Đời rớ ở hạ nguồn sông Lại
Cửa biển An Dũ nằm ở hạ nguồn sông Lại. Nơi ấy, trước khi hòa mình vào biển Đông, con sông như tri ân người dân bằng nguồn thủy sản phong phú. Trên khúc sông non 7km này có gần 50 cái rớ, là “nồi cơm” của những ngư dân nghèo quanh vùng.
Ngày “cất” đêm “thả”
Ban ngày đến cửa biển An Dũ, dễ thấy hàng chục cái rớ như những mạng nhện khổng lồ giăng ngang giữa trời. Tối đến, vùng sông nước này như một góc thành phố nổi với ánh đèn rực rỡ. Rớ trên cửa biển An Dũ chủ yếu là của ngư dân xã Hoài Hương và Hoài Mỹ. “Ở đây có trường hợp bà con ngư dân mình tranh chấp vị trí cắm rớ không chú ?”, nghe câu hỏi của chúng tôi, ông Trương Bá Bồng, Trưởng thôn Ca Công Nam, xã Hoài Hương, cho hay: “Từ hồi nào tới giờ, bà con làm rớ đều là những ngư dân nghèo nên thương yêu nhau, nhường nhịn nhau mà sống”. Ở mỗi khu vực rớ của từng người, chủ nhân làm thêm một cái chòi vừa để trú ngụ lúc nắng mưa, vừa là nơi để lắp dàn trục quay cho rớ. Gặp chủ nhân của những cái rớ này, họ nói vui: “Những người làm rớ như tụi tui đều có 2 căn hộ hết, một cái trên đất liền và một cái trên mặt nước”.
Rớ ở cửa biển An Dũ được chia làm 2 loại: rớ cửa và rớ trong lộng. Rớ cửa là rớ được lắp đặt ngay nguồn nước cuối con sông Lại đổ ra biển, còn rớ trong lộng là rớ được đặt ở vùng nước bình yên. Rớ cửa thường chỉ làm theo mùa nắng, khi mùa mưa đến, nước sông Lại đổ ra biển nhiều thì chủ nhân tháo rớ. Riêng rớ trong lộng thì làm quanh năm suốt tháng, mùa mưa càng làm nhiều.
Ban ngày, những cái rớ này được chủ nhân “cất” lên khỏi mặt nước, việc “thả” rớ chủ yếu chỉ tập trung vào ban đêm. Trên mỗi cái rớ, người ta thắp một ngọn đèn cao áp chiếu xuống mặt nước để nhử cá. Lưới được dùng để làm rớ là loại lưới tổng hợp, trong đó chủ nhân sử dụng loại lưới A5 để đan bên trong, sau đó dùng các loại lưới A7, A10, A12 đan dần ra ngoài. Với cách làm như vậy, rớ có thể vừa bắt được những loại thủy sản nhỏ như tôm đất cho đến những loại cá có thể nặng đến vài chục ký. Thông thường, rớ ở vùng cửa biển An Dũ được ngư dân “cất” và “thả” tầm 4 đến 5 lần trong một đêm. Khi ti-vi hết chương trình thời sự, chủ nhân sẽ ra cất rớ lần thứ nhất. Đến 23 giờ lại cất rớ lần thứ 2, tầm khoảng 2 giờ sáng tiếp tục thêm mẻ nữa và đến 5 giờ sáng là lần chót để kịp phiên chợ sáng.
Ăn theo con nước
8 giờ đêm, chúng tôi ngồi trên động cát ngắm nhìn một lượt khúc sông trong ánh trăng non đầu tháng huyền hoặc để chuẩn bị “trắng đêm” cùng ngư dân làm rớ. Đang trò chuyện với chúng tôi, cô Lê Thị Mười (55 tuổi) nói như reo: “Rớ ông Tôi dính cá lớn rồi !”. Tôi hỏi: “Ủa, sao cô biết được ?”. Cô Mười cười tươi, hàm răng trắng bóng sáng lên trong đêm: “Quen rồi, chỉ cần nghe tiếng cá quẫy trong rớ là biết ngay, thậm chí nghe tiếng cá quẫy, tui còn biết được dính cá gì nữa kìa!”.
10 giờ đêm, chúng tôi xin theo cô Mười ra rớ. Cô Mười vừa ngoáy cái thúng chai để ra rớ đặt ở giữa lộng vừa chặc lưỡi: “Hầu hết những người làm rớ ở đây đều là ngư dân nghèo, tui cũng vậy. chồng lúc khỏe lúc bệnh nên một mình tui gắn với 3 cái rớ này hơn chục năm rồi”.
Một mình “quản lý” đến 3 cái rớ vốn đã cực với sức vóc đàn ông, càng khó khăn gấp bội với một người đàn bà. Cô Mười kể: “Ban ngày thì chạy ra chạy vô giữa nhà với rớ, vừa trông nom gia đình, chăm sóc sức khỏe cho chồng lại phải ra sông xem thử rớ thế nào. Gặp hôm gió mạnh phải thả hết rớ xuống nước, không thì gió đánh rách hết lưới còn đâu mà làm ăn. Tối đến thì tui ngủ luôn ngoài chòi rớ. Lúc đầu sợ lắm, sông nước mênh mông. Nhưng nghèo quá đành liều, riết rồi cũng quen. Làm suốt cả đêm cực khổ vậy, nhưng giỏi lắm sáng ra bán mớ cá tôm cũng chỉ được trên dưới trăm ngàn đồng”.
Thông thường, công việc “cất” và “thả” rớ phải cần đến 2 người. Một người quay trục ở chòi để cất rớ lên, người còn lại chèo thúng chai ra rớ xem có cá, tôm mắc lưới không và gỡ những rong rêu bám vào lưới. Nhưng hoàn cảnh gia đình neo đơn nên một mình cô Mười đảm nhiệm tất cả các công đoạn. Thấy tôi có nhã ý giúp cô quay trục, cô la lên oai oái: “Tội chết, cháu không quen là xảy ra tai nạn đó”. Rồi qua câu chuyện cô kể tôi mới giật mình. Hóa ra, cái việc dùng chân và tay quay trục rớ không phải đơn giản. Đã có không ít ngư dân quen tay, quen việc nhưng chỉ một sơ suất nhỏ như đạp trượt chân hoặc vì mệt quá không đủ sức giữ đã bị trục quay trả ngược “đánh” gãy tay hoặc lọt xuống nước. Cô Mười thoăn thoắt quay cái trục để kéo rớ lên, sau đó cô dùng dây buộc lại rồi đến quay một cái khác. Khi 3 cái rớ được cất lên khỏi mặt nước, cô lại lên thúng đi kiểm tra cả 3, rồi về thả từng cái một trở lại xuống nước. Nhìn cái cách cô Mười và những ngư dân làm rớ bên cạnh làm, chúng tôi thấm thía những cực nhọc của những người mưu sinh bằng nghề ăn theo con nước này.
Thâm niên nhất trong nghề rớ tại cửa biển An Dũ phải kể đến ông Lê Minh Chiêu (sinh năm 1943, tên thường gọi là Tôi). Hơn 15 năm gắn bó với khúc sông này, ông trải qua không biết bao nhiêu chuyện buồn vui. “Năm 2003, tui bắt được một con cá dược nặng đến 27kg, khi ấy cá rẻ nên chẳng bán được bao nhiêu tiền. Năm ngoái tui lại bắt được một con nữa, nặng 12,5kg và bán được triệu rưỡi. Ấy là “lộc” trời cho, chứ bình thường thì làm cả ngày chỉ kiếm được trên dưới trăm ngàn đồng, đủ để vợ chồng già chợ búa, phải quấy. Làm rớ ở đây chủ yếu cũng trông vào vận may thôi, mùa nước cạn thì kiếm được chút ít, mùa mưa thì nguồn thủy sản nhiều hơn nên kiếm cũng kha khá. Biết cực khổ và bấp bênh, nhưng gia đình nghèo quá, không làm thì lấy gì sống?”, ông ngậm ngùi.
Ông Tôi sinh ra trong một gia đình có đến 16 người con. Ông kể, ngày xưa vì nghèo quá, suốt ngày cha ông đi mua lúa chịu để ăn, vì thế sinh con ra đặt tên con rất “ngộ”: Trình, Thưa, Dậm, Dạ, Mua, Gạo, Lúa, Chịu, Nay, Trả, Tôi, Tớ, Mừng, Rỡ, Chút, Ít. “Tui chính là đứa con thứ 11 trong số 16 đứa mà cha tôi đặt để nói lên cái tình cảnh nghèo khổ của gia đình”, ông Tôi hài hước.
“Tri ân” của dòng sông
Sông Lại bắt nguồn từ các nhánh sông Kim Sơn (Hoài Ân), sông Vố (An Lão) hợp lại ở địa phận huyện Hoài Nhơn. Mùa khô, con sông Lại cạn nước, mùa mưa thì chảy xiết xói mòn các làng ven sông. Nhưng ở đoạn cuối con sông trước khi hòa mình ra biển lớn thì luôn đầy nước. Ông Trương Bá Bồng giải thích: “Sở dĩ như vậy là do nước biển từ ngoài tràn vào. Vì thế, nước ở đây là nước xà hai, nguồn thủy sản cũng khá phong phú. Cá biển cũng có, cá nước ngọt cũng có”.
Theo những ngư dân làm rớ lâu năm ở khúc sông này, nguồn thủy sản ở đây thường có các loại cá đối, cá cầu, tôm đất, cá rô phi, cá dược… Trong số này nhiều nhất là tôm đất. Hôm chúng tôi đến, giá tôm đất ở chợ Hoài Hương tầm 70.000 đồng/kg. Rớ nào may mắn cũng kiếm được vài ký, ít cũng được 1 ký.
Khi chia tay, ông Tôi lấy 2 con cá rô phi còn tươi rói, giẫy đành đạch trong cái thau nhựa bỏ vào túi ni-lông đưa cho tôi và nói: “Chú cầm về ăn lấy thảo, xem như là quà của sông Lại nhé”. Nhìn vào thau chỉ có mấy con cá nhỏ và chừng 1kg tôm đất, tôi từ chối không nhận. Chú Tôi cười giòn: “Tui nghèo thì đã nghèo rồi, chứ đâu phải nghèo bởi vài con cá biếu chú, coi như tui trả công chú suốt đêm qua đi ra đi vô rớ với tui cũng được…”.
Mắt tôi cay xè, không biết bởi do hơi nước mặn từ biển do gió mang vào hay chính mùi mồ hôi ướt đẫm trên lưng chú Tôi. Chợt nghe như có tiếng cá quẫy trong lòng mình…
CÔNG TÂM