Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và Phòng GD&ÐT TP Quy Nhơn:
Phối hợp đẩy mạnh giáo dục truyền thống
Hội thi “Ai nhớ nhiều nhất” với chủ đề “Hành trình theo chân Bác” vừa được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với Phòng GD&ÐT TP Quy Nhơn tổ chức thành công. Hội thi tạo “cầu nối” đưa học sinh chủ động đến tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng; từ đó nắm bắt được những kiến thức cần thiết để dự thi.
Hội thi là hoạt động thực hiện Kế hoạch phối hợp đã ký kết tháng 9.2016, giữa Bảo tàng Tổng hợp tỉnh với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, về đẩy mạnh học tập, giáo dục truyền thống tại Bảo tàng đối với học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
“Hành trình theo chân Bác” thu hút học sinh
Hội thi thu hút 20 trường THCS trên địa bàn TP Quy Nhơn, mỗi trường đăng ký 5 học sinh tham gia chính thức và 5 học sinh cổ vũ. Hội thi diễn ra hào hứng theo hình thức “Rung chuông vàng”, thí sinh trả lời nhanh lần lượt 20 câu hỏi (mỗi câu hỏi trong 30 giây) bằng cách viết trên tấm bảng của mình, trả lời sai ở câu nào thì sẽ bị loại trực tiếp.
Đáng ghi nhận là hầu hết các thí sinh đều nhanh, đúng đáp án nhiều câu hỏi như: “Hãy cho biết Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vào ngày, tháng, năm nào? Tại đâu?”, “Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày, tháng, năm nào?”, “Vào năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc được tác phẩm nào của V.I. Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo?”...
Sau phần trả lời của thí sinh, người dẫn chương trình là cán bộ, thuyết minh viên của Bảo tàng mở rộng, cung cấp cho học sinh nhiều thông tin xoay quanh nội dung câu hỏi.
Ở phần câu hỏi dành cho khán giả, nhiều học sinh đã hào hứng tranh nhau giơ tay xin được trả lời. Các em được lựa chọn đều trả lời đúng về khoảng thời gian Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, hay địa điểm Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập…
Em Nguyễn Thị Nhung, học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, tâm sự: “Đến cổ vũ cho hội thi, em thấy nhiều bạn đã tìm hiểu, chuẩn bị tốt. Em cũng biết thêm nhiều thông tin, câu chuyện về Bác Hồ, nhất là khi Người có thời gian tuổi trẻ sống ở Bình Định trước khi ra đi tìm đường cứu nước, hoặc tình cảm kính yêu của người dân quê hương mình đối với Bác...”.
Các hoạt động mới, hiệu quả cần được phát huy
Điểm mới của hội thi là Ban tổ chức không cung cấp sẵn câu hỏi và đáp án trước, mà các trường tham gia được yêu cầu có kế hoạch tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng Tổng hợp, để tự nắm bắt, chuẩn bị theo chủ đề hội thi.
Bà Nguyễn Thị Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trưng bày và Tuyên truyền của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Những năm qua, khá nhiều đoàn học sinh đến tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Tuy nhiên, các em chỉ tham quan thời gian ngắn qua các phòng trưng bày; sự tập trung và thu nhận được sau đó của các em chưa nhiều. Đó là lí do chúng tôi đề xuất các cấp lãnh đạo phối hợp tổ chức Hội thi, với các câu hỏi bám sát nội dung chương trình học lịch sử của học sinh và nội dung trưng bày phòng “Bác Hồ với nhân dân Bình Định và nhân dân Bình Định với Bác Hồ” tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh”.
Các trường tham gia hội thi đã tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu tại phòng trưng bày về Bác Hồ tại Bảo tàng, hướng dẫn các em ghi chép những gì thu nhận được. Điều này đem lại kết quả tích cực tại hội thi, khi nhiều thí sinh trả lời đúng các câu hỏi về thời gian dừng chân của người thanh niên Nguyễn Tất Thành tại Bình Định trước khi ra đi tìm đường cứu nước; thời gian sống tại Bình Định, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng trọ học tại nhà ai; món quà đoàn thiếu nhi Tam Quan -
Bình Định đã tặng trong buổi gặp mặt giữa Bác Hồ và thiếu nhi học sinh miền Nam vào tháng 2.1958…
.Đến theo dõi hội thi, nhiều giáo viên các trường đã đánh giá cao hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo hình thức giao lưu, tìm hiểu gắn với nội dung trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhất là các nội dung có liên quan đến chương trình học lịch sử của học sinh.
“Trong năm 2017, Phòng Trưng bày và Tuyên truyền ấp ủ dự định đề xuất lãnh đạo Bảo tàng xem xét phối hợp tổ chức nhiều hơn các cuộc thi tìm hiểu cho học sinh gắn với nội dung trưng bày như về phong trào Tây Sơn; hay cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó nhấn mạnh đến các anh hùng người Bình Định thời kỳ này... hoặc nếu được, tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh về các chủ đề trưng bày của Bảo tàng. Ngoài ra, việc phối hợp với các trường học để tổ chức tiết học lịch sử địa phương ngay tại Bảo tàng cũng là điều chúng tôi đang ấp ủ” - bà Nguyễn Thị Nhân cho biết thêm.
“Hội thi tìm hiểu chủ đề “Hành trình theo chân Bác” nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và thiết thực góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Ðồng thời giúp các em yêu thích các hoạt động ngoại khóa, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Bảo tàng Tổng hợp tỉnh với học sinh các trường trên địa bàn Quy Nhơn”
Ông NGUYỄN VĂN NGỌC, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh
HOÀI THU