Lũ đi qua, làng mai bạc tỉ xơ xác
Lũ chồng lũ khiến người trồng mai tại “thủ phủ” mai vàng Nhơn An, TX An Nhơn kiệt quệ. Không ai nghĩ, đã qua tháng 11 âm lịch mà lũ dữ vẫn còn “cướp cơm” của người nông dân như năm nay. Chưa thống kê hết thiệt hại, nhưng với họ, năm nay coi như mất Tết.
Liên tục nhiều năm gần đây, xã Nhơn An được cả nước biết đến với nghề trồng mai kiểng. Toàn xã có 2.810 hộ dân thì đến 70% hộ trồng mai thương phẩm; hộ trồng nhiều khoảng 6.000 - 7.000 chậu, hộ ít cũng gần 100 chậu. Mỗi năm, người trồng mai thu gần 20 tỉ đồng từ tiền bán mai Tết. Tuy nhiên, sau 5 đợt lũ lớn vừa qua, người trồng mai ở các làng mai như Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Đình, Tân Dương… đang trong cảnh trắng tay.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Hiền dốc sức chuyển mai lên bờ.
Đã sẫm tối nhưng ông Nguyễn Ngọc Châu (64 tuổi, ở đội 6, thôn Háo Đức) vẫn bì bõm lội nước, bưng, kê từng chậu mai. Thi thoảng, ông giơ tay lên đầu xê dịch chiếc mũ lấm lem bùn đất, gạt mồ hôi trên trán. Giữa hàng ngàn chậu mai kiểng được sắp thẳng hàng, đồng đều về khoảng cách, ông Châu như lọt thỏm. Trước lũ, ông đã “vô chậu” 2.000 cây mai kiểng 3 - 4 năm tuổi. Nếu thời tiết như các năm trước, thời điểm này ông đã bắt đầu lặt lá hoặc bán cả chậu lẫn cây còn xum xuê lá cho thương lái phía Bắc. “Nhưng ông Trời năm nay, một cây lụt hổng chịu, quất liền một lúc 5 cây. Ngắn thì 3 - 4 ngày, dài thì nửa tháng. Bị ngâm nước cỡ đó, mai kiểng nào chịu nổi!” - ông Châu than thở.
Ông Châu đã “đổ” vào vườn mai gần 30 triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể tiền thuê nhân công chăm sóc, tiền đúc và mua chậu. “Cả năm chăm bẵm ruộng mai vì đó là nguồn thu nhập chính của gia đình, được gần 100 triệu đồng. Nhưng năm nay, đợt lũ nào cũng ngập lút ngọn, hàng ngàn chậu mai xơ xác bởi bùn đất. Tết này coi như tay trắng” - ông Châu nói.
Hai người con trai của ông Châu là anh Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Thái Bình, mỗi người trồng 1.000 chậu mai kiểng 2-3 năm tuổi, cũng như đang ngồi trên “đống lửa”. Hai vườn mai của họ đều xác xơ sau lũ. “Nhẽ ra giờ này, tôi đã cho người lặt lá mai chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Giờ có lặt cũng như không vì mai không nở được nữa. Bị ngâm nước quá lâu, búp mai bị rụng. Để giảm thiểu thiệt hại, mấy ngày nay, cả gia đình căng mình bơm, tát nước để rửa mai, rồi mới tính chuyện lặt lá để dưỡng cho sang năm”- anh Phương xót xa nói.
Ông Nguyễn Ngọc Châu lặt bớt lá úa, chăm sóc nhằm hạn chế mai chết yểu.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Hữu Hiền (ở đội 9, thôn Háo Đức) cũng đang hì hục khiêng từng chậu mai hãy còn chìm dưới nước lên sõng, chuyển vào bờ. “500 chậu mai dính đầy bùn đất, một số đã rủ lá, héo úa. Bị “tra tấn” kiểu này, mai lấy đâu sức mà bung nụ. Giờ tui đưa mai lên bờ chỉ để hạn chế tình trạng mai bị thối gốc, chết yểu thôi” - ông Hiền buồn bã nói.
Ông Lê Văn Điều, Trưởng thôn Háo Đức, xã Nhơn An, cho biết: “Toàn thôn có khoảng 450 ngàn cây mai kiểng bị ngập nước trong nhiều ngày, khả năng 70% mai sẽ bị thối búp, 10% sẽ chết yểu. Tết này, người trồng mai chắc chắn thất thu lớn”.
Không riêng Háo Đức mà người trồng mai ở thôn Trung Định cũng đang khóc ròng. Nhìn vườn mai còn ngập sâu trong nước, chị Cáp Thị Tuyết Trang (35 tuổi, ở thôn Trung Định) rơi nước mắt: “Ngoài 3.500 chậu mai kiểng ngoài ruộng bị ngập lụt, còn 200 gốc mai 4 - 7 năm tuổi khác trong vườn cũng bị lũ cuốn đổ gãy cành, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Ba ngày Tết đều trông vào ngần đó, giờ mất trắng rồi, xem như không còn Tết nhất gì nữa”.
Theo ông Phan Long Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn An, toàn xã có hơn 1 triệu chậu mai kiểng bị nước lũ gây ngập úng; trong đó, thôn Háo Đức nhiều nhất (450 ngàn chậu), rồi đến thôn Thuận Thái (hơn 200 ngàn), thôn Thanh Liêm (hơn 100 ngàn)... Người trồng mai đang gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất từ trước tới nay. “Xã đang kiến nghị chính quyền TX An Nhơn xem xét phương án hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, cây hoa không nằm trong danh mục cây trồng được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai nên đây là vấn đề đang khiến chúng tôi lo nhất” - ông Hùng nói.
“Cây mai kiểng ngâm nước 2-3 ngày, cùng lắm chỉ bị rụng lá và cứu được; nhưng bị ngâm nước từ 1 tuần đến nửa tháng thì nguy cơ thối rễ, thối búp, chết yểu là rất cao”- ông NGUYỄN NGỌC CHÂU, người có 20 năm trồng mai kiểng, nhận định.
TRỌNG LỢI