Căng thẳng chuyện dạy bù, học bù sau mưa lũ
Nghỉ học dài ngày do mưa lũ, lại rơi vào thời điểm cuối học kỳ 1 nên khi trời vừa ngưng mưa, thầy trò các trường vùng lũ chạy đua với thời gian, dạy bù học bù để đuổi kịp chương trình quy định.
Học sinh Trường THPT số 3 Tuy Phước lội nước lũ trong sân trường để về nhà (ảnh chụp lúc 11 giờ 30 phút ngày 24.12).
Ưu tiên học sinh cuối cấp
Đến sáng 24.12, sân Trường THPT số 3 Tuy Phước - trường học bị ngập nặng nhất tỉnh, vẫn còn ngập trong biển nước. Dù vậy, thầy trò nhà trường đã xác định: Lội nước vào lớp học. Dù vậy, thống kê đến cuối buổi học của trường cho thấy, có 48 học sinh không thể đến trường do ở các vùng bị ngập nước.
“Các em đã nghỉ từ ngày thứ 5 của tuần 14 đến hết ngày thứ 4 của tuần 17 - tính ra khối lớp 11, 12 nghỉ 22 buổi, còn khối 10 nghỉ 23 buổi do mưa lũ. Trường đã có kế hoạch dạy bù từ tuần trước, nhưng không thể triển khai vì nước vẫn còn lớn quá”, cô Dương Thị Bích Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Nhìn sân trường mênh mông nước lụt, cô Liên thở dài: “Buổi sáng học chính khóa, buổi chiều dạy bù nhưng bài vở nhiều quá. Tình hình này không dám nghĩ đến chuyện dạy buổi tối! Chắc phải đợi vài hôm nữa, nước rút thêm mới dám kéo dài thời gian dạy bù buổi chiều đến 5 giờ rưỡi, 6 giờ. Giáo viên các khối đã soạn bài tập, photo và hàng ngày phát cho các em về làm để lên lớp sửa”.
Có thời gian nghỉ lũ ít hơn nhưng Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước) dạy mỗi ngày 2 buổi nên việc dạy bù vẫn rất căng. Dù thời gian thúc bách nhưng nhà trường vẫn không dám dạy bù vào buổi tối vì một số học sinh ở khá xa trường - mãi xã Phước Thuận; trường xác định chia làm hai giai đoạn: dạy bù trước thi và sau thi.
Giải pháp bổ sung kiến thức cho học sinh lớp 12 của các trường THPT vùng lũ là ưu tiên cho các em học bù liên tục, bởi các em cần được bổ sung kiến thức để có thể tham gia tốt kỳ thi THPT Quốc gia. Các khối lớp còn lại, việc dạy bù linh hoạt hơn và có thể kéo dài hơn so với quy định.
Với các trường tiểu học, THCS, việc dạy bù cũng không kém căng thẳng, nhất là các trường thiếu phòng học. Trường Tiểu học số 2 Phước Hòa (huyện Tuy Phước) học sinh vẫn chưa thể đi học nên việc dạy bù chưa thể tiến hành. Trường THCS Cát Chánh (huyện Phù Cát) nghỉ gần 12 ngày nên ngoài thứ Bảy và Chủ nhật, buổi học nào có lớp trống, thầy trò các lớp 9 đăng ký với nhà trường học tăng cường các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Trường THCS Võ Xán (huyện Tây Sơn) thiếu phòng học bù nên trường tổ chức dạy bù vào buổi tối với những lớp có học sinh ở tại thị trấn Phú Phong.
Học đến đâu, thi đến đó
Dù Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tùy tình hình thực tế được phép lùi ngày tổ chức thi học kỳ 1 lại 1 tuần so với quy định của năm học, nhưng nhiều hiệu trưởng vùng lũ đã xác định: Ngay cả lùi ngày thi học kỳ 1 lại 1 tuần cũng không thể đảm bảo dạy bù theo kịp chương trình, nên tinh thần là học đến đâu thì thi đến đó.
Ông Khưu Đại Lợi, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: “Phòng sẽ lấy các trường ở xã Phước Hòa, Phước Thắng làm mốc, họ dạy đến đâu thì sẽ tổ chức thi học kỳ 1 trên toàn huyện đến đấy”.
Học sinh huyện Phù Cát nghỉ học vì mưa lũ ít hơn nên Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát Nguyễn Tấn Hưng khẳng định, dời thi lại 1 tuần thì đảm bảo các trường vùng lũ sẽ dạy kịp chương trình. “Đối với cấp THCS, các trường ít bị ảnh hưởng lũ sẽ tổ chức ôn tập, chờ các trường bị ảnh hưởng nhiều theo kịp chương trình rồi tổ chức thi đồng loạt. Riêng cấp tiểu học, tôi chỉ đạo dạy hết chương trình lúc nào thì tổ chức thi lúc đó”, ông Hưng cho biết.
“Học đến đâu, thi đến đó” là giải pháp tốt hiện nay với các trường THPT nằm trong “rốn lũ” của huyện Tuy Phước, cũng là những trường bị ngập nặng nhất, học sinh có số ngày nghỉ học nhiều nhất. Bên cạnh nỗ lực dạy bù, tổ chức thi học kỳ 1 thật hiệu quả, ban giám hiệu các trường phổ thông đang cố gắng tìm ra nhiều giải pháp để bù đắp kiến thức bị thiếu hụt cho học sinh như giáo viên soạn đề cương hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập ở nhà. Các trường vùng lũ đều khẳng định sẽ không để học sinh của mình bị thiếu hụt kiến thức.
“Kết thúc học kỳ 1, nếu chưa hoàn thành chương trình, trường sẽ tiếp tục dạy học cho hết”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Diêu Nguyễn Văn Tho trao đổi. Còn Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước thì cam kết: “Thông thường, năm học kết thúc vào khoảng 15-22.5, nhưng nếu việc dạy bù không hoàn thành vào cuối học kỳ 1 thì các trường vùng lũ có thể kéo dài việc dạy học đến hết tháng 5 mới kết thúc năm học”.
NGỌC TÚ