Cần nâng cao hiệu quả phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở địa phương
Trong phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) của các địa phương đều nêu đầy đủ các giải pháp thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; trong đó có việc thành lập các đội thanh niên xung kích từ xã đến thôn. Nhưng thực tế, khi gặp sự cố, có lúc, có nơi, lực lượng này hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Sử dụng sõng làm phương tiện đi lại nhưng không hề có áo phao.
Mặt khác, hệ thống bờ tràn trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông nông thôn cứ vào mùa mưa lũ là nước ngập, có đoạn ngập sâu, nước chảy xiết, nhưng có tràn có biển báo, có tràn thì không do ngã đổ từ lâu. Nhiều người đi đường không biết nông sâu nên cứ băng qua đã bị lũ cuốn trôi. Chỉ riêng đợt lũ từ ngày 16 - 17.12 đã làm 6 người thiệt mạng, 5 người mất tích mà phần lớn là do lội qua tràn bị lũ cuốn trôi. Như trường hợp của anh Nguyễn Trịnh Liêm (36 tuổi, ở thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận) bị lũ cuốn vào ngày 16.12 khi qua tràn về xã Phước Hiệp trong khi lũ đang xuống mạnh.
Ngoài ra, từ đầu mùa lũ đến nay hầu như phần lớn những người đi đò, hay chống sõng đi lại không quan tâm đến áo phao cứu sinh. Họ chỉ để áo phao trên ghe sõng lấy lệ và số áo phao này cũng không đủ dùng cho người trên đò. Bà con sống ven vùng sông nước lại cho rằng áo phao chỉ làm vướng víu thêm vì đã biết bơi rồi. Tuy nhiên những hành vi này rất ít khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở, hoặc cấm không cho đi khi không đủ điều kiện an toàn.
Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả hoạt động PCLB&TKCN ở địa phương hơn nữa. Đặc biệt, nên lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm bằng phản quang tại các đoạn đường có bờ tràn, vùng ngập sâu để cảnh báo cho mọi người biết. Trong trường hợp khẩn cấp, mưa lũ kéo dài, có thể thành lập các đội cứu nạn cứu hộ ở địa phương (có thể có phụ cấp trách nhiệm) làm nhiệm vụ ứng trực các điểm thường xảy ra tai nạn tại các đoạn đường tràn, các bến đò ngang khi mưa lũ lớn và cơ động giúp dân ở những vùng khẩn cấp.
XUÂN THỨC