Trường lớp ngổn ngang sau lũ
Mưa đã giảm, lũ đã rút nhưng đến sáng 19.12, nhiều học sinh trong tỉnh vẫn chưa thể đi học trở lại vì trường lớp và đường đến trường vẫn còn ngập trong nước lũ.
Theo thống kê nhanh của Sở GD&ĐT trong buổi sáng 19.12, có gần 50 trường học các cấp với khoảng 2.000 học sinh chưa thể đến trường vì lũ lụt. Một số trường học còn bị ngập sâu, nhiều trường ngổn ngang bùn đất, tường rào đổ sập. Đáng lo nhất là những điểm trường quy mô nhà cấp 4 xây đã lâu năm, thường là những lớp mẫu giáo ở thôn, xã, bị ngâm nhiều ngày trong nước lũ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Sập bờ tường, tốc mái nhà
Sáng 19.12, học sinh Trường THPT số 3 Tuy Phước vẫn chưa thể đến trường vì trường còn ngập trong nước lũ. Nước trong phòng học, chỗ cạn nhất cũng xâm xấp 20 cm. Cô Hiệu trưởng Dương Thị Bích Liên nói, nước từ sông cứ tràn sang trường, tình trạng ngập lụt chắc còn dai dẳng trong nhiều ngày tới. Đồng cảnh ngộ với Trường THPT số 3 Tuy Phước, các trường THPT đóng trên địa bàn “rốn lũ” của huyện Tuy Phước như Nguyễn Diêu, số 2 Tuy Phước vẫn chưa thể dạy và học lại được.
Học sinh Trường THPT số 3 Tuy Phước dọn dẹp bùn đất và vệ sinh bàn ghế (ảnh chụp lúc 11 giờ ngày 19.12).
Tại huyện Tây Sơn, sáng 19.12, Đoàn công tác của Phòng GD&ĐT huyện do Trưởng phòng Võ Ngọc Khanh dẫn đầu, đã đi về các trường vùng khó khăn và rất lo lắng trước thực trạng trường lớp. “Hư hao nhiều quá; vách nứt, bàn ghế bong tróc. Hơn 300 m tường rào của các trường bị đổ sập, nước bên ngoài tràn vào trong trường. Đáng lo nhất là điểm trường mẫu giáo ở xã Bình Nghi, nhà cấp 4 xây đã lâu năm, vách nứt, tường xiêu, cột vẹo, cảm giác chỉ một vài cơn gió giật mạnh là đổ sập” - ông Khanh trao đổi.
Tại huyện Phù Cát, toàn bộ học sinh ở xã Cát Chánh vẫn chưa thể đến trường vì nước lũ còn ngập khắp nơi. Tuy nhiên, ngay những nơi lâu nay ít khi xảy ra lũ lụt như các xã Cát Trinh, Cát Tài, Cát Minh… tình hình cũng rất căng thẳng bởi trường lớp ở đó hư hỏng khá nghiêm trọng, đòi hỏi phải sửa chữa nhiều mới đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh trở lại dạy và học.
Ở các huyện trung du, miền núi, tình trạng sạt lở gây chia cắt địa bàn rất phổ biến, khiến nhiều giáo viên không thể đến các điểm trường ở thôn, học sinh không đến lớp được. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, Trường Mầm non xã Bok Tới của huyện Hoài Ân bị sập 16 m tường rào, nhiều phòng học bị hư hỏng; huyện Vĩnh Thạnh có tới 30 phòng học phải sửa chữa lớn mới đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Còn tại huyện An Lão, 10 phòng công vụ dành cho giáo viên có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
“ Quan trọng hơn cả là làm mọi cách, huy động mọi lực lượng động viên, hỗ trợ, tương thân, tương ái, khích lệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, đề phòng nguy cơ học sinh bỏ học sau lũ ”
Ông NGUYỄN XUÂN TRANG, Phó Chánh Văn phòng phụ trách, Sở GD&ĐT
Trường THPT số 3 Tuy Phước vẫn ngập sâu trong nước lũ (ảnh chụp lúc 11 giờ ngày 19.12).
“Cô ơi, em muốn đến trường”
Giọng cô Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Tuy Phước Dương Thị Bích Liên nghẹn lại khi nói đến chuyện, sau hơn 20 ngày nghỉ học vì các đợt mưa lũ vừa qua, học sinh nhà trường đang mong được đi học lại.
“Cả tuần nay, ngày nào học sinh cũng gọi điện hỏi giáo viên, giáo viên gọi hỏi tôi khi nào đi học lại. Nhưng với tình hình này, làm sao tôi yên tâm để các em đến trường” - cô Liên tâm tình.
Đứng ngồi không yên những ngày qua là thầy Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Tuy Phước Lê Xuân Giao, vì sau đợt lũ thứ năm quá lớn trên địa bàn, việc liên lạc giữa giáo viên và một số học sinh ở vùng tâm lũ không thể thực hiện được. “Tôi đã nhờ Đài Truyền thanh huyện thông báo ngày mai các em trở lại trường. Ngay trong ngày mai, tôi sẽ đề nghị giáo viên tổng hợp tình hình các học sinh đang gặp khó khăn để có biện pháp hỗ trợ các em”- thầy Giao chia sẻ.
Mưa lớn, nước lũ dâng ngập hàng chục ngàn nóc nhà, cuốn trôi sách vở của nhà trường, học sinh. Ông Nguyễn Xuân Trang, Phó Chánh Văn phòng phụ trách, Sở GD&ĐT, cho biết, theo thống kê sơ bộ đã có hơn 52.000 học sinh bị mất hết sách vở, hàng ngàn hồ sơ sổ sách, hàng trăm bộ vi tính của các trường bị lũ cuốn trôi hoặc làm hư hỏng nặng.
Bên cạnh nỗ lực xin Bộ GD&ĐT hỗ trợ sách vở đến trường cho học sinh vùng lũ, Sở GD&ĐT đang phát động phong trào “Bạn giúp bạn” và chấp nhận việc một học sinh học hai môn học trong một quyển vở.
“Quan trọng hơn cả là làm mọi cách, huy động mọi lực lượng động viên, hỗ trợ, tinh thần tương thân, tương ái, khích lệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, đề phòng nguy cơ học sinh bỏ học sau lũ” - ông Trang nói.
Không đến trường, học sinh lo một, giáo viên lo mười, nhất là các thầy cô đang dạy lớp 12. Theo kế hoạch chung của Sở GD&ÐT, tuần tới sẽ tổ chức thi học kỳ 1. Nghỉ học nhiều ở giai đoạn cuối học kỳ 1, nhiều trường THPT trong vùng lũ chưa kịp cho học sinh làm bài kiểm tra một tiết ở một số môn. “Sắp tới học bù, kiểm tra dồn dập, rồi thi học kỳ, làm sao có thể đảm bảo chất lượng” - các hiệu trưởng ở vùng lũ cùng có trăn trở như vậy
NGỌC TÚ