Thiếu niên gây trọng án và những câu hỏi dành cho người lớn
Thời gian vừa qua, địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ án mạng mà thủ phạm lại là những thiếu niên mới lớn. Phải chăng trách nhiệm quản lý, giáo dục của gia đình nói riêng, sự phối hợp giữa 3 môi trường giáo dục nói chung đang có những lỗ hổng là nguyên nhân đưa đến những vụ việc đáng tiếc.
Phiên tòa xử bị cáo Phạm Thị Mỹ Dung.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 11, bà Nguyễn Thị Xuân (45 tuổi) bị sát hại trong xưởng mua bán phế liệu ở thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát. Không lâu sau, bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an đã làm rõ đối tượng gây án là Nguyễn Minh Hiếu (ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát). Khi gây án, Hiếu mới 16 tuổi. Bước đầu, thiếu niên khai nhận vì cần tiền tiêu xài nên nảy sinh ý định cướp tài sản. Đêm đó, thấy bà Xuân ở một mình, Hiếu mang theo dao, đột nhập vào xưởng phế liệu và ra tay một cách nhanh chóng, lạnh lùng, cướp 10 triệu đồng. Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trị an, an ninh, ma túy, Viện KSND tỉnh, bày tỏ bức xúc: “Đọc tài liệu từ cơ quan điều tra, tôi thật sự bàng hoàng. Bởi sau khi gây án, Hiếu bỏ nhà vào TP Hồ Chí Minh tiêu hết số tiền cướp được rồi điện về nhà báo với mẹ ngắn gọn: con đã giết cô Sáu… Qua tài liệu bước đầu cho thấy đối tượng này nghiện game, chắc hẳn là game bạo lực. Ai cũng biết rằng những loại game đó chủ yếu là bắn giết, chơi hoài khiến thanh thiếu niên mới lớn dễ vô cảm, kể cả với tính mạng của đồng loại. Nhiều vụ án khác trước đây cũng thế”.
Mê game bạo lực hay đua đòi ăn chơi chỉ là một trong những nguyên nhân và khi song hành cùng những điều kiện khác, nhất là thiếu sự quan tâm, quản lý giáo dục của gia đình, thì rất dễ dẫn đến phạm tội. Trong trường hợp vụ án Nguyễn Minh Hiếu, hoàn cảnh gia đình của đối tượng này cũng đáng suy ngẫm, bởi cha mẹ Hiếu ly hôn từ khi Hiếu còn nhỏ. Phải chăng vì thiếu sự thương yêu, sự nghiêm khắc của người cha, thiếu niên này mới sớm lêu lổng chơi bời và cuối cùng gây ra tội lỗi.
Trùng với thời điểm xảy ra vụ án trên, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử Phạm Thị Mỹ Dung (SN 1999, trú huyện Phù Mỹ) về tội “giết người”, tuyên phạt bản án 7 năm tù giam. Người bị Dung sát hại lại là bà nội của mình. Hoàn cảnh gia đình của bị cáo này quá sức đáng thương. Cha bị cáo Dung mất sớm, mẹ bỏ đi tìm hạnh phúc riêng để lại 6 đứa con thơ dại, nhỏ nhất mới 18 tháng tuổi, trong đó Phạm Thị Mỹ Dung là đứa kề út. Nhiều năm qua, những đứa trẻ đó bấu víu vào một bà cô tốt bụng, song quá nghèo, tính khí lại không bình thường. Thông cảm với hoàn cảnh các em, địa phương cũng đã cử các ngành, đoàn thể đỡ đầu, góp phần chăm lo. Nhưng sự thiếu thốn tình thương yêu của cha mẹ thì không gì có thể bù đắp, lại bị gia đình hai bên ruồng bỏ, Dung cùng các anh chị em lớn lên như cây dại, sức khỏe còi cọc, không được học hành, giáo dục đến nơi. Tuổi thơ đó cùng với hoàn cảnh khi xảy ra sự việc đã dẫn đến hành vi tội lỗi chứ thật ra bị cáo không có ý định giết bà nội.
Tại phiên tòa, nhìn cái bụng bầu vượt mặt của bị cáo sắp đến ngày sinh, có tiếng chặc lưỡi thở dài. Đứa trẻ đó khi ra đời đã bất hạnh bởi mẹ nó mang án giết người. Cha không rõ là ai, mẹ lại đi tù, tương lai của nó rồi sẽ ra sao.
MINH GIANG