Hỗ trợ Nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn: Chậm đến bao giờ ?
Nghị định số 109/2015/NÐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, đã có hiệu lực gần 1 năm. Tuy nhiên, các NNƯT thuộc diện được hỗ trợ vẫn đang chờ sự hỗ trợ.
Đợt phong tặng danh hiệu NNƯT lần thứ I-2015 trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Bình Định đã vinh dự có 18 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu. Phần lớn các NNƯT đều là những người cao tuổi, có cuộc sống khó khăn nhưng vẫn tâm huyết cống hiến vào việc bảo tồn di sản.
Nghệ nhân ưu tú Minh Đức (người cầm micro) nhiệt tình tham gia giảng dạy lớp tập huấn về bài chòi cổ dân gian lần thứ V-2016 do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức.
Chờ mong hỗ trợ
Cách đây hơn chục ngày, tôi gặp NNƯT Minh Đức (65 tuổi, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát) đứng giảng tại lớp tập huấn bài chòi cổ dân gian do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức.
“Tôi có loáng thoáng nghe nói mai mốt sẽ được một khoản tiền trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, rồi Nhà nước sẽ giúp đóng BHYT. Vậy mà không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì?”
NNƯT Minh Ðức (65 tuổi, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát)
Thấy bà dạo này tiều tụy, chúng tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe. Bắt trúng nỗi lòng, NNƯT Minh Đức tâm sự: “Mùa mưa gió kéo dài, nhà cửa xập xệ, bị dột nhiều chỗ, ăn ngủ đâu có yên. Chồng mất từ lâu, con cái khó khăn và cũng ở xa, nên tôi vất vả tự kiếm sống đến tận tuổi này. Hiện mang trong người đủ thứ bệnh đã trở nặng, rồi phải chăm lo cho mẹ chồng 87 tuổi đang sống cùng cũng đang đau bệnh. Giờ chẳng còn sức mà mua bán ve chai như trước. Lâu lâu được gọi đi phục vụ hội đánh bài chòi cổ thì còn có ít tiền bồi dưỡng, chứ mấy tháng vừa rồi không có thì hết sức chật vật, lo xoay xở đủ kiểu. Hơn 1 năm trước, lúc đón nhận danh hiệu NNƯT, tôi có loáng thoáng nghe nói mai mốt sẽ được một khoản tiền trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, rồi Nhà nước sẽ giúp đóng BHYT. Vậy mà không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì?”.
Từ ngày 1.1.2016, Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành. Theo Nghị định này, NNƯT muốn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, được cấp thẻ BHYT phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục, thông qua việc làm bộ hồ sơ gửi cho UBND cấp xã, huyện xem xét, có quyết định... Các NNƯT ở tỉnh ta hiện nay phần lớn đều ở vùng nông thôn, vùng xa, có nhiều hạn chế, khó khăn khi thực hiện các loại giấy tờ theo quy định, nếu như không có sự hỗ trợ của các ngành liên quan.
Chậm trễ
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Huyện Tuy Phước có 4 NNƯT. Tuy Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực đã lâu, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn từ các cấp, ngành có liên quan về triển khai thực hiện tại địa phương. Muốn hỗ trợ các NNƯT thực hiện các bước thủ tục để được trợ cấp cũng khó bởi đã làm thì phải đúng quy định”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần đông các NNƯT ở tỉnh ta vẫn còn “mơ hồ” thông tin về việc hỗ trợ, cũng chưa ai giúp họ nắm đầy đủ các bước cần làm gồm những gì. Trong khi đó, theo điều 13 Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ, việc tổ chức thực hiện như sau: “Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định này. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định ở địa phương. Chậm nhất vào ngày 15.1 hằng năm, tổng hợp tình hình báo cáo việc thực hiện các quy định tại Nghị định của năm trước liền kề ở địa phương gửi về Bộ LĐ-TB &XH”.
Việc triển khai thực hiện hỗ trợ cho NNƯT trên địa bàn tỉnh vì một số lí do đã chậm trễ. Vì vậy, cần có sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp, các ngành có liên quan, nhất là khi nhiều NNƯT có đời sống khó khăn đang ở tuổi “gần đất xa trời”...
Trưa 21.12, tôi đến căn nhà nhỏ, cũ kỹ đã hư hỏng khá nhiều ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn của NNƯT, võ sư Lê Xuân Cảnh (73 tuổi), khi ông đang tất bật dọn dẹp nhà sau khi nước lũ vừa rút. Trong nỗi lo khó khăn những ngày sắp đến, võ sư Cảnh chia sẻ: Vợ chồng tôi đang sống với đứa con gái lớn. Nhà cũng có ít ruộng nhưng làm không đủ ăn. Việc truyền dạy võ cổ truyền cho bao thế hệ học trò là bởi tôi mong muốn góp phần bảo tồn di sản của dân tộc, phục vụ đồng bào mình là chính. Chứ nói thật, chẳng riêng gì tôi, các thầy võ khác cũng thế thôi, chẳng ai sống được với tiền thù lao đâu. Chẳng là bao! Giá như có được khoản tiền trợ cấp hằng tháng cho NNƯT mà lâu nay đang ngóng chờ, thì gia đình tôi cũng đỡ phần nào. Nay trời hành cơn lụt, cuộc sống vốn đã chật vật, giờ thêm thiệt hại do thiên tai càng khiến tôi thêm lo!
HOÀI THU