Sử dụng trái phép hình ảnh của người khác sẽ bị xử lý
Từ ngày 1.1.2017, Bộ luật Dân sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới nổi bật. Một trong những điểm mới là quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình được quy định cụ thể hơn.
Một trang facebook bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của chị T.N.
Tại Điều 31 Bộ luật Dân sự 2005 đã có quy định về việc sử dụng hình ảnh của người khác khi không được sự đồng ý của người đó, nhưng chưa thực sự cụ thể mà chỉ quy định chung rằng: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi, phải được cha mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Luật cũng chưa quy định chế tài trong trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự cho phép của người đó.
Trên thực tế, những người bị người khác sử dụng hình ảnh của mình, nếu vô hại thì thường cho qua, nhưng nếu bị xâm hại đến danh dự, nhân phẩm thì cũng không nhiều người tìm đến cơ quan pháp luật để giải quyết vì nhiều lý do. Chị T.N. (24 tuổi, trú tại phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) - một trong những nạn nhân bị xâm phạm về hình ảnh cá nhân trên trang mạng xã hội, cho biết: “Tôi bán hàng online nhỏ lẻ thôi, những hình ảnh của cá nhân trên facebook chủ yếu phục vụ cho việc buôn bán. Nhưng không biết người nào đó lấy hình ảnh của tôi tạo thành một trang facebook khác với mục đích bôi nhọ và xuyên tạc việc buôn bán của tôi, gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ công việc mà còn tới cuộc sống hàng ngày của tôi”. Khi được hỏi có muốn khiếu kiện không, chị T.N. trả lời: “Tôi không biết ai là người tạo ra facebook giả đó, hơn nữa, khi nhờ pháp luật can thiệp thì sợ sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại; mà nhiều người nói, có kiện cũng khó mà giải quyết được nên tôi đành im lặng”. Quan niệm của chị T.N. cũng là tâm lý chung của các nạn nhân khác khi bị xâm phạm về quyền hình ảnh.
Theo Khoản 1 Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định cụ thể hơn việc sử dụng hình ảnh của người khác: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Đồng thời, ở Khoản 2 điều luật này cũng làm rõ các trường hợp được sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó: “Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 là một điểm mới nổi bật, quy định chế tài rõ ràng đối với vi phạm này, chứ không mang tính chung chung nữa: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
KIM CHI