Viết trong đêm nước lên
* Tản văn của LÊ HOÀI LƯƠNG
Trong vòng một tháng có đến 3 trận lụt. Chỉ di chuyển một số chậu hoa lên cao khỏi chết rồi bưng nó xuống đã mệt lử. Lại chuyện rửa bùn non trong nhà, ngoài sân vườn, dọn rác rến ngoài đường. Nước bạc rất độc, làm người mỏi rã rời, nước ăn chân nữa.
Ở cùng cha mẹ, khuôn vườn chung còn gia đình 2 em trai. Cha mẹ trong ngoài tám mươi vẫn lao động làm rau, chỉ cuối năm nay con cái nói mãi mới bỏ ruộng. Vợ chồng 2 em đều làm thợ hồ, làm thêm rau quả, tất bật về giữa trưa, chiều tối còn cuốc đất, tưới nước, tưới phân xịt thuốc. Tối chong đèn đội nhổ, bó rau, túm buộc chở đi giao hàng. Trưa quá ngọ, tối hết thời sự mới ăn cơm, sáng sớm đã dậy cuốc đất tưới rau xong mới đi làm. Vậy mà cũng ráng nuôi thêm con gà con vịt, kiếm cái trứng cho con, giỗ quải góp vật nuôi làm thịt.
Làm rau tất bật toan tính, may có giá cũng kiếm mấy trăm một triệu trừ chi phí. Lúc rộ coi như không mất vốn. Lại khổ chuyện nói khéo với người buôn sỉ, điện thoại nhắc mới được lấy hàng. Thỉnh thoảng trúng, mùa chủ lực trước tết dưa leo, khổ qua kiếm vài triệu, sau tết hành lá kiếm vài triệu. Căn bản quanh năm thêm tiền chi phí cho ăn học con cái.
Cha mẹ là nông dân thứ thiệt một đời. Các em cũng được học hành, đứa giáo viên, đứa công nhân. Rồi cũng về làm nghề thợ, làm ruộng làm vườn, kiếm sống tự do. Không đến nỗi đói ăn, còn tích cóp chút ít. Giờ là thập kỷ thứ 2 thế kỷ ai cũng có điện thoại xịn nhoay nhoáy trò chuyện kết nối internet không tốn tiền.
Ba tôi một đời chân đất, cày bừa, gieo trồng. Ông học được câu trên ti vi “không để đất ở không!” Tức miệt mài làm lụng. Cũng học trên ti vi những hướng dẫn gieo trồng, hạt giống, mùa vụ. Cũng đọc trên vỏ bì hạt giống rồi làm theo cách hướng dẫn đạt năng suất cao. Ví dụ giống khổ qua nhập Thái bảo mỗi luống ngang 60cm chỉ trồng một hàng dọc, cây cách 40cm, thưa thoáng vậy để cây bền, cho trái nhiều. Thất bại! Bởi rễ khổ qua ăn lên trắng đất, chỉ việc đạp chồm lên cột dây vào chái, hái trái đã làm đứt rễ, làm sao bền với năng suất cao. Năm sau lại trở về cách làm truyền thống. Luôn không cam chịu khổ nghèo là phẩm chất muôn đời của nông dân, trừ người lười biếng chờ sung rụng.
Không cho đất ở không buổi thời tiết thất thường có năm không lụt, thì cứ làm. “Lão nông tri điền” với “nước- phân- cần-giống” đã nhiều thay đổi. Đâu thể tin kinh nghiệm xưa mồng chín tháng chín có mưa/ cha con sắm sửa cày bừa làm ăn/ mồng chín tháng chín không mưa/ cha con sắm sửa giỏ thưa lên nguồn hoặc hăm ba ông tha bà không tha (ca dao, tục ngữ). “Vía” trùng cửu hay hai ba tháng mười âm lịch vậy mà cũng tuân thủ để tính toán chuyện gieo trồng, thất bại vẫn đâu đó cận kề. “Trời hành cơn lụt” không nói trước, dự báo thời tiết cũng chỉ chung chung, mấy thứ en-ni-nô, la-ni-na xa xôi mơ hồ quá! Cùng lắm để ý chuyện áp thấp nhiệt đới, bão lũ, không khí lạnh tràn về gây mưa to đến rất to từ đâu tới đâu, lúc ấy đã gieo trồng lên xanh, làm gì kịp thu hoạch.
Rồi tranh thủ dầm nước quơ vội ít rau ăn trong lụt. Dầm mình nhổ vội bán non kiếm đồng nào đỡ đồng nấy, lụt rau chợ có giá. Còng lưng, ướt át năm ba tiếng đồng hồ, chống sõng đi giao rau kiếm hơn trăm bạc. Sau lụt, con cái công chức về thăm cho vài trăm cũng mừng. Nhưng vớt vát công sức kiếm trăm đồng còn mừng hơn. Ấy là công sức tự làm ra. Niềm vui vớt vát công sức lao động cộng với ý thức tự lực để sống. Kêu cho rau xóm giềng không tiếc. Trời lấy tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Cha mẹ tôi là nông dân trăm phần trăm.
Các em tôi có khác gì không?
Không. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Dù cha mẹ, em út tôi cũng đi đây đi đó thăm con thăm cháu, cũng biết máy bay, xe lửa, Đầm Sen, Nha Trang, Đà Nẵng gì gì, trở về vẫn nguyên. Sống trên gốc rạ với đôi chân quánh phèn. Cái mùi phèn cứ đeo bám dù đã có nước máy. Cái giếng đào vẫn giữ nguyên và chum chác lọc nước vẫn sử dụng làm nước rửa để tiết kiệm. Tiết kiệm không chỉ là “quốc sách” như trên ti vi nói, nó ăn sâu trong tiềm thức khổ nghèo. Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn mà. “Tích” đến mức, con cháu về cho nhiều cái áo, không dám mặc lao động, áo rách vá chằm vá đụp bao lần, con cái nhăn nhó lắm mới bỏ làm giẻ lau.
Đám chết trong xóm làng nhen nhóm phúng viếng. Giỗ chạp mua chai dầu chai mắm, cây chả cây nem đến góp rồi vui nhận mấy bánh ít, trái cây. Tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Đứa nhỏ nào không chào có khi trách nặng lời rằng “nó không có miệng”, thực ra là trách oan, nó lớn lên đi học xa về biết ai bà con đâu, cứ nghĩ như phố, không quen không chào. Đứa gái ở đâu về làm dâu trong xóm xét nét chuyện nó có đẹp không, nhà nó có giàu không, nhưng khi nó chưa quen chưa chào vì còn ngại ngùng về sống đất mới, cũng dứt điểm bảo nó không có miệng. Rồi nhanh chóng “tha” khi mấy ngày sau nó chào. Lại chuyện dòm giỏ ngó treo, chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay! Không chỉ cãi nhau chửi nhau ào ào, có thứ nhỏ như cây kim nhà này, nhà kia cũng biết, mà cứ vô tội vạ nói với nhau rồi mỗi người diễn dần theo ý nghĩ mình chứ có hẳn là vậy đâu? Đành rằng không có lửa làm sao có khói nhưng chắc chắn một điều, nghề viết văn bắt nguồn từ nông thôn với những câu chuyện có đầu có đuôi, không đầu không đuôi là sáng tác kiểu hậu hiện đại.
Không chỉ cha mẹ tôi, người nông dân chung quanh đều vậy. Họ được hun đúc ngàn đời rồi. Dĩ nông vi bản hay thoát nông, dù chính sách lớn về “tam nông” ồn ào triển khai, là chuyện lựa chọn của mỗi người.
Con tôi lâu lâu về, quan sát ông bà nội, mấy chú thím, nó ngạc nhiên thú vị lắm. Tôi không áp đặt cho con bất kỳ lựa chọn sống nào. Nếu nó lựa chọn trở về làm nông dân cũng tốt, miễn sống vui vẻ, thoải mái, miễn không sốc với hai mặt của “tình làng nghĩa xóm” người quê. Hoặc có thể nó sẽ là một kiểu “triệu phú nông thôn” tương lai.
Xách tấm lưới ra giăng trong sân vườn. Thế nào cũng có cá rô, cá sặc. Và cua đồng nữa. Lụt mà ăn cá đồng nướng tuyệt dách.
Giờ thì nước đang lên, đã vào sân, tí nữa sẽ vô nhà. Điện cho người bạn hỏi thăm có xả lũ không, bảo xả có kiểm soát. Hồi chiều đã chuyển chậu hồng phấn lên cao. Nó đang hàm tiếu.
Tôi bất ngờ nhận ra mình là một thứ nông dân lai căng!
L.H.L