“Hỗ trợ” làm hầm biogas ở xã Cát Lâm (Phù Cát): Tiền mất tật mang
Vì thiếu thông tin, một số hộ dân ở xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) làm hầm biogas không những không được nhận tiền hỗ trợ mà chất lượng công trình cũng không đạt yêu cầu. Ðây là bài học cảnh giác cho các địa phương khác.
Hệ thống hầm biogas phủ bạt HDPE của gia đình ông Phẩm đã hỏng sau 2 tháng vận hành.
Tiền hỗ trợ tính gộp vào giá thành công trình
Năm 2015, qua thông báo và giới thiệu của bà Ngô Thị Kim Viện - cán bộ phụ trách khuyến nông xã Cát Lâm, các ông Trương Ngọc Hồng, Trương Công Hậu, Nguyễn Hùng Phúc, Phạm Ngọc Lân (cùng ở thôn Hiệp Long) và ông Nguyễn Văn Thuận (thôn An Điềm) đăng ký với bà Viện xây dựng hệ thống hầm biogas. Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Hải Quý (Công ty Hải Quý, trụ sở tại TP Quy Nhơn) nhận thi công lắp đặt hệ thống hầm biogas composite với giá 11,2 - 13,5 triệu đồng/hầm; bảo hành trong 5 năm.
Năm 2016, các ông: Lê Văn Phẩm (Trưởng thôn Hiệp Long), Trần Khắc Kỳ (trú thôn Thuận Phong), Đỗ Ngọc Tân (thôn Đại Khoan) tiếp tục đăng ký với bà Viện; riêng 2 hộ ông Nguyễn Tâm và Nguyễn Thái Thành Long (thôn Hiệp Long) làm hầm biogas nhưng không đăng ký. Theo giao kết hợp đồng, Công ty Hải Quý lắp đặt hệ thống hầm biogas composite cho họ, nhưng thực tế Công ty lại lắp đặt hệ thống biogas phủ bạt HDPE, giá từ 16,5 - 27 triệu đồng/hầm; bảo hành 5 năm.
Theo quy định hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp do Bộ NN&PTNT triển khai (vốn vay ADB 1,742 triệu USD, Bình Định là 1 trong 10 tỉnh thực hiện), mức hỗ trợ xây hầm biogas dưới 50m3 là 3 triệu đồng/công trình. Tuy nhiên, từ khi làm xong hầm biogas đến nay, 8 hộ trên đều chưa nhận được tiền hỗ trợ. Họ thắc mắc thì được bà Viện và đơn vị thi công giải thích “tiền hỗ trợ đã tính vào giá trị công trình”(?).
Ông Phẩm hoài nghi: “Họ chỉ nói miệng chứ không đưa hồ sơ, hóa đơn, chứng từ để chứng minh. Ban đầu, chúng tôi tin, nhưng sau tìm hiểu lại mới biết, muốn được hỗ trợ thì phải có hồ sơ, giấy tờ rõ ràng, nên chúng tôi nghi ngờ”.
Cũng theo ông, Công ty Hải Quý làm hầm biogas phủ bạt HDPE không đảm bảo chất lượng. Chỉ sau 2 tháng vận hành, 3 hầm biogas của ông Phẩm, ông Tân và ông Tâm đều bị sập đất xung quanh, gãy ống dẫn chất thải. Trong đó, hầm nhà ông Tâm hư đến 4 bận, Công ty Hải Quý cho khắc phục nhưng vẫn không xong. Ông Tâm phải chi thêm trên 18 triệu đồng nữa để tự sửa chữa.
“Tui ký hợp đồng với Công ty Hải Quý làm hầm biogas, giá 27 triệu đồng. Hầm bị hư, sửa đi, sửa lại tốn hơn 18 triệu đồng nữa. Tổng cộng, mất gần 50 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với người dân quê”, ông Tâm than thở. Đến giữa tháng 12.2016, Công ty này vẫn chưa sửa hầm biogas nhà ông Phẩm, ông Tân.
Làm việc với chúng tôi vào ngày 15.12, bà Viện đã phủ nhận toàn bộ việc người dân phản ánh: “Tôi có thông báo về chương trình hỗ trợ cho người dân nhưng khi làm họ không đăng ký với tôi. Thấy Công ty Hải Quý đã làm nhiều công trình ở địa phương, nên khi Công ty nhờ dẫn tới nhà người làm hầm biogas thì tôi giúp chứ chẳng có lợi lộc gì. Tiền hỗ trợ được tính gộp vào giá thành. Nhưng, theo khẳng định của 2 ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã và Trương Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, thì: “Chúng tôi không hề biết việc Công ty Hải Quý hợp đồng làm hầm biogas cho một số hộ dân vì đơn vị này không thông qua UBND xã. Bà Viện giới thiệu hay dẫn Công ty Hải Quý tới nhà dân, chúng tôi lại càng không biết vì xã không hề phân công cho bà Viện; bà Viện cũng không hề báo cáo việc này với lãnh đạo xã”.
Cảnh giác với các đơn vị “ăn theo”
Đây là cảnh báo của ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp của tỉnh (gọi tắt là Dự án LCASP).
Ông Diệp cho biết: Theo quy định của Dự án, để được hỗ trợ, hộ gia đình có nhu cầu làm hầm biogas phải làm đơn đề nghị theo mẫu có sẵn, rồi gửi tới UBND xã để được xác nhận và lập danh sách gửi cho huyện. Sau đó, cán bộ kỹ thuật của Dự án sẽ tới từng hộ kiểm tra, tư vấn, hướng dẫn; đồng thời, đại diện Ban quản lý Dự án LCASP ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật và tài chính với hộ dân. Các hộ dân sẽ được tập huấn kỹ thuật vận hành công trình; sau khi nghiệm thu công trình, thẩm định chất lượng, Ban quản lý mới chuyển tiền hỗ trợ vào ngân hàng; người dân nhận tiền qua ngân hàng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số công ty, doanh nghiệp dù không đủ điều kiện tham gia Dự án LCASP, nhưng đã trực tiếp về địa phương tuyên truyền, quảng bá nhận thi công hầm biogas. Do không nắm rõ thông tin, người dân tin tưởng, rồi ký hợp đồng làm hầm biogas với họ. Hậu quả, người dân không được Dự án hỗ trợ vì làm không đúng trình tự quy định.
Vì vậy, ông Diệp khuyến cáo, khi có nhu cầu làm hầm biogas, bà con cần tìm hiểu kỹ về chương trình hỗ trợ để thực hiện đúng quy định. Mặt khác, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tiếp cận với Dự án LCASP hiệu quả; đồng thời thường xuyên kiểm tra, theo dõi, khi phát hiện các công ty “ăn theo” để kịp thời ngăn chặn, báo cáo cơ quan liên quan xử lý, tránh để người dân “tiền mất tật mang”.
“Riêng các trường hợp ở xã Cát Lâm, sắp tới Ban quản lý Dự án LCASP tỉnh sẽ về địa phương kiểm tra và làm việc với UBND xã để tìm hướng xử lý phù hợp”, ông Diệp khẳng định.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp của tỉnh:
Các công ty sản xuất sản phẩm bồn composite phải được Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được phép sản xuất, lưu hành và tham gia Dự án LCASP. Trên địa bàn tỉnh ta có 6 đơn vị đủ tiêu chuẩn, gồm: Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh công nghệ Hoàng Gia; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Quang Huy; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thành Lộc composite; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hưng Việt composite; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Môi Trường Xanh; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bảo Chung đủ điều kiện tham gia Dự án LCASP.
VĂN LỰC