40 năm Ủy ban Olympic Việt Nam: Mốc son rực rỡ
Kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban Olympic Việt Nam cũng đánh dấu năm thi đấu thành công nhất trong lịch sử của thể thao nước nhà.
Vào ngày 20.12.1976, Ủy ban Olympic Việt Nam chính thức trở thành thành viên phong trào Olympic Quốc tế. Không chỉ là cầu nối của thể thao Việt Nam đến với quốc tế, Ủy ban Olympic Việt Nam còn là nơi tập hợp các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, cùng một số tổ chức thể thao tự nguyện trong nước.
Kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban Olympic Việt Nam cũng là năm đánh dấu những mốc son chói lọi của thể thao nước nhà. (Ảnh: Trọng Phú)
Trước đó, thể thao Việt Nam đã có 9 hiệp hội được quốc tế công nhận: Bóng đá, điền kinh, bơi, bóng bàn, bóng rổ, xe đạp, quần vợt, quyền anh, đấu kiếm. Nhưng phải đến tháng 12.1976, khi Ủy ban Olympic Việt Nam ra đời, thể thao Việt Nam mới có một đại diện thống nhất được quốc tế công nhận.
Ủy ban Olympic Việt Nam là đại biểu duy nhất của nước CHXHCN Việt Nam trong phong trào Olympic quốc tế có quyền được tham gia các Đại hội thể thao Olympic, các Đại hội thể thao châu lục và Đông Nam Á.
Olympic Moscow năm 1980 là lần đầu tiên Ủy ban Olympic Việt Nam ra mắt lá cờ đỏ sao vàng trên SVĐ Luzhniki. Kể từ đó đến nay, trong vòng 40 năm, thể thao Việt Nam đã tham dự 10 kỳ thế vận hội. Mà đỉnh điểm của thành công là Olympic Rio 2016, với tấm huy chương vàng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Cũng trong năm kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban Olympic, thể thao Việt Nam cũng đạt được nhiều mốc son chói lọi khác như: Những tấm vé World Cup đầu tiên của Futsal và đội tuyển U20, HCV Paralympic lịch sử của lực sĩ Lê Văn Công, đứng thứ nhất Đại hội thể thao bãi biển châu Á…
Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ IV – ông Hoàng Tuấn Anh cho biết: “Trong năm qua, ngành thể thao nói chung và Ủy ban Olympic nói riêng đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, về cơ sở vật chất. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khâu huấn luyện để tạo bước đệm cho những thành công ở các đại hội thể thao lớn. Và chúng ta đã đạt được những cột mốc đáng nhớ”.
Ở tuổi 40, Ủy ban Olympic xứng đáng là “đại sứ” của thể thao Việt Nam. Nhưng thách thức vẫn còn đặt ra với Ủy ban Olympic Việt Nam mà có lẽ lớn nhất là công tác xã hội hóa. Cụ thể hơn, Ủy ban Olympic Việt Nam cần tạo ra động lực lớn hơn đến các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao để không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn thu hút được các nguồn lực từ xã hội để thể thao nước nhà đi lên theo hướng chuyên nghiệp hóa./.
Theo Trọng Phú/VOV.VN