Siêu cấp cứu: Phao cứu sinh cho người bệnh
Một trong những điểm quan trọng của quy trình cấp cứu "báo động đỏ” là phân quyền cho bác sĩ (BS) khoa cấp cứu về phát lệnh "báo động đỏ”... Cho phép BS bỏ qua các giai đoạn như hội chẩn, xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh... theo những qui trình chuyên môn bình thường mà chuyển thẳng bệnh nhân (BN) từ phòng cấp cứu lên ngay phòng mổ.
"Quy trình báo động đỏ” của bệnh viện (BV) là xử trí cấp cứu tối khẩn cấp, áp dụng cho những trường hợp cấp cứu cần can thiệp ngoại khoa mới hy vọng cứu sống được người bệnh. Việc BV Nhi đồng 1 áp dụng thành công "quy trình báo động đỏ” trong cấp cứu, cứu sống những trường hợp tối nguy kịch, sự sống chỉ còn gang tấc, đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nếu phát lệnh "báo động đỏ”, huy động tốc lực tối đa thì tất cả đã sẵn sàng trong vòng chưa tới 5 phút, khi BN được đẩy thẳng từ phòng cấp cứu lên phòng mổ. Nếu không áp dụng quy trình này, nhanh nhất cũng mất khoảng 30 phút cho hội chẩn, xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh... theo những qui trình chuyên môn bình thường.
"Quy trình báo động đỏ” được BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) triển khai từ 3 năm qua, đảm đương cấp cứu vào thời điểm ngoài giờ làm việc của ca chiều, tập trung đồng thời các êkíp gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu... Các BS trong quy trình luôn mở điện thoại 24/24 giờ. Khi nhận được tín hiệu báo động, không cần biết là thời gian nào, đang ở đâu, không cần hỏi han dài dòng về tình trạng nhập viện của BN, phải ngay lập tức có mặt tại phòng mổ.
Quy trình siêu cấp cứu này rất cần được nhân rộng tại nhiều BV. Trao đổi với Đại Đoàn kết, ThS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết:
Để áp dụng thành công quy trình "Báo động đỏ” đòi hỏi một số nguyên tắc quan trọng như: khả năng chẩn đoán lâm sàng nhanh của các BS trực cấp cứu và xử trí hồi sức; khả năng vừa vận chuyển BN từ khoa cấp cứu đến phòng mổ, vừa tiếp tục hồi sức tích cực trên đường vận chuyển; huy động sự tham gia vừa khẩn trương vừa đồng bộ của các khoa, phòng khác: Khoa Ngoại, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Xét nghiệm, Ngân hàng máu, siêu âm, Xquang, lực lượng bảo vệ của BV...
- Tôi rất hoan nghênh, đánh giá cao việc BV Nhi đồng 1 đã xây dựng "Quy trình báo động đỏ” để dựa trên quy trình này, các thầy thuốc của BV đã kịp thời cấp cứu cho 2 cháu bị chấn thương do 1 BN tâm thần đâm mới đây. Sáng kiến của BV Nhi đồng 1 chính là cụ thể hóa quy trình cấp cứu mất máu nặng thành văn bản và BV đã thống nhất, dựa trên sự tham gia của các đơn vị có liên quan trong BV. Trong trường hợp có BN mất máu nặng cần cấp cứu ngay, BS cấp cứu có thể toàn quyền huy động các đơn vị khác và các thầy thuốc có liên quan tham gia cấp cứu đồng thời ngay tại phòng mổ, bỏ qua các bước mà trong trường hợp khác có thể phải làm các thủ tục gây mất thời gian.
* Ông có thể cho biết ngoài Nhi đồng 1, đã có BV nào áp dụng quy trình tương tự trong cấp cứu chưa?
- Ngoài BV Nhi đồng 1, chúng tôi chưa có thông tin về việc có BV nào khác xây dựng "Quy trình báo động đỏ”. Tuy nhiên các BV ngoại khoa lớn đều có những xử trí cấp cứu tương tự và cũng đã cứu sống nhiều trường hợp chấn thương nặng có vết thương mạch máu, có mất máu cấp nặng.
* Với góc độ nhà quản lý, ông có ý kiến gì để các BV khác áp dụng sáng kiến này?
- Đối với các BV nói chung, việc xây dựng các quy trình cụ thể trong khám, chữa bệnh là rất cần thiết. Các văn bản quy phạm pháp luật thông thường đưa ra những quy định chung mang tính chất hướng dẫn. Để thực hiện tốt, các BV cần xây dựng các quy trình cụ thể hóa các quy định, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống tổ chức và thực tế BV.
BV Nhi đồng 1 là một trong những BV đã có nhiều sáng kiến về cải tiến chất lượng, đã triển khai áp dụng mô hình quản lý chất lượng toàn diện từ nhiều năm nay. BV cũng đã xây dựng nhiều quy trình, hướng dẫn khác nhau để áp dụng và trong các giải pháp cải tiến chất lượng, việc chuẩn hóa và cải tiến quy trình luôn là vấn đề được coi trọng và rất cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày 12-7 vừa qua đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BYT hướng dẫn quản lý chất lượng BV. Theo đó, các BV phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng các quy trình, hướng dẫn, các chương trình cải tiến chất lượng, thiết lập cơ sở dữ liệu, các chỉ số và triển khai xây dựng và thực hiện các đề án cải tiến chất lượng.
"Quy trình báo động đỏ” có hiệu quả như đã và đang triển khai tại BV Nhi đồng 1 là một bài học thực tế - một bài học kinh nghiệm có thể triển khai nhân rộng tới các BV khác. Khẳng định sự cần thiết của phối hợp làm việc nhóm mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh.
* Ông có ý kiến gì thêm về quy trình cấp cứu hiện tại của các BV hiện nay?
- Nhìn chung, các BV đã và đang triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành dựa trên "Quy chế cấp cứu”. Các BV đều thực hiện theo các nguyên tắc của xử trí cấp cứu vết thương mạch máu nếu gặp phải các trường hợp tương tự, tuy vậy, việc cụ thể hóa thành quy trình như BV Nhi đồng 1 là rất cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
. Theo Đại đoàn kết