng bị ngập sâu trong nước. Đời sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn.
Gia đình bà Phạm Thị Phát khẩn trương đắp bờ, ngăn nước chảy gây xói nhà. Ảnh: Trọng Lợi.
Tại xã Phước Lộc (Tuy Phước), nước lũ đang gây ngập trên diện rộng. Các khu dân cư ở thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Đại Tín, Trung Thành, Quảng Tín bị nước lũ chia cắt. Đáng lo nhất lúc này, nước lũ trên sông Cầu Gành (nhánh sông Kôn) đang lên rất nhanh, chảy xiết đã gây ngập úng toàn bộ khu vực xóm Đông Huỳnh Kim. Hiện hơn 200 hộ dân sinh đang gồng mình chống lũ. “Lường trước mức độ nguy hiểm của đợt lũ lần này, nên từ sáng sớm tới giờ, tôi và hai nhà hàng xóm đang đổ cát bao tải đắp, ngăn cản nước chảy xiết xuống hai ngôi nhà. Nhưng, với tình hình nước lũ lên nhanh, chảy mạnh như lúc này, rất dễ gây xói lở, sập nhà”, bà Phạm Thị Phát, ở xóm Đông, khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) - nơi giáp ranh với thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước), lo lắng nói.
Nước từ thượng nguồn đổ về như thác. Nhiều nơi ở TX An Nhơn bị ngập sâu. Ảnh: Trọng Lợi.
Tại khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa hay khu vực Liêm Trực, phường Bình Định (TX An Nhơn) nước lũ đang bao vây; nhiều nơi nước lũ ngập sâu từ 0,3-0,5m.
Anh Trần Công Thảo dùng đá đắp bờ, ngăn nước chảy xói nhà. Ảnh: Trọng Lợi.
Ông Võ Minh Ba, ở số nhà 10 Võ Xán, khu vực Liêm Trực, phường Bình Định (TX An Nhơn), cho biết: “Từ 7 giờ sáng nay nước lũ lên nhanh tràn vào nhà. Gia đình tôi phải tất tả khiêng bàn ghế, kê giường lên cao. Hơn 300 kg lúa ở nhà phải khiêng cất tạm bên nhà hàng xóm. Mực nước lũ thời điểm này gần bằng mực nước lũ lịch sử năm 2013”.
Người dân xóm Trường thôn Phú Mỹ 1 bì bõm lội nước. Ảnh: Trọng Lợi.
Chung tình cảnh, anh Trần Công Thảo, trú khu vực Liêm Trực (phường Bình Định, TX An Nhơn), sáng nay đã phải huy động bà con trong xóm khiêng đá kiềng xung quanh, ngăn nước tràn vào nhà để hạn chế xói lở. “Nước xuống bất ngờ quá, lại lên rất nhanh khiến bà con không kịp trở tay. Giờ hàng chục ngôi nhà ở đây nước đã tràn vào nhà hết rồi,…”, ông Thảo cho biết thêm.
Mực nước sông Kôn đang lên rất nhanh. Ảnh: Trọng Lợi.
Theo ghi nhận, nước lũ vẫn đang lên nhanh. Mưa như trút nước đang tiếp diễn.
Bộ CHQS tỉnh cơ động xuồng cứu hộ đến vị trí ngập lụt để sơ tán nhân dân đến vùng an toàn. Ảnh: Trọng Lợi.
* Nước lũ bắt đầu tràn vào trung tâm thị xã An Nhơn
Do mưa lớn kéo dài kết hợp nước lũ đầu nguồn đổ về ồ ạt đã gây vỡ đê bao Kim Châu tràn vào gây ngập lụt nặng phường Bình Định, thị xã An Nhơn.
Nhiều ngôi nhà ở đường Ngô Gia Tự bị ngập đến hơn 1m.
Ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: Từ 7 giờ sáng 16.12, nước lũ bắt đầu lên rất nhanh gây ngập sâu các tuyến đường chính ở trung tâm thị xã như: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Quang Trung, Thanh Niên, Tăng Bạt Hổ…
Đến 9 giờ sáng 16.12, nước lũ đã bắt đầu tràn vào chợ Bình Định với mực nước ngập sâu từ 0,5-1m, các tiểu thương buôn bán tại chợ đang hối hả vận chuyển hàng hóa để tránh bị thiệt hại.
Nhiều trẻ em kết bè chuối để di chuyển trên đường Lê Hồng Phong, phường Bình Định, thị xã An Nhơn.
Hiện nước lũ đang lên rất nhanh, UBND thị xã An Nhơn đã huy động tổng lực để tập trung hỗ trợ nhân dân vận chuyển hàng hóa, sơ tán dân tại các vùng trũng thấp lên các nơi cao ráo, đảm bảo an toàn.
Văn Hùng - Nguyễn Phúc - Nguyễn Hồng Phúc - T.Sỹ - Ánh Nguyệt – Thanh Tâm - Trọng Lợi - Nguyễn Hân - Quang Hải - Văn Tố - Ngọc Khoa
(Tiếp tục cập nhật)