Chùa Ông Nhiêu: Gắn kết sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng với làm việc nghĩa
Chùa Ông Nhiêu (tức Ðền Quan Thánh, phường Trần Hưng Ðạo, TP Quy Nhơn) là di tích cấp tỉnh được xếp hạng năm 2002. Cơ sở thờ tự, tín ngưỡng này hoạt động dựa vào nguồn công đức, song 5 năm qua chùa Ông Nhiêu còn làm được nhiều việc thiện rất ý nghĩa...
Trước đó, trong tháng 9 âm lịch (cũng năm 2016), chùa Ông Nhiêu đã tham gia tổ chức tang lễ và hỗ trợ chi phí mai táng cho 2 người nghèo khác ở Quy Nhơn là Trương Thị Minh Tuyết (15 triệu đồng) và Phạm Thành Được (9 triệu đồng). Riêng trường hợp chị Tuyết, còn khá trẻ, qua đời đột ngột vì đột quỵ, gia đình ly tán, không còn nhà cửa nên chùa Ông Nhiêu đã xin phép Phòng Văn hóa -
Thông tin TP Quy Nhơn (cơ quan quản lý nhà nước của di tích này) tổ chức tang lễ và lập bàn thờ ngay tại chùa. Xa hơn nữa, cũng trong năm 2016, vào ngày 24.6 âm lịch, nhân ngày vía Quan Thánh, chùa Ông Nhiêu đã tặng 100 suất quà (mỗi suất 250 ngàn đồng) cho một số hộ nghèo trên địa bàn phường; nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, tặng 15 suất quà (mỗi suất 200 ngàn đồng) cho một số hộ gia đình chính sách trên địa bàn phường…
2. Đây chỉ là vài ví dụ nhỏ và ngẫu nhiên phần nào cho thấy tấm lòng nhân đạo, chia sẻ với cộng đồng mà chùa Ông Nhiêu tự nguyện và lặng thầm thực hiện từ nhiều năm qua. Theo ông Lê Ngọc Anh, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Quy Nhơn - người gắn bó và nắm rõ về mọi hoạt động tại di tích này - trong vòng 5 năm qua kể từ khi được tu bổ, phục hồi sinh hoạt đến nay, chùa Ông Nhiêu đã tổ chức và tham gia đóng góp cho các hoạt động từ thiện khoảng 500 triệu đồng.
“Mấy trăm triệu đồng là con số làm từ thiện không lớn nhưng quan điểm sử dụng một phần nguồn công đức, kết hợp với kêu gọi cộng đồng chung tay để làm việc thiện; cái tâm trong sáng và phương pháp quản lý tài chính hiệu quả, minh bạch của những người ở Ban quản lý di tích chùa Ông Nhiêu, tôi cho rằng, không phải một cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian nào cũng làm được. Tuy khoảng thời gian di tích này phục hồi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không dài nhưng đã làm được nhiều việc ý nghĩa, để “tiếng thơm” trong lòng dân Quy Nhơn và người dân gần xa. Việc di tích chùa Ông Nhiêu đã được tỉnh phê duyệt về quy hoạch mở rộng để tiếp tục được đầu tư tôn tạo (hiện đang giải phóng mặt bằng để mở rộng không gian cho di tích) là minh chứng rõ nhất về hiệu quả phát huy giá trị di tích” - ông Lê Ngọc Anh nhấn mạnh.
3. Hỏi về những đợt làm từ thiện cụ thể trong vài năm gần đây, quy ra tiền mỗi lần bao nhiêu hoặc trung bình mỗi năm, ông Lê Văn Tráng, Phó Ban quản lý Di tích chùa Ông Nhiêu lắc đầu, cười, bảo: “Chịu! Không nhớ!”. Ông Tráng tâm sự: “Tôi tâm niệm rằng, đó là tiền cúng dường, công đức của người dân lên chùa, lên thánh, vậy ngoài chi để sửa sang, mua sắm cho chùa chu đáo, không phô trương, dành ra một khoản tích lũy để tu bổ, xây dựng chùa sau này, thì chuyện trích ra một phần để chia sẻ với bà con gặp lúc khó khăn là việc rất phải, rất nên làm. Mọi chương trình, Ban quản lý đều xin ý kiến từ cơ quan quản lý, đại diện Phật tử và nhân dân địa phương thường xuyên đến sinh hoạt. Tất cả mọi trường hợp đều được đồng thuận cao”.
“Tôi tâm đắc với mô hình sinh hoạt, quản lý tài chính ở chùa Ông Nhiêu. Ở đây, chúng tôi không chỉ sinh hoạt tín ngưỡng mà còn tham gia làm những việc thiện, việc nghĩa. Bác Hai (tức ông Lê Văn Tráng) đã truyền cảm hứng cho một thanh niên như tôi sống hướng thiện”” - anh NGUYỄN VĂN NAM, một trong những thanh niên tự nguyện trực đêm tại chùa, nói.
SAO LY