Giải mã thêm nhiều bí ẩn thành Cha
Cuộc khai quật khảo cổ học di tích thành Cha lần thứ hai vừa được tiến hành, từ đây, thêm nhiều bí ẩn vốn chôn vùi trong lòng đất đã hé mở. Diện mạo và vai trò quan trọng của thành Cha trong lịch sử dần rõ nét.
Cuộc khai quật thành Cha (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) lần hai đã thu được nhiều tư liệu về di tích, di vật, giúp hiểu biết chi tiết và đầy đủ hơn về kỹ thuật đắp, chất liệu, các giai đoạn đắp thành, niên đại và chủ nhân của thành Cha.
Cuộc khai quật thành Cha lần hai đã có nhiều phát hiện mới.
Nhiều phát hiện
Các nhà khảo cổ nhận định niên đại của thành Cha có 2 giai đoạn: giai đoạn sớm là lớp thành đắp dưới chân tường gạch, trong chứa gốm thô, khuyên tai đá Sa Huỳnh muộn và đồ đất nung Champa sớm, khoảng thế kỷ 4 - 6, khi đó thành còn thuộc châu Vijaya. Giai đoạn 2 là lớp thành được gia cố bằng tường gạch và các lớp đất mở rộng về phía Nam và đắp phủ trùm cao ở phía Bắc, niên đại khoảng thế kỷ 7 - 9, khi thành Cha đóng vai trò là kinh đô ban đầu khi người Chăm chuyển đô từ Quảng Nam vào Bình Định năm 1000.
“Qua 2 cuộc khai quật thành Cha, những bí ẩn trong lòng đất hé ra ngày càng nhiều, giúp người ta cảm nhận rõ hơn vùng đất Bình Ðịnh không chỉ phát triển rực rỡ về văn hóa Champa, mà còn cho chúng ta thấy vùng đất từng tồn tại nền văn hóa Sa Huỳnh thời kì sớm hơn. Chính văn hóa Sa Huỳnh tạo tiền đề, nền tảng, cơ tầng văn hóa để phát triển văn hóa Champa...Vì vậy, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu về giá trị thành Cha một cách bài bản hơn, với sự hợp tác liên ngành, đa ngành, có sự chung tay góp sức của rất nhiều cơ quan”.
PGS.TS BÙI MINH TRÍ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành
Qua khai quật, lần đầu tiên phát hiện được lớp văn hóa Sa Huỳnh (cư trú và mộ táng) và sự chuyển tiếp Sa Huỳnh - Champa qua địa tầng. Từ các hố khai quật trên gò Ông Tỵ, kết quả cho thấy địa tầng khu di tích có 2 lớp văn hóa: lớp Sa Huỳnh muộn ở dưới và lớp văn hóa Champa ở trên.
PGS.TS Lại Văn Tới, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, chủ trì đợt khai quật, cho biết: “Lần đầu tiên phát hiện được lớp văn hóa cư trú Champa sớm, niên đại thế kỷ 2 - 4. Phát hiện kiến trúc xây tường, lát nền gạch, có sự gia cố các móng trụ cột, mái lợp ngói âm dương, đặc biệt là ngói âm kích thước lớn, trên lưng có đinh nhọn hay gắn vật trang trí và ngói ống lợp diền mái trang trí mặt hề và sư tử với nhiều cách thức thể hiện khác nhau, được xây dựng ở trung tâm thành Nội, niên đại thế kỷ 4 - 6. Liên kết với kiến trúc đền thờ phát hiện trong hố khai quật năm 2015, có thể thấy được một mặt bằng kiến trúc khá hoàn chỉnh. Theo hướng từ Đông sang Tây, gồm có cửa ra vào đến đường dẫn với hệ thống móng trụ, sân gạch, đền thờ có đường gạch đi 4 phía”.
Cuộc khai quật còn phát hiện kiến trúc với các vật liệu xây dựng (gạch, ngói) và trang trí kiến trúc mang phong cách Khmer… có niên đại thể kỷ 11- 12. Trong đó, có kiến trúc lợp 3 loại ngói đặc biệt, lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam: ngói dương có chốt ở bụng, ngói lòng máng có gờ trên lưng, ngói ống trang trí lá đề biến thể hình đầu rắn. Qua địa tầng hố khai quật và qua các rãnh đào để nghiên cứu địa tầng cho thấy, gò đất trung tâm thành Nội (dân gian gọi là gò ông Tỵ) là gò đất nhân tạo, được hình thành trong quá trình xây dựng các kiến trúc Champa ở đây. Đặc biệt hơn nữa là, trước khi khu vực này được người Chăm chọn để xây dựng các công trình kiến trúc, đã có lớp cư dân Champa cư trú từ trước đó.
Các di vật thu được trong cuộc khai quật thành Cha lần hai.
Cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả đợt khai quật lần hai đã cung cấp thêm nhiều tư liệu về cấu tạo, vật liệu, kỹ thuật xây đắp tường thành Cha. Đây mới là nhận thức ban đầu, trong tương lai theo các nhà khảo cổ cần tiếp tục nghiên cứu để có những hiểu biết về: khối lượng và thành phần vật liệu xây thành; nguồn nhân lực và vai trò quản lý nhân lực đắp thành; nguồn lực kinh tế và vai trò chính trị trong việc huy động nguồn lực phục vụ đắp thành và các hoạt động khác. Nghiên cứu ngoài chức năng phòng ngự (quân sự), trung tâm kinh tế-chính trị (kinh đô/kinh thành), thì thành Cha còn có chức năng nào khác. Trong hệ thống các di tích Champa ở Bình Định, thành Cha giữ vị trí như thế nào, có quan hệ với phần còn lại ra sao...
“Với diện tích khai quật gần 900 m2 so với diện tích của thành Cha (32.886 m2) và quy mô rộng lớn của kinh đô Vijaya (thành Nội 16.400 m2) là chưa nhiều. Cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thành Cha, đặc biệt là các di tích kiến trúc trong khu vực thành Nội đã phát hiện qua hai đợt khai quật. Hệ thống hóa toàn bộ tư liệu về di tích thành Cha, làm cơ sở cho học tập, nghiên cứu, đồng thời đề xuất những cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích” - PGS.TS LẠI VĂN TỚI kiến nghị.
Cuộc khai quật vừa kể đã thúc đẩy hiểu biết về thành Cha và nhiều vấn đề liên quan, tiến một bước rất dài. Vì thế, thời gian tới, cần tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn di tích quốc gia thành Cha và các dấu tích kiến trúc còn tồn tại trên các lớp đất đắp thành và các di tích kiến trúc trong thành Nội. Đặc biệt là gò đất trung tâm thành Nội, nơi mở hố khai quật năm nay. Các đơn vị, địa phương liên quan cần tăng cường quản lí, ngăn chặn mọi hình thức xây dựng các công trình công cộng, dân dụng và các hành động vi phạm đến cảnh quan môi trường và hiện trạng di tích thành (khu vực đã khoanh vùng bảo vệ thành Cha).
HOÀI THU