“Khi trộm cắp, bị cáo có nghĩ tới mẹ mình không?”
Ðó là câu hỏi mà Hội đồng xét xử TAND TP Quy Nhơn đã hỏi nhiều lần đối với bị cáo Lê Thanh Vũ (SN 1982, trú tại 24/4 Trần Bình Trọng, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) ở phiên tòa lưu động tại UBND phường Lê Lợi, diễn ra vào sáng 20.12.
Bị cáo Vũ đã có 2 tiền án về tội trộm cắp vào năm 2013, 2014, đến nay vẫn chưa được xóa án tích, nhưng không lo làm ăn mà lại tiếp tục trộm cắp. Lần trộm cắp thứ 3, bị khởi tố và trong thời gian được cho tại ngoại, Vũ lại đi trộm.
Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo đã từng trộm cắp và bị bắt, sao lại vẫn đi trộm?”. Bị cáo trả lời: “Do say xỉn.” Chủ tọa hỏi tiếp: “Tại sao say xỉn mà vẫn biết đi trộm, mà lại trộm vào giữa ban ngày, ngay lúc trưa, có chủ nhà ở đó mà bị cáo vẫn vào lấy trộm điện thoại? Hành vi quá táo bạo, liều lĩnh”.
Trong suốt quá trình xét hỏi, Vũ luôn quay về phía mẹ nhiều lần khiến chủ tọa phải nhắc nhở. Được biết, cha của bị cáo đã sống với một phụ nữ khác, mẹ của Vũ thì phụ bán bánh tráng trứng, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Vị Hội thẩm nhân dân nói với Vũ: “Bị cáo đã 2 lần đứng trước vành móng ngựa, một lần 4 tháng tù giam, lần nữa là 9 tháng tù giam. 2 lần, bị cáo đều nói hối hận, mong được về sớm để chăm sóc mẹ đau ốm. Vậy bị cáo đã làm gì để thực hiện điều đó?”. Vũ im lặng cúi đầu, rồi lại quay sang nhìn mẹ. Lần này, mức án 2 năm tù tòa đã tuyên phạt có lẽ đủ để bị cáo ăn năn hối cải, cố gắng để một lần nữa sửa sai.
Không chỉ riêng ở vụ án này, đã có nhiều trường hợp bị cáo nhiều lần bị kết án về tội trộm cắp nhưng sau khi chấp hành hình phạt xong lại tiếp tục đi trộm. Thậm chí đã có trường hợp đang trong thời gian hưởng án treo vẫn đi trộm. Qua đó cho thấy, trộm cắp xuất phát từ thói tham lam, chây lười lao động nhưng vẫn muốn có tiền tiêu xài nên đối tượng coi trộm cắp là cách kiếm tiền dễ dàng.
Đại diện Viện KSND TP Quy Nhơn tại phiên tòa đã kiến nghị: “Mọi hành vi xâm phạm tài sản của công dân đều bị trừng trị nghiêm minh theo quy định của pháp luật; đồng thời, phiên tòa cũng nhắc nhở người dân cần có biện pháp trong việc quản lý, sử dụng tài sản của mình, đề cao cảnh giác. Vì tình hình chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua đã đến mức báo động, sự sơ hở trong quản lý tài sản của người dân là một nguyên nhân khách quan dẫn đến hình thành tội phạm”.
KIM CHI