Một tập tiểu luận nhẹ nhàng, lôi cuốn
“Vó ngựa và cánh cung” (tác giả Nguyễn Duy Chính, NXB Văn hóa - văn nghệ, 2016) là tập tiểu luận văn hóa được viết với phong cách dung hòa giữa văn hóa, văn học và sử học. Ở tiểu luận mở đầu “Vó ngựa và cánh cung”, Nguyễn Duy Chính mổ xẻ vấn đề “con ngựa” và “cánh cung” trên rất nhiều khía cạnh, chi tiết và nhiều thông tin hữu ích một cách thú vị. Từ đó, ông mở rộng đến sức mạnh kinh hoàng của kỵ binh của đế quốc Nguyên Mông. Hiếm tài liệu khoa học tiếng Việt nào lại dẫn dắt, phân tích vấn đề ấy một cách bài bản như tiểu luận này. Để từ đó, khi tìm cách lý giải chiến thắng trong công cuộc bảo vệ độc lập, tự do của Đại Việt, Nguyễn Duy Chính thuyết phục được người đọc với tinh thần khách quan, khoa học.
Hay lấy điểm xuất phát là một tình tiết trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung vốn được nhiều người biết đến như trường đoạn “Đoàn Dự thuyết về hoa trà với Vương phu nhân” (Thiên Long bát bộ), Nguyễn Duy Chính lần ngược lại lịch sử loài hoa này từ phân loại, các giống, lịch sử di thực đến cây hoa trà trong các nền văn hóa. Toàn bộ các vấn đề được trình bày một cách khúc chiết, cặn kẽ mà nhẹ nhàng, lôi cuốn (tiểu luận “Sơn trà”). Bạn đọc có thể tìm thấy nhiều điều thú vị tương tự như vậy khi đọc các tiểu luận khác như: “Cờ vây”, “Kiếm Nhật”, “Rèn kiếm”, “Quan niệm về biển cả của Trung Hoa dưới hai triều Minh - Thanh”...
Nguyễn Duy Chính đem phong cách làm việc một nhà khoa học ở ngành tự nhiên vào các công trình nghiên cứu văn hóa của mình. Bởi vậy, nếu chú ý, ta sẽ thấy cách dẫn dắt vấn đề của ông ngắn gọn, mạch lạc, súc tích. Cũng vì văn phong của ông giàu tinh thần khoa học luận lý nên nhiều khi không được hấp dẫn lắm, dù các câu chuyện rất thú vị.
Điểm rất mạnh của Nguyễn Duy Chính là nguồn tư liệu của ông rất dồi dào. Việc rành rẽ cả nhiều ngôn ngữ (Anh, Pháp, Hán Nôm) khiến góc nhìn của Nguyễn Duy Chính đa dạng, khả năng soi chiếu sâu rộng. Dù vậy, “ở Vó ngựa và cánh cung”, có vẻ như những điểm mới mẻ phần nhiều đều bắt nguồn từ sự mới mẻ của nguồn tư liệu, còn cách kiến giải mới vẫn còn ít. Tuy nhiên, chính ở một điểm hiếm hoi như vậy, Nguyễn Duy Chính đã cung cấp một luận điểm quý giá cho cuộc đấu tranh chủ quyền biển đảo của chúng ta (“Quan niệm về biển cả của Trung Hoa dưới hai triều Minh - Thanh”).
Nguyễn Duy Chính sinh năm 1948 tại Sơn Tây, vào Nam cùng gia đình năm 1954, là cựu học sinh Chu Văn An Sài Gòn, cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh Sài Gòn; thạc sĩ Quản lý hệ thống thông tin, tiến sĩ Quản trị kinh doanh ngành Quản lý và Ứng dụng Khoa học Máy tính (Hoa Kỳ), Tiến sĩ Quản trị kinh doanh Hoa Kỳ. Hiện ông cư ngụ tại California (Hoa Kỳ).
ĐÔNG A