Dồn sức ứng phó với mưa lũ
Như vậy là trong vòng hơn một tháng rưỡi qua (từ đầu tháng 11 đến nay), tỉnh ta đã phải hứng chịu 4 đợt mưa lũ lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản. Đến thời điểm này, có thể coi đây là đợt lũ lụt “lịch sử” trong nhiều năm qua, với đỉnh lũ tương đương năm 2013.
Số liệu thống kê sơ bộ đến ngày 16.12 cho thấy toàn tỉnh đã có 25 người chết, hàng chục người bị thương; gần 350 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 60.000 ngôi nhà bị ngập chìm trong nước lũ; hàng ngàn hecta lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, trên 14.000 ha lúa Đông Xuân đang gieo sạ bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng nặng nề..., ước tổng thiệt hại trên 1.230 tỉ đồng. Trong 2 ngày 15-16.12, chính quyền và lực lượng cứu hộ tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và thị xã An Nhơn đã phải tiến hành di dời trên 1.400 hộ dân đến nơi an toàn để bảo đảm tính mạng vì lũ lên nhanh, ngập sâu.
Tuy nhiên, tình hình mưa lũ vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo từ nay đến ngày 20.12 trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục có mưa rất to, lượng mưa từ 300 - 500 mm; mực nước các sông lại lên cao, thời gian lũ lụt tiếp tục kéo dài có thể làm cho nhiều vùng dân cư bị ngập sâu và cô lập nhiều ngày.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng 15.12, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với lũ lụt; chính quyền các địa phương thực hiện ngay việc cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ cho nhân dân vùng ngập lũ; kiểm tra, rà soát các khu vực trũng thấp, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động triển khai phương án sơ tán dân; tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người dân qua lại các đoạn đường bị ngập nước; kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa nước, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn...
Cũng trong ngày 15.12, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã có thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ về vật chất, tinh thần để giúp người dân vùng lũ tỉnh Bình Định giảm bớt những khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Với những thiệt hại rất to lớn nên đời sống của hàng chục ngàn người dân vùng ngập lũ đang hết sức khó khăn, thiếu thốn, rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất. Hơn lúc nào hết, người dân vùng lũ tỉnh Bình Định rất cần sự hỗ trợ của chính phủ để khôi phục hạ tầng kinh tế - xã hội, bên cạnh đó cũng rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ, động viên kịp thời của cộng đồng.
Có thể nói, với những diễn biến hết sức phức tạp và mức độ thiệt hại rất lớn do mưa lũ đã, đang và sẽ gây ra, tỉnh ta đang phải đứng trước nhiều khó khăn, thử thách rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm cấp bách hàng đầu ở tỉnh ta hiện nay là dồn sức chống chọi với lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước, ở mức cao nhất.
H.Đ